(Tổ Quốc) - Phải chăng đang có những thế lực tại Washington không muốn Tổng thống Donald Trump đạt được một hiệp định lâu dài với Triều Tiên?
Sputnik dẫn lời một số nhà phân tích cho biết, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Đảng Dân chủ và truyền thông đại chúng Mỹ - tất cả đều đang muốn hiệp định mới giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị thất bại.
Ngày 12/6, hai nhà lãnh đạo Trump và Kim đã có cuộc gặp gỡ lịch sử trên hòn đảo Sentosa (Singapore) và cùng ký kết một thoả thuận, trong đó cam kết thiết lập quan hệ song phương mới, và gây dựng nền hoà bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Ông Trump cũng đồng ý dừng các hoạt động tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc gần bán đảo Triều Tiên, trong khi ông Kim tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hoá của mình.
Liên minh giữa truyền thông Mỹ và Đảng Dân chủ
Theo Giáo sư Luật Quốc tế đến từ Đại học Illinois Francis Boyle, Đảng Dân chủ Mỹ và những cơ quan truyền thông ủng hộ Đảng này đang hợp tác chặt chẽ với nhau, nhằm cố gắng làm giảm uy tín sáng kiến hoà bình của Tổng thống Trump.
“Như một câu ngạn ngữ Trung Quốc đã nói, một cuộc hành trình 1.000 dặm bắt đầu từ một bước đi nhỏ, một bước đi rất tích cực và mang tính khích lệ cao”, ông Boyle nói. “Đáng tiếc là, hiệp định Singapore lại bị phủ nhận bởi Đảng Dân chủ và truyền thông đại chúng Mỹ”.
Vị giáo sư chỉ ra, thái độ bài xích của Đảng Dân chủ với cuộc đối thoại mới giữa Washington và Bình Nhưỡng phù hợp với chiến lược của họ cố gắng làm lu mờ ông Trump trong hai năm qua.
“Chiến dịch của Đảng Dân chủ là chỉ trích ông Trump. Nó xuất phát từ hai năm trước tại những hội nghị đã đề cử ông Trump và bà Hillary Clinton trở thành ứng của viên Tổng thống đại diện cho Đảng của mình”, ông Boyle nói.
Ông cũng đánh giá, việc truyền thông Mỹ không dành nhiều thiện cảm cho một vị Tổng thống khi người này đang nỗ lực giải quyết một cuộc khủng hoảng tiềm tàng nguy hiểm – là một điều đáng buồn. “Tất cả các tờ báo này đều cáo buộc Tổng thống Trump [về một điều gì đó], Thật không thể tưởng tượng được”.
Boyle nhận định, truyền thông và Đảng Dân chủ đang khiến những cuộc thảo luận của ông Trump với nhà lãnh đạo Kim bị hiểu sai – bằng cách cáo buộc Tổng thống Mỹ đã chấp nhận nhượng bộ khi nói chuyện với ông Kim. Tuy nhiên, trong thực tế, ông Trump chỉ đang thực hiện những nghĩa vụ của mình với Hiến chương Liên hợp quốc mà nước Mỹ đã ký kết.
“Ông Trump không đồng ý với ông Kim Jong-un một nhượng bộ không cần thiết nào. Tất cả những gì ông ấy làm là thực hiện cam kết đòi hỏi ông hoặc bất kỳ nhà lãnh đạo Mỹ nào, đều phải thực hiện những cuộc đàm phán như vậy; và nó đã nêu ra trong Hiến chương Liên hợp quốc”, giáo sư của Đại học Illinois giải thích. “Điều 33 của Hiến chương đã quy định rõ ‘thương lượng’ nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế”.
Cũng theo ông, không thể nói hội nghị thượng đỉnh chưa hề đạt được một sự tiến triển nào. Trong thực tế, ông Trump đã thành công khi buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên phải đồng ý có được một sự khởi đầu hứa hẹn cho tiến trình đàm phán mới.
“Ông Trump đã đạt được một cam kết về phi hạt nhân hoá hoàn toàn báo đảo Triều Tiên, và đó là một sự khởi đầu tốt đẹp. Nó kết hợp với Tuyên bố Bàn Môn Điếm giữa nhà lãnh đạo Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Je-in. Đó là một sự khởi đầu tốt, và tôi cảm thấy khá hài lòng”, ông Boyle khẳng định.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào ngày 12/6 vừa qua tại Singapore. |
Cùng lúc, vị giáo sư cũng cảnh báo, các cuộc nói chuyện giữa ông Trump và ông Kim Jong-un phải đối mặt với một nguy cơ lớn, do Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton gần như chắc chắn sẽ tìm cách gây ảnh hưởng tiêu cực đến nó: “Bolton là một chính trị gia theo trường phái tân bảo thủ cứng rắn, người từng công khai ‘phá hỏng’ tiến trình đàm phán với Triều Tiên. Ông ấy làm thế bằng việc nói trước dư luận rằng, chúng ta sẽ đi theo con đường của Libya”.
Tháng trước, Cố vấn Bolton phát biểu rằng, các cuộc đàm phán phi hạt nhân hoá của Mỹ với Triều Tiên sẽ đi theo đường lối của các cuộc nói chuyện nhằm triệt bỏ vũ khí giết người hàng loạt tại Libya. Tuy nhiên, một vài năm sau khi Libya đồng ý dừng các chương trình vũ khí của mình, người đứng đầu nước này là Muammar Gaddafi đã bị lật đổ.
Trong khi đó, ông Trump đưa ra ý kiến trái ngược với Bolton khi nói rằng, hình mẫu của Libya sẽ không dành để áp dụng cho Triều Tiên.
Ông Boyle nhận xét, Cố vấn Bolton rất thông minh và ông biết rõ mình đang làm gì khi nói ra những điều trên hoặc khuyến khích Phó Thủ tướng Mike Pence có những phát ngôn tương tự.
“Tôi sợ rằng ông Bolton sẽ cố gắng để lại những ảnh hưởng tiêu cực lên quá trình đàm phán. Ông ấy đã đem những người có thái độ cứng rắn của mình, vào Hội đồng An ninh Quốc gia,” vị giáo sư cho biết. Ông tin rằng, Tổng thống Trump cần cân nhắc sự tồn tại của Bolton ở vị trí hiện tại, và có thể đưa một người khác ủng hộ cho quá trình thương lượng với Triều Tiên – đảm nhận vị trí Cố vấn an ninh quốc gia.
Ngay cả khi các cuộc thương lượng với phía Triều Tiên có kết quả tốt, chúng sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức.
Boyle nói: “Đây sẽ là một tiến trình dài. Một số người trong chính phủ đã nói với tờ New York Times, nó sẽ kéo dài ít nhất hai năm… Tuy nhiên, sau hội nghị thượng đỉnh, đã có một động lực”, ông Boyle kết luận.
Giới chức quân sự cố gắng giữ các căn cứ tại châu Á – Thái Bình Dương
Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Doug Macgregor đồng tình rằng, đang có sự chống lại những nỗ lực của ông Trump nhằm đạt được một hiệp định hoà bình lâu dài với Bình Nhưỡng.
“Người ta đang phản đối việc rút quân lính Mỹ khỏi Hàn Quốc, bởi vì nó sẽ dẫn đến việc rút lực lượng hải quân khỏi cả Okinawa (Nhật Bản)” ông Macgregor nói.
Ông cũng cảnh báo, Tổng thống Trump đã phạm phải sai lầm khi đặt xung quanh mình những nhân vật siêu “diều hâu” như Cố vấn Bolton, trong khi ông cần có những quan chức sẽ ủng hộ các kế hoạch hoà bình của mình.
“Đội ngũ an ninh quốc gia hiện tại của Tổng thống Trump không giúp được gì cho ông ấy. Để đạt được các mục tiêu của mình, ông cần phải có những bổ nhiệm mới”, vị tướng nghỉ hưu đề xuất. Trong khi đó, dư luận Mỹ lại không cần đến một cuộc chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên, và sẽ ủng hộ một hiệp định có thể kết thúc sự hiện diện quân sự của Mỹ tại đây.
“Trạng thái và thái độ của giới chính trị tại Washington đang giống như thái độ của London với Ấn Độ sau Thế chiến thứ Hai”, ông Macgregor so sánh. Giống như người Anh lúc đó, người Mỹ cũng đồng tình với sự ra đi của binh lính Mỹ.