(Tổ Quốc) - Khi căng thẳng ở Vịnh Ba Tư đã gia tăng trong vài tuần qua, hoạt động của các thế lực lớn trong khu vực cũng liên tục được tăng cường.
Trọng tâm chính của các hoạt động này là chiến lược phát triển lực lượng hải quân chung của Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho các tuyến đường vận chuyển và giao thương qua eo biển Hormuz, và đặc biệt, ngăn chặn bất kỳ hành động nào của Iran để can thiệp vào giao thông hải quân.
Trong khi đó, về phần mình, Nga cũng tăng cường các hoạt động ngoại giao và nhiều động thái khác để không bị đẩy ra khỏi những diễn biến tiềm tàng ở khu vực trong những tháng tới.
Ở cấp độ ngoại giao, Nga đã đưa ra một số đề xuất liên quan đến các thỏa thuận an ninh tập thể ở Vịnh Ba Tư, với sự tham gia của tất cả các quốc gia trong khu vực và với sự giám sát của năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, Nga cũng đề xuất thiết lập một khuôn khổ an ninh cho khu vực theo cơ chế tương tự như Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE).
Hơn nữa, Nga đã tinh tế quảng bá mình như một nhà hòa giải trung gian giữa Iran và các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập. Một số trang tin Ả Rập gần đây đã cho rằng ông Vladimir Putin sẽ là người trung gian lý tưởng giữa Iran và các nước láng giềng Ả Rập, bao gồm Ả Rập Saudi, vì ông có quan hệ tốt với tất cả các nước này.
Iran là cửa ngõ của Nga đến Vịnh Ba Tư
Các hoạt động của Nga ở Vịnh Ba Tư không bị giới hạn trong ngoại giao và họ cũng đưa ra các đề xuất hợp lý cho an ninh tập thể. Song song với ngoại giao, Moscow đã áp dụng các biện pháp cụ thể hơn để đưa mình tham nhập vào các vấn đề ở Vịnh Ba Tư, tạo ra một vị trí cho chính mình trong khu vực và đóng vai trò đáng kể trong các quyết định tương lai về an ninh khu vực cùng với các cường quốc khác, đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Nga và Iran đang hợp tác chặt chẽ trong nhiều vấn đề tại Trung Đông. Nguồn: Sputnik.
Trong bối cảnh này, Iran đã là một phần quan trọng trong chiến lược hiện diện mạnh mẽ hơn của Nga ở vùng Vịnh. Iran đã gần gũi, mặc dù chưa thực sự bình đẳng và có phần một chiều (theo hướng có lợi cho Nga), trong quan hệ với Moscow. Trong cuộc nội chiến ở Syria, Iran đã chứng minh sự hữu ích của mình đối với Moscow bằng cách hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và ít nhất trong một lần, Teheran cho phép máy bay Nga sử dụng căn cứ không quân của mình để tiến hành các hoạt động ở Syria.
Sau chuyến đi tới Moscow của chỉ huy hải quân Iran Daryadar Hossien Khanzadi khoảng hai tuần trước, báo chí Iran đã thông báo rằng, Tehran và Moscow đã ký một thỏa thuận quân sự bí mật, và còn nhiều chi tiết vẫn chưa được hé lộ.
Bất kể thỏa thuận nào đã đạt được và chính xác nội dung là gì thì chuyến đi của Khanzadi tới Moscow đã có một kết quả cụ thể. Iran và Nga sẽ tiến hành các cuộc diễn tập quân sự chung ở Vịnh Ba Tư vào cuối năm nay.
Nhưng điều này chưa phải là tất cả. Trong một bài viết trên Oil Price.com, Simon Watkins tuyên bố rằng Iran đã đồng ý cấp cho Nga quyền tiếp cận các cảng chiến lược Bandar Bushehr và Chabahar. Ông cũng tuyên bố rằng Moscow có ý định đặt vũ khí tối tân tại các cảng này. Nhiều tờ báo khác thì đăng tin rằng Moscow muốn thiết lập một căn cứ tàu ngầm ở Chabahar của Iran.
Nếu những thông tin này được chứng minh là đúng, điều đó có nghĩa là ông Vladimir Putin cuối cùng đã thực hiện được giấc mơ của Peter Đại đế là vươn tay đến vùng nước ấm tại Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận phản đối việc Iran sẵn sàng trao quyền tiếp cận căn cứ vĩnh viễn cho Nga.
Đầu tiên, hiến pháp của Iran nghiêm cấm một hành động như vậy. Thứ hai, Cộng hòa Hồi giáo tự hào là họ độc lập với tất cả các cường quốc. Cho phép sự hiện diện của Nga tại các cảng của mình sẽ làm giảm uy tín của Iran như là một quốc gia độc lập.
Tuy nhiên, khả năng như trên là không thể và không nên loại trừ hoàn toàn. Iran đang rất vất vả dưới gánh nặng nặng nề của các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt và họ phần nào cảm thấy lo ngại về khả năng tấn công quân sự tiềm tàng của Mỹ. Do đó, họ có thể sử dụng sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Nga như một biện pháp ngăn chặn Mỹ.
Iran cũng thấy rằng việc đưa quân đội Nga vào Syria đã góp phần đáng kể vào việc ngăn Mỹ không sẵn sàng triển khai một chiến dịch quân sự toàn diện chống lại Bashar al-Assad. Tình hình ở Vịnh Ba Tư khá khác biệt và không có khả năng Nga sẽ sẵn sàng đến hỗ trợ phòng thủ cho Iran nếu xảy ra một cuộc đối đầu với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự hiện diện của hải quân Nga rõ rệt hơn trong khu vực có thể thay đổi phần nào tính toán của Hoa Kỳ về những rủi ro tiềm tàng về một cuộc chiến với Iran.
Tận dụng lập trường chống Iran tại Washington
Bất kể liệu Nga có thể thực hiện mong muốn lâu dài của mình đối với các cảng Vịnh Ba Tư hay không, thì rõ ràng chính sách căng thẳng quá mức của Hoa Kỳ đối với Iran đã mở ra cơ hội cho Moscow tăng cường ảnh hưởng ở Tehran và do đó cũng gia tăng sự hiện diện ở Vịnh Ba Tư.
Đồng thời, trong khi Washington không có bất kỳ liên lạc thực sự nào với Tehran, trong vài năm qua, Moscow đã không ngừng mở rộng và cải thiện mối quan hệ với vùng Vịnh và các quốc gia Ả Rập khác. Do đó, không phải là quá xa vời khi một ngày nào đó ông Putin có thể nổi lên như là nhà hòa giải viên lớn ở vùng Vịnh.
Tuy nhiên, không quá muộn để Hoa Kỳ và châu Âu ngăn chặn việc hiện thực hóa một kịch bản như vậy. Việc làm dịu chính sách của Mỹ đối với Iran, quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (có tên chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung), nới lỏng và cuối cùng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, khuyến khích sự hòa giải giữa thế giới Ả Rập - Iran sẽ giảm đáng kể căng thẳng. Do đó làm giảm khả năng mở rộng sự hiện diện của Nga ở khu vực này.
Quan trọng hơn, bằng cách theo đuổi một chính sách như vậy, Hoa Kỳ sẽ giữ được vị trí là trọng tài duy nhất cho các vấn đề vùng Vịnh.