• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sóng gió Hàn – Nhật đối mặt phép thử mới vào tuần tới

Thế giới 08/08/2022 10:59

(Tổ Quốc) - Theo tờ Nikkei Asia, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ cung cấp một số manh mối về tầm quan trọng của mối quan hệ với Tokyo trong bài phát biểu vào ngày Quốc khánh nước này 15/8.

Tờ Nikkei Asia dẫn một nguồn tin thân cận với ông Yoon, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ có một "bài phát biểu lịch sử" báo hiệu sự thay đổi triệt để trong chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản vào ngày Quốc khánh 15/8..

Ông Yoon, người nhậm chức vào tháng 5 vừa qua, đang muốn gửi đi một thông điệp rằng ông hy vọng sẽ thể hiện mong muốn cải thiện mối quan hệ căng thẳng với Nhật Bản, nguồn tin này cho biết. Bài phát biểu thường niên này là một chỉ báo quan trọng về tình trạng quan hệ giữa Seoul và Tokyo.

Có tín hiệu tích cực dưới thời bà Park Geun-hye

Trong bài phát biểu nhân Ngày Quốc khánh năm 2012, cựu Tổng thống Lee Myung-bak đã kêu gọi Nhật Bản thực hiện "các biện pháp có trách nhiệm" để giải quyết vấn đề "phụ nữ mua vui".

Ông Lee Myung-bak đã phải chịu nhiều áp lực chính trị sau khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết vào tháng 8 năm 2011 cho rằng việc chính phủ không giải quyết vấn đề "phụ nữ mua vui" là vi hiến.

Bà Park Geun-hye, một Tổng thống khác kế nhiệm ông Lee, đã đưa ra những tín hiệu trái chiều trong các bài phát biểu ngày Quốc khánh khi bà còn cầm quyền.

Trong bài phát biểu đầu tiên vào ngày 15/8/2013, bà Park đã kêu gọi "các biện pháp có trách nhiệm và chân thành để chữa lành nỗi đau của những người phụ nữ vẫn đang phải chịu đựng những vết thương do lịch sử gây ra."

Sóng gió Hàn – Nhật đối mặt phép thử mới vào tuần tới - Ảnh 1.

Bà Park Geun-hye dần cho thấy lập trường tích cực về mối quan hệ với Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, bài phát biểu của bà vào năm 2015 đã cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong lập trường của chính quyền bà đối với lịch sử chung của hai nước láng giềng. Đáng chú ý là bà đã bày tỏ quan điểm tích cực về bài phát biểu ngay trước đó của Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Shinzo Abe về kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, dù cho rằng vẫn còn 1 số yếu tố không thỏa đáng trong tuyên bố này.

Vào thời điểm đó, Tokyo và Seoul đang đàm phán một thỏa thuận về vấn đề "phụ nữ mua vui". Hai chính phủ đã ký một hiệp định vào cuối năm 2015. Và bài phát biểu ngày 15/8/2016 của bà Park đã bày tỏ rõ ràng mong muốn hàn gắn mối quan hệ song phương, và kêu gọi nỗ lực xây dựng một "mối quan hệ hướng tới tương lai."

Tân Tổng thống hi vọng vào hướng đi mới

Tuy nhiên, trước khi có thể đạt được mục tiêu này, bà Park đã từ chức sau khi bị luận tội về tội tham nhũng. Người kế nhiệm thiên tả của bà Park, ông Moon Jae-in, đã đảo ngược hướng đi này. Trong bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh năm 2017, ông Moon đã đề cập đến này một cách cứng rắn hơn.

Sóng gió Hàn – Nhật đối mặt phép thử mới vào tuần tới - Ảnh 2.

Dư luận đang chờ thông điệp mới của ông Yoon Suk-yeol. Ảnh: Yonhap/Kyodo.

Ông Moon nói rằng để giải quyết vấn đề "phụ nữ mua vui" và những người lao động thời chiến, ông sẽ tuân theo nguyên tắc "chuộc lại danh dự của nạn nhân và đòi bồi thường cho họ." Ông cũng đưa ra "lời hứa sẽ đi đến tận cùng vấn đề".

Theo "nguyên tắc hướng về nạn nhân" của ông Moon, ông đã nhiều lần đề cập đến những cách giải quyết lý tưởng nhưng né tránh các quyết định chính trị nhạy cảm. Cách tiếp cận của ông Moon đã phần nào gây khó khăn cho các nhà ngoại giao trong việc cải thiện quan hệ song phương.

Còn bài phát biểu trong ngày Quốc khánh năm 2018 của ông Moon chủ yếu dành cho các vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Ông bày tỏ quyết tâm theo đuổi "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên trước cuộc gặp dự kiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 năm đó. Ông cũng đề xuất thành lập một "đặc khu kinh tế" ở khu vực dọc theo Khu phi quân sự đánh dấu ranh giới giữa hai miền Triều Tiên. Trong khi đó, ông Moon đã không đề cập đến các vấn đề lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, điều cho thấy đây có thể không phải là mối quan tâm của nhà lãnh đạo này vào lúc đó.

Vào năm 2019, khi các nhà quan sát bắt đầu nói rằng quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ khi bình thường hóa vào năm 1965, ông Moon nói trong bài phát biểu ngày 15/8 rằng ông "sẵn sàng bắt tay" với Nhật Bản nếu Tokyo đi theo con đường đối thoại và sự hợp tác. Các bài phát biểu của ông vào năm 2020 và 2021 thể hiện thông điệp tương tự.

Vào năm 2020, ông Moon cho biết ông đang mở "cánh cửa cho các cuộc đàm phán song phương" và sẵn sàng đối mặt với chính phủ Nhật Bản để đàm phán. Năm 2021, ông Moon nói: "Cánh cửa đối thoại luôn rộng mở" và hy vọng rằng Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ "vượt qua khó khăn". Tuy nhiên, những nhận định của ông Moon về việc cải thiện mối quan hệ song phương không mang lại kết quả thực tế nào.

Theo các quan chức cấp cao trong chính phủ Hàn Quốc hiện tại, ông Yoon Suk-yeol đang nỗ lực thoát khỏi cách tiếp cận truyền thống về mối quan hệ với Nhật Bản trong bài phát biểu ngày 15/8. Thay vì thúc giục Tokyo chủ động giải quyết các vấn đề hóc búa, các quan chức cho biết ông Yoon có thể sẽ đưa ra một tầm nhìn mới cho tương lai của quan hệ song phương.

Đối với câu hỏi liên quan đến lao động thời chiến, một phụ tá thân cận cho biết ông Yoon rất mong muốn tiến tới giải quyết tranh chấp, ngay cả khi cần thời gian để có kết quả.

Ông Yoon đã thành lập một hội đồng công tư mới có nhiệm vụ đưa ra các đề xuất giải quyết tranh chấp lao động cưỡng bức và đang thúc giục hội đồng hoàn thành công việc của mình vào cuối tháng 8. Động thái này nhằm đảm bảo rằng bài phát biểu ngày Quốc khánh của ông sẽ được coi là một thông điệp ngoại giao hiệu quả.

Tuy nhiên, tiến trình giải quyết tranh cãi lịch sử này không hề dễ dàng và ông Yoon có thể sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội ở trong nước nếu muốn đi quá nhanh. Bài phát biểu của ông vào ngày 15 tháng 8 sẽ là một phép thử về các cam kết của ông trong việc mang lại một sự hòa giải thực sự và lâu dài giữa hai bên.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ