(Tổ Quốc) - Anh, Mỹ và Canada đã cùng rời khỏi một cuộc họp của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) để phản đối cuộc xung đột tại Ukraine.
Đại diện ba nước này đã rời phiên họp của G20 ở Washington khi đại biểu Nga phát biểu. Cụ thể, ba đại diện chính đã rời đi là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak, và Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland. Các nguồn tin cho biết Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey và một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cũng nằm trong số những người rời cuộc họp.
Cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 lần này là nhằm giải quyết rủi ro kinh tế toàn cầu, với trọng tâm là hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch và thiết lập khả năng phục hồi tài chính trước các mối đe dọa trong tương lai.
Lo ngại đổ vỡ trong quan hệ quốc tế
Diễn biến phức tạp của phiên họp này, được tổ chức bên lề các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng sự đổ vỡ trong quan hệ quốc tế sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch và gia tăng lạm phát, đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh nghèo khổ trên toàn thế giới.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati phát biểu trong một cuộc họp báo: "Cuộc họp lần này diễn ra trong một hoàn cảnh đầy thách thức. Cuộc xung đột Ukraine vẫn tiếp diễn và thậm chí tác động đến nhiều quốc gia bên ngoài châu Âu". Indonesia là nước chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 năm nay.
Trước khi các hành động tẩy chay diễn ra, người đứng đầu IMF Kristalina Georgieva cũng đã cảnh báo những thành tựu phát triển trong 75 năm qua đang bị đe dọa từ sự chia rẽ của hợp tác quốc tế.
Khi được hỏi về các thông tin rằng sẽ có khả năng một số nước rời khỏi cuộc họp G20, bà Georgieva cho biết thế giới đang ở "một thời điểm bước ngoặt" về quan hệ hợp tác toàn cầu. Trong khi đó, cả thế giới lại đang phải giải quyết một loạt các vấn đề như đại dịch Covid-19, xung đột ở Ukraine, tình trạng khẩn cấp về khí hậu và gia tăng sự nghèo đói.
"Rõ ràng là có những sự thật rất, rất đáng lo ngại mà chúng ta phải đối phó. Tôi có thể nói thành thật rằng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải sống qua một cuộc xung đột khác ở châu Âu với quy mô mà nó đang diễn ra", bà nói.
"Chúng ta cũng nhận ra chúng ta phụ thuộc lẫn nhau như thế nào. Chỉ cần lập danh sách các câu hỏi - không quốc gia nào có thể tự giải quyết [chúng]. Rõ ràng là phải và sẽ tiếp tục hợp tác", bà Georgieva cho biết.
Câu hỏi về vai trò thực sự của G20
Việc đại diện 3 nước lớn bỏ ra ngoài cuộc họp cũng diễn ra khi một số nước phương Tây đang muốn loại Nga ra khỏi G20. Ngoài Nga, khối này cũng đang có sự tham gia của nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp và Đức, cùng các nước đang phát triển mạnh mẽ như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak tweet rằng các đại diện của Vương quốc Anh đã bước ra khỏi cuộc họp. Ông nói: "Chúng tôi thống nhất trong việc lên án cuộc xung đột Ukraine và sẽ thúc đẩy sự phối hợp quốc tế mạnh mẽ hơn để trừng phạt Nga".
Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói với những người tham dự rằng bà không tán thành sự hiện diện của một quan chức cấp cao của Nga trong phiên họp này. Bộ Tài chính Mỹ trước đó cho biết bà Yellen đã gặp người đồng cấp Indonesia Sri Mulyani Indrawati để nhấn mạnh rằng "sẽ không để mọi thứ diễn ra như thường lệ đối với Nga trong nền kinh tế toàn cầu".
Mohamed El-Erian, cựu phó giám đốc IMF hiện là chủ tịch trường Queens, thuộc Đại học Cambridge, cho biết việc các nước rời khỏi cuộc họp cho thấy G20 không hoạt động như một cơ quan quốc tế.
"Tương lai của chủ nghĩa đa phương đang gặp rủi ro vào thời điểm mà chúng ta cần nó nhất", ông El-Erian nói, đồng thời kêu gọi các chính phủ tiếp tục hợp tác với nhau thông qua các phương thức khác.
"G20 quá chia rẽ và thiếu tính duy trì. Lâu nay tôi luôn thắc mắc là tại sao nhóm này không có một ban thư ký. Các nhiệm kỳ chủ tịch diễn ra rất nhanh và liên tục thay đổi. Do đó, rất ít công việc được thực hiện lâu dài", ông nói.
IMF hôm thứ Ba cho biết rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng khi cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến lạm phát leo thang. Cụ thể, IMF cho rằng cuộc xung đột này có thể khiến liên kết kinh tế toàn cầu bị phân mảnh vĩnh viễn thành các khối địa chính trị. Và một "sự thay đổi kiến tạo" lớn như vậy sẽ khiến các nền kinh tế khắp nơi trên thế giới phải trả giá đắt để điều chỉnh theo nó.