• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sớm tháo gỡ các vướng mắc tại Dự án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế

Thời sự 22/07/2022 20:05

(Tổ Quốc) - Trong quá trình thực hiện, Dự án "Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế" đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, UBND thành phố Huế đang nỗ lực, cố gắng để sớm tháo gỡ cho người dân.

Nhiều tình huống phát sinh

Dự án di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích kinh thành Huế triển khai giai đoạn 1 từ năm 2019 đến 2022 với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng 2.005 tỷ đồng, bố trí tái định cư (TĐC) 5.080 hộ.

Theo lãnh đạo UBND thành phố Huế, đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành xây dựng 8 khu TĐC bố trí cho người dân từ năm 2019. Khu TĐC 9 và 10 do Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư đang được hoàn thành để thực hiện bố trí tiếp cho người dân di dời.

Sớm tháo gỡ các vướng mắc tại Dự án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế - Ảnh 1.

Quá trình thực hiện dự án di dời dân có tình huống phát sinh là số lô hộ phụ tăng tương đối nhiều so với dự kiến.

Dự án cũng đã phê duyệt bố trí tái định cư 2.058 lô, khu vực Đàn xã Tắc, khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ tiến hành phê duyệt phương án TĐC, bốc thăm nhận đất trong tháng 8/2022. Đã cấp đất TĐC 1.980 lô, 1.956 giấy phép xây dựng. Số còn lại sẽ tiếp tục hoàn thành trong tháng 7/2022 theo hình thức cuốn chiếu. Hơn 796 hộ đã xây dựng nhà ở ổn định, 889/2.058 hộ đã bàn giao mặt bằng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện dự án cũng có tình huống phát sinh là số lô hộ phụ tăng tương đối nhiều so với dự kiến. Cụ thể, theo tính toán trước đây thì cân đối bố trí TĐC giữa lô chính với lô phụ có khác nhau, lô chính diện tích từ 100-200 m2, lô phụ 60-80 m2 nên hiện đang thừa số lô có diện tích lớn bố trí cho hộ chính nhưng lại thiếu số lô bố trí cho hộ phụ.

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND thành phố Huế cho hay, thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo thành phố Huế tổ chức điều chỉnh quy hoạch, phân các lô lớn thành lô nhỏ để bố trí cho người dân, tránh phát sinh khu TĐC mới sẽ mất rất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục, chi phí đầu tư.

Được biết, mặc dù UBND thành phố Huế đã tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật, áp dụng khung chính sách, giá đền bù đúng theo phê duyệt nhưng đến nay vẫn nhận được khoảng 700 đơn của người dân kiến nghị được cấp đất TĐC cho hộ phụ. Có rất nhiều trường hợp không nằm trong khung chính sách, không đúng quy định được bố trí lô TĐC gửi đơn, nhưng UBND thành phố Huế vẫn tôn trọng nhận đơn để kiểm tra, chỉ đạo phân loại hồ sơ, tổ chức lấy lại ý kiến cộng đồng dân cư, xác nhận có ăn ở thường xuyên hay không để trả lời thấu tình đạt lý.

"Chúng tôi sẽ lấy lại ý kiến cộng đồng, niêm yết công khai từng trường hợp, ai đúng điều kiện, đủ quy định sẽ xem xét giải quyết. Chúng ta có quy định, khung chính sách rất thông thoáng nên rất mong bà con chia sẻ", ông Võ Lê Nhật nói.

Tập trung tháo gỡ các vướng mắc

Chủ tịch UBND thành phố Huế cũng cho biết thêm, thời gian qua, quá trình thực hiện Dự án di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích kinh thành Huế cũng gặp không ít những khó khăn. Như việc tỉnh quyết định điều chỉnh, bổ sung các hạng mục thuộc giai đoạn 2 lên giai đoạn 1 nên khối lượng công việc rất lớn, trong khi đó nhân lực của thành phố Huế chưa được bổ sung kịp thời. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng ý chủ trương điều chuyển, biệt phái lực lượng từ các phòng ban, huyện, thị xã về tăng cường cho thành phố Huế để đáp ứng công việc.

Sớm tháo gỡ các vướng mắc tại Dự án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế - Ảnh 2.

Khu vực thượng thành hiện có 12 hộ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó 5 hộ phải ban hành quyết định cưỡng chế vì không đồng ý phương án bồi thường hỗ trợ, còn lại đang chờ xây dựng nhà.

Ngoài ra, có thêm một vấn đề khó khăn, vướng mắc nữa là Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 đã điều chỉnh quy định về điều kiện tách hộ, đăng ký mới hộ khẩu so với văn bản luật trước đó. Theo đó, các trường hợp thuộc khu vực di tích thì không đủ điều kiện để tách hộ dẫn đến không được bố trí TĐC. Điều này đã nảy sinh ra nhiều vấn đề trong đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có đề xuất lên Bộ TN&MT về việc cùng một dự án thì nên chung một chính sách và áp dụng Luật Cư trú trước đó để đảm bảo công bằng, thuận lợi giải phóng mặt bằng.

Liên quan đến Dự án "Di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế", ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm của tỉnh được các ngành các cấp hết sức quan tâm. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai tốt nhưng hiện vẫn còn một số vướng mắc. Vì vậy, UBND thành phố Huế, các sở, ngành liên quan tập hợp tất cả các tình huống phát sinh và có sự thống nhất để đưa ra các giải pháp giải quyết. Trong đó, tập trung giải quyết tốt công tác tái định cư; khẩn trương trả lại mặt bằng cho dự án.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ