(Tổ Quốc) - Mỹ hy vọng rằng, Nga vẫn sẽ tiếp tục chấp nhận các cuộc không kích của Israel trên lãnh thổ Syria.
Theo Newsweek, Mỹ đã bày tỏ hy vọng, Israel có thể "thách thức" hệ thống tên lửa S-300 do Nga sản xuất, để tiếp tục không kích các mục tiêu liên quan tới Iran tại quốc gia Trung Đông.
Mỹ muốn quan hệ Nga – Israel tiếp tục phát triển?
Nga cung cấp hệ thống S-300 cho Syria (ảnh: getty images)
Hôm Thứ Tư (7/11), đặc phái viên của Washington tại Syria, James Jeffrey nói với các phóng viên rằng, Mỹ đang chờ xem liệu mối quan hệ chiến lược giữa Nga và Israel có tiếp tục không, đặc biệt là sau sự kiện máy bay Nga bị rơi vào tháng Chín vừa qua. Chiếc Il-20 đã tình cờ trúng phải đạn pháo của Syria đáp trả một cuộc không kích do Israel khởi xướng, nhằm vào các kho vũ khí được cho là của Iran tại phía tây Syria. Điều này đã khiến Moscow quyết định cung cấp cho Damascus hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại đất đối không S-300, bất chấp sự phản đối của Israel từ trước tới nay.
"Chúng tôi rất quan ngại trước việc hệ thống S-300 được triển khai tới Syria. Vấn đang diễn biến ở cấp độ chi tiết. Ai sẽ kiểm soát nó? Nó sẽ đóng vai trò như thế nào?", hãng tin AP dẫn lời ông Jeffrey cho biết. "Trong quá khứ, Nga tỏ ra chấp nhận các cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu của Iran tại Syria. Chúng tôi hy vọng rằng cách tiếp cận này sẽ được tiếp tục".
Trong quá khứ, Nga tỏ ra chấp nhận các cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu của Iran tại Syria. Chúng tôi hy vọng rằng cách tiếp cận này sẽ được tiếp tục.
James Jeffrey
Israel và Nga đứng trên hai lập trường khác nhau trong cuộc chiến đã kéo dài hơn 7 năm tại Syria. Trong khi Israel cùng Mỹ và các đồng minh khu vực (như Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi) ủng hộ cho cuộc nổi dậy năm 2011 của các lực lượng đối lập chống lại Tổng thống Bashar al-Assad; thì Nga và Iran "sát cánh" bên đồng minh lâu năm Damascus. Nga đã cố gắng cân bằng mối quan hệ với hai đối thủ truyền thống là Israel và Iran. Tuy nhiên, với hơn 200 cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu Iran hoặc thân Iran tại Syria, mọi việc đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Mối quan hệ Nga và Israel công khai rơi vào căng thẳng khi Moscow cáo buộc Israel đã không đưa ra cảnh báo sớm về cuộc tấn công tại tỉnh Latakia, khiến máy bay Il-20 "trở tay" không kịp. Những lời giải thích của Israel đã không đủ để Nga thay đổi quyết định trang bị tên lửa S-300 cho quân đội Syria.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman đã tỏ rõ quyết tâm tiếp tục tấn công. Tuần trước, tờ Haaretz dẫn lời một nguồn tin ngoại giao tiết lộ, quân đội Israel vẫn đang tiến hành các chiến dịch giống trong quá khứ, ngay cả sau sự kiện máy bay Nga bị rơi. Mặc dù không có vụ tấn công nào chính thức được ghi nhận, mới đây, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov đã cảnh báo: "Những cái đầu nóng cần phải cần thận đánh giá lại tình huống hiện tại trong khu vục, và kiềm chế các hành động gây hấn trên lãnh thổ Syria".
Syria có thể không biết cách sử dụng S-300?
Quân lính Syria giương cao cờ Syria, Iran và Nga tại tỉnh Aleppo, Syria (ảnh: Newsweek)
Bộ trưởng Bảo vệ môi trường, kiêm đồng Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Nga – Israel, Zeev Elkin, gọi quyết định triển khai S-300 là "một sai lầm lớn". Theo ông, "quân đội Syria không phải lúc nào cũng biết sử dụng các thiết bị mà họ nhận được một cách đúng đắn". Ông Elkin tuyên bố, chắc chắn sẽ có những "hành động thực tế" đáp trả nếu máy bay của Israel bị tấn công ngay trên lãnh thổ của nước này.
"Tôi thực sự hy vọng rằng, sẽ không có chuyên gia người Nga tại khu vực triển khai S-300", ông Elkin phát biểu trước truyền thông Nga trong một cuộc họp của Ủy ban Liên chính phủ Nga – Israel. "Israel đã làm mọi thứ có thể để bảo vệ cho binh lính Nga tại Syria", ông chỉ ra. "Trong khi đó, Iran từng nhiều lần sử dụng quân đội Nga như một lá chắn sống".
Thậm chí ngay cả khi Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đề cập tới việc, tất các các lực lượng nước ngoài, bao gồm cả Iran, nên rời Syria; Moscow vẫn phản đối lời kêu gọi của Mỹ và Israel là Tehran hoàn toàn rút khỏi quốc gia Trung Đông trong thời điểm hiện tại. Không lực của Nga cùng với các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn như Hezbollah… đã giúp chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ từng nằm trong tay quân nổi dậy và Hồi giáo cực đoan.
Tuần trước, Nga tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh bốn bên bao gồm lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, để thảo luận về tình trạng tỉnh Idlib – thành lũy quan trọng cuối cùng của lực lượng nổi dậy tại Syria. Hiện số phận của Idlib đang gắn với một lệnh ngừng bắn được ký kết giữa Moscow và Ankara. Tiếp nối hội nghị trên, hôm thứ Hai (5/11), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin và Đặc phái viên Tổng thống Nga tại Syria Alexander Lavrentiev, đã có cuộc gặp với Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani và trợ lý cấp cao Ngoại trưởng Iran Hossein Jaberi Ansari – để khẳng định lập trường chung của bốn nước.
"Những kết quả của thượng đỉnh bốn bên tại Istanbul ngày 27/10, cũng như diễn biến tại Syria, đang được xem xét", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một thông cáo. "Điều cần thiết là tiếp tục cuộc chiến quyết định chống lại khủng bố, và đảm bảo một giải pháp chính trị tại Syria, dựa trên việc tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này".