• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sơn La: Những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Pháp luật 02/12/2023 11:25

(Tổ Quốc) - Từ sự quyết liệt của các cấp, mặt trận đoàn thể, công tác phòng, chống tảo hôn; hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được một số kết quả tích cực trong giai đoạn 2021 – 2023...

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú; nhận thức của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngày được nâng cao; đội ngũ cán bộ thôn, người có uy tín phát huy cao vai trò, trách nhiệm tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân còn tồn tại ở một số đồng bào dân tộc thiểu số…

Mức giảm tỷ lệ tảo hôn bình quân giai đoạn 2021-2023 của tỉnh Sơn La chỉ đạt 0.73 %; chưa hoàn thành mục tiêu của Quyết định 498/QĐ-TTG ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ với mức giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao.

Các địa phương đã thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân và ngăn chặn, xử lý kịp thời một số trường hợp có ý định tảo hôn; hôn nhân cận huyết thống. Qua đó, chất lượng dân số tỉnh từng bước được cải thiện; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,4% giảm còn 1,23%; không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống; tỷ lệ tảo hôn giảm xuống còn 10,8%; tỷ lệ phụ nữ mang thai sàng lọc trước sinh là 22,9%, tăng 12,9% so với năm 2017; tỷ số giới tính khi sinh là 118 bé trai/100 bé gái. Hệ quả của tảo hôn vẫn có tác động tiêu cực đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực và tăng nguy cơ đói nghèo, lạc hậu ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Đối với người dân, công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện Đề án đa số người dân đã nhận thức được tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ có tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản…mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tạo được sự đồng thuận trong xã hội để ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Sơn La: Những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Ảnh 2.

Tuyên truyền về những tác hại đối với phụ nữ do nạn tảo hôn

Trong việc thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân nhằm ngăn ngừa, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, tiến tới xóa bỏ dần các hủ tục trong hôn nhân và gia đình, góp phần quan trọng trong việc xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa trên địa bàn các huyện. Việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giúp cho các cặp vợ chồng kết hôn đúng độ tuổi, có đủ sức khỏe, khả năng lao động để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Có thể khẳng định rằng, công tác tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS được quan tâm triển khai. Các hoạt động tuyên truyền tại được tổ chức thực hiện tốt, góp phần giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Công tác kiểm tra các hoạt động của mô hình có sự phối hợp giữa huyện, xã, bản.

Việc tổ chức nắm tình hình các địa bàn có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao được quan tâm để kịp thời tham mưu cho các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục có những biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhất là Luật hôn nhân và gia đình. Những hoạt động tích cực trong việc tăng cường công tác tuyên truyền trên mọi phương tiện thông tin đại chúng...

Tuy nhiên, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đồng bào các dân tộc thiểu số hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động nhiều nơi còn hạn chế do nhiều yếu tố như rào cản về ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp; thiếu kinh phí triển khai; đối tượng được tuyên truyền ít tham gia (thanh thiếu niên)… dẫn đến hiệu quả không cao, còn thiếu kinh phí để tổ chức hoạt động.

Mặt khác, đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội vùng miền của tỉnh cũng là một trong những yếu tố tác động ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và tiếp cận thông tin của người dân. Mặc dù, tỉnh Sơn La đã thực hiện hiệu quả các chủ trương, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; huy động được sự chung tay vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, các trường học và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trong công tác tuyên truyền.

Việc thực hiện xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng, bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, một số nơi chính quyền ở cơ sở vẫn còn xem nhẹ hoặc dễ dãi với người vi phạm nên đã tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân… vẫn là rào cản dẫn đến có những kết quả thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa hoàn thành như mong muốn.

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ