(Tổ Quốc) -Trong một động thái quan trọng đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, tòa án tối cao Liên hợp quốc ngày 19/4 sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Ukraine với Nga.
Trong một động thái quan trọng đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, tòa án tối cao Liên hợp quốc ngày 19/4 sẽ ra phán quyết về những biện pháp tạm thời do Kiev đệ đơn yêu cầu Nga dừng hỗ trợ tài chính, vũ khí và quân đội cho lực lượng li khai miền đông nước này.
Ba năm sau cuộc xung đột đẫm máu với hơn 10.000 người thiệt mạng, Ukraine đang thúc giục Toà án Công lý quốc tế (ICJ) ra phán quyết nhằm giúp ổn định tình hình miền Đông đang bất ổn.
Kiev yêu cầu Nga dừng hỗ trợ tài chính, vũ khí và quân đội cho lực lượng li khai miền đông nước này. (Nguồn: AFP) |
Kiev cũng kêu gọi Tòa án ICJ ở Hague yêu cầu Moscow kiềm chế điều Ukraine cho là hành động "phân biệt chủng tộc" đối với các nhóm thiểu số ở bán đảo Crimea, đặc biệt là đối với dân tộc Tatar.
ICJ được thành lập vào năm 1945 để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia dựa trên luật pháp quốc tế.
Ukraine đã nộp đơn kiện của họ vào tháng 1, cáo buộc Nga vi phạm các hiệp ước Liên Hợp Quốc về chống chủ nghĩa khủng bố, chống phân biệt đối xử bằng việc hỗ trợ phe ly khai ở Crimea và đông Ukraine. Moscow bác bỏ mọi cáo buộc trên.
Trong đơn kiện, Ukraine, một nước cộng hòa Xô viết cũ, đã cáo buộc Nga đang "bảo trợ khủng bố" bằng cách hỗ trợ về tài chính cho lực lượng li khai thân Nga và liên tục viện trợ quân sự từ khu vực biên giới tới vùng Donbas ở đông Ukraine.
Ukraine kêu gọi 15 thẩm phán của tòa án ra phán quyết rằng "Liên bang Nga phải chịu trách nhiệm quốc tế" đối với "hành động khủng bố do lực lượng thân cận của họ thực hiện tại Ukraine".
Những hành động này được nêu gồm bắn phá và đánh bom vào dân thường và máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines – vụ tai nạn được cho là do một tên lửa Buk do Nga sản xuất bắn hạ ở miền đông Ukraine vào ngày 17/7/2014.
Ukraine muốn Nga trả tiền bồi thường cho tất cả thường dân bị bắt giữ trong cuộc xung đột - một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất tại châu Âu kể từ cuộc chiến tranh Balkans thập niên 1990 - cũng như cho các gia đình của 298 nạn nhân trên máy bay MH17.
Phản đối mạnh mẽ từ Moscow
Trước đó, do có thể mất nhiều tháng để ICJ ra quyết định, thậm chí chỉ là để xem xét việc có nghe điều trần về vụ kiện hay không, Ukraine cũng đã nộp đơn yêu cầu các biện pháp bảo vệ tạm thời.
Trong đơn yêu cầu tạm thời này, Ukraine đề nghị tòa ICJ ra một văn bản yêu cầu Nga kiềm chế "bất cứ hành động nào có thể làm trầm trọng thêm hoặc mở rộng tranh chấp" hoặc làm cho xung đột trở nên khó khăn để giải quyết hơn, bao gồm việc tạm ngừng cung cấp các khoản tiền, vũ khí , thiết bị và nhân sự cho lực lượng phía đông.
Ukraine cũng kêu gọi Tòa án yêu cầu Moscow kiểm soát khu vực biên giới giáp với phía đông Ukraine và ngăn chặn sự phân biệt chủng tộc ở Crimea, đặc biệt đối với Tatar.
Sau khi tiến hành các phiên điều trần vào tháng 3, ICJ sẽ ra phán quyết về các đơn kiện đưa ra yêu cầu tạm thời trên trong tháng 4 này.
Về phía Nga, Moscow đã bác bỏ những cáo buộc về chủ nghĩa khủng bố của Kiev, nói rằng họ hành động như vậy "trên thực tế cũng như một cách bất hợp pháp" và nói rằng ICJ không có thẩm quyền đối với vụ án.
"Liên bang Nga hoàn toàn tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo các điều ước hiện đang được Ukraine dựa vào", đại diện của Moscow, Roman Kolodkin, nói với tòa ICJ vào tháng trước.
Lo ngại về phán quyết
Cuộc xung đột Ukraine kéo dài đã dẫn đến một bước chuyển quan trọng là Nga đã sát nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014 – động thái đã đẩy quan hệ giữa Nga và Ukraine và phương Tây xuống điểm thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Theo AFP, mặc dù phán quyết của ICJ có giá trị ràng buộc, tòa án này hiện chưa có cơ chế và quyền lực để thi hành phán quyết của mình. Việc này sẽ phụ thuộc vào Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó Nga là một thành viên thường trực có quyền phủ quyết và có sức ảnh hưởng mang tính quyết định đối với vấn đề này.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế Ko Colijn, một nhà nghiên cứu tại Viện Clingedael ở The Hague, nói rằng Moscow dường như sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết này.
Colijn nói với AFP, "Tôi dự đoán rằng họ sẽ bỏ qua bản án này, dù đó là tích cực hay tiêu cực."
Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Pavlo Petrenko cho biết trong một tuyên bố ngày 13/4 rằng ngay sau khi có phán quyết, Kiev sẽ công bố "bằng chứng mới, rất có ý nghĩa" – điều có thể bác bỏ những gì quan chức này gọi là "nhiều lời dối trá của Nga và thông điệp tuyên truyền của Nga".
Dù phán quyết sắp tới ra sao, căng thẳng hiện tại giữa Moscow và Kiev vẫn chưa có nhiều hi vọng hòa giải.
(Theo Reuters)