(Tổ Quốc) - Theo AP, cả Lebanon và Sri Lanka đang phải đối mặt chung với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Sự kết hợp của nhiều yếu tố bất lợi như sụp đổ tiền tệ, khan hiếm lương thực, lạm phát lên ba con số và nạn đói ngày càng tăng đã dẫn đến thảm họa kinh tế cho cả Lebanon và Sri Lanka.
Theo hãng AP, tình trạng người dân xếp hàng dài để đổ xăng, sự suy tàn của tầng lớp trung lưu và những cuộc di cư của các chuyên gia có năng lực đã phản ánh phần nào của cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka.
Những tín hiệu tồi tệ này đã kéo dài trong nhiều tháng qua, thậm chí là nhiều năm qua nhưng phải đến gần đây, bức tranh tổng thể mới dễ nhìn thấy nhất. Và hiện tại được ví như một thảm họa. Các chuyên gia cho rằng hàng chục quốc gia, bao gồm Ai Cập, Tunisia, Sudan, Afghanistan và Pakistan có thể phải chịu chung số phận như Lebanon và Sri Lanka do ảnh hưởng đại dịch cũng như xung đột ở Ukraine gây ra tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và tăng giá.
Rối loạn khủng hoảng
Các cuộc khủng hoảng ở Lebanon và Sri Lanka bắt nguồn từ tình trạng tham nhũng và xung đột trong nhiều thập kỷ qua. Cả hai quốc gia đã trải qua cuộc nội chiến kéo dài, sau đó là sự hồi phục khó khăn hơn rất nhiều.
Lebanon là một trong những quốc gia Trung Đông lạc hậu nhất về cơ sở hạ tầng và phát triển, thậm chí từng trải qua những thời điểm cúp điện kéo dài sau khi kết thúc nội chiến.
Trong khi đó, Sri Lanka lần đầu tiên trong lịch sử chứng kiến cảnh vỡ nợ trên cả nước do không thể trả lãi trái phiếu. 18/5/2022 là ngày cuối cùng trong thời gian ân hạn 30 ngày để Sri Lanka trả lãi 78 triệu USD cho các lô trái phiếu đáo hạn năm 2023 và 2028 nhưng nước này không thể thực hiện đúng chu kỳ. Sri Lanka cũng chìm trong tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế. Nội tệ lao dốc và khủng hoảng kinh tế đang khiến nước này thiếu ngoại tệ cần thiết để nhập khẩu lương thực, nhiên liệu.
Giới chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại ở cả hai nước là do họ tự tạo ra, bao gồm mức nợ nước ngoài và ít được đầu tư phát triển. Thêm vào đó, cả hai quốc gia đã liên tục phải hứng chịu tình trạng bất ổn và các cuộc tấn công khủng bố. Những tác động này đã ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, trụ cột của nền kinh tế. Ở Sri Lanka, các vụ đánh bom liều chết trong lễ Phục sinh ở các nhà thờ hay khách sạn từng khiến 260 người tử vong vào năm 2019. Mặt khác, Lebanon đang chịu hậu quả nặng nề từ kết quả của cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria.
Kinh tế hai nước suy yếu trầm trọng do tác động của đại dịch Covid-19.
Điểm tới hạn
Cuộc khủng hoảng ở Lebanon bắt đầu từ cuối năm 2019 sau khi chính phủ công bố khoản thuế đề xuất mới, bao gồm khoản phí 6 đôla hàng tháng để sử dụng ứng dụng Whatsapp. Các biện pháp này đã châm ngòi cho sự tức giận âm ỉ kéo dài của người dân và xảy ra các cuộc biểu tình lớn. Vào tháng 3/2020, Lebanon tuyên bố vỡ nợ khi phải trả khoản nợ khổng lồ, ước tính lên tới 90 tỷ USD, chiếm 170% tăng trưởng GDP, một trong những mức cao nhất trên thế giới. Vào khoảng tháng 6/2021, Ngân hàng Thế giới đã xếp hạng đây là một trong các cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới trong hơn 150 năm.
Về phía Sri Lanka, nền kinh tế bộc lộ tình trạng yếu kém sau vụ đánh bom vào dịp Lễ phục sinh năm 2019. Điều này cũng gây ra làn sóng phản ứng mạnh khi đất nước không thể trả nợ cho các quốc gia, ngăn cản việc vay thêm tiền khi dự trữ ngoại hối cạn kiệt. Bên bờ vực phá sản, Sri Lanka đã phải dừng hệ thống thanh toán đối với các khoản vay nước ngoài và áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn trong bối cảnh thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng. Trong khi đó, đồng rupee của Sri Lanka đã suy yếu gần 80% giá trị khiến chi phí nhập khẩu ngày càng cao.
Trong thời điểm khan hiếm nghiêm trọng nhiên liệu, khí đốt và dầu, SriLanka đã đối mặt với tình trạng tranh giành các nguồn cung hạn chế. Hàng chục nghìn chuyên gia, bao gồm bác sĩ, y tá và dược sĩ đã phải rời nước để tìm việc làm.
Hiện tại, nước này hầu như không có xăng để sử dụng và đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các loại nhiên liệu khác. Giới chức trách thậm chí đã thông báo cắt điện trên cả nước tới 4 tiếng/ngày và yêu cầu nhân viên nhà nước không làm việc vào ngày thứ Sáu trừ khi có công việc cần thiết.
Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc cho biết, khoảng 9/10 hộ gia đình ở Sri Lanka đã phải bỏ bữa hoặc không đủ ăn trong khi 3 triệu người buộc phải phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo khẩn cấp./.