• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sóng gió với Trung Quốc chưa thể tạo sức bật Mỹ - Ấn?

Thế giới 24/08/2020 10:13

(Tổ Quốc) - Andrei Lungu – Chủ tịch Viện nghiên cứu Romanian về châu Á – Thái Bình Dương (RISAP) – ngày 21/8 đã có bài viết về tình hình quan hệ Trung - Ấn và yếu tố Mỹ.

Không lâu sau vụ đụng độ biên giới xảy ra thương vong vào tháng 6 giữa Trung Quốc và Ấn Độ, các nhà quan sát đang cố gắng xác định chắc chắn hậu quả địa chính trị của vụ việc.

Nhiều người đang chờ xem cuộc đụng độ sẽ thúc đẩy Ấn Độ xích lại gần Mỹ như thế nào, một quan điểm phổ biến ở phương Tây. Còn từ Ấn Độ, ngày càng có nhiều tiếng nói từ bỏ việc 'xoa dịu', thay vào đó là cứng rắn với Trung Quốc và tăng cường quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ.

Hiệu quả của liên minh Mỹ - Ấn?

Quan hệ Mỹ - Ấn mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ. Nhưng việc tăng cường quan hệ quân sự và ngoại giao với Hoa Kỳ sau tranh chấp biên giới – có thể tạo ra ấn tượng rằng Ấn Độ đã chọn bên trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Điều này sẽ không làm giảm bớt áp lực ở biên giới và căng thẳng liên quan mà ngược lại, có thể khiến Trung Quốc có lập trường cứng rắn hơn đối với Ấn Độ. Trung Quốc có thể sử dụng tranh chấp biên giới không chỉ để khiêu khích Ấn Độ mà còn để phát đi tín hiệu về việc sức mạnh của Mỹ đang suy giảm trong khu vực.

Sóng gió với Trung Quốc chưa thể tạo sức bật Mỹ - Ấn? - Ảnh 1.

Đã có nhiều tiếng nói về sự xích lại Ấn Độ - Mỹ. Ảnh Getty.

Trong khi đối đầu Trung-Ấn rất phức tạp, thì tranh chấp biên giới lúc này là biểu hiện rõ ràng nhất của căng thẳng song phương. Vấn đề này không phải là việc Mỹ có thể giải quyết – mà nó là kết quả từ các mức độ phát triển cơ sở hạ tầng biên giới khác nhau giữa Ấn Độ và Trung Quốc, kết hợp với tình trạng chung của quân đội hai nước. Việc cải thiện quan hệ đối tác Mỹ - Ấn sẽ không giải quyết được vấn đề này, ngay cả khi nó được nâng cấp thành một liên minh quân sự được củng cố bởi một hiệp ước quốc phòng.

Việc Mỹ - Ấn có thể đi xa đến mức ký một hiệp ước quốc phòng vẫn chưa được xem xét. Ấn Độ vẫn bám sát chính sách 'tự chủ chiến lược' của mình và một hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn đưa họ rời khỏi lập trường đã có từ lâu này. Không rõ liệu Washington, đặc biệt là dưới thời chính quyền hiện tại, có muốn mở rộng các cam kết quân sự với Ấn Độ hay không. Trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột biên giới chết người khác, Hoa Kỳ sẽ có nguy cơ đụng độ với Trung Quốc hoặc gây nguy hiểm cho uy tín của họ nếu không can dự.

Khi các nhà quan sát nói về việc Ấn Độ xích lại gần Mỹ, họ nói đến một mối quan hệ không có hiệp ước quốc phòng. Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều loại thiết bị quân sự tốt hơn, thông tin tình báo của Mỹ, các cuộc tập trận và trao đổi quân sự chung, cũng như hỗ trợ ngoại giao. Nhưng những điều này sẽ không đảo ngược sự cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như không làm mất đi lợi thế biên giới của Trung Quốc. Có một giới hạn đối với số lượng thiết bị quân sự mà Ấn Độ có thể mua, tùy theo tiềm lực kinh tế của nước này.

Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ thường xuyên gia tăng do các cuộc đối đầu ở biên giới trong thập kỷ qua. Và vị thế yếu hơn của Ấn Độ so với Trung Quốc lâu nay không phải là do thiếu nhân lực, cũng không phải do thiếu thiết bị. Thiếu cơ sở hạ tầng vẫn là trở ngại chính cho việc mở rộng triển khai quân sự ở tiền tuyến. Washington không thể dễ dàng cung cấp cho Ấn Độ sự trợ giúp đáng tin cậy ở đây, trên vùng cao của dãy Himalaya xa xôi.

Áp lực biên giới ở mức thấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ là nguyên nhân chính gây khó chịu, tuy nhiên những cuộc giao tranh kiểu này nằm ngoài tầm với của Mỹ. Một số người hy vọng rằng quan hệ đối tác Mỹ - Ấn mạnh mẽ hơn có thể ngăn chặn các hoạt động này, nhưng hiệp ước phòng thủ lâu đời của Nhật Bản với Hoa Kỳ cũng không làm gì được để ngăn chặn áp lực liên tục và ngày càng tăng của Trung Quốc xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư. Hiệp ước quốc phòng Mỹ - Philippines cũng không ngăn cản Trung Quốc có hành động tại bãi cạn Scarborough.

Kịch bản hành động của Trung Quốc

Về phần mình, Bắc Kinh có thể tin rằng nếu Ấn Độ đứng về phía Hoa Kỳ, nước này sẽ mất đi tư cách là một cường quốc không liên kết, khiến Ấn Độ thành một ví dụ hoàn hảo cho thấy sự bất lực của Washington trong việc giúp đỡ bạn bè của mình. Tranh chấp biên giới sẽ không còn chỉ là một điểm gây áp lực đối với Ấn Độ mà còn là dịp để cho các nước ở Đông Nam Á thấy rằng Hoa Kỳ không thể giúp họ trong các tranh chấp và mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington sẽ chỉ gây ra vấn đề.

Vào thời điểm đó, nhiều khả năng áp lực của Trung Quốc ở biên giới sẽ gia tăng và có thể mở rộng sang các khu vực mới, như khu vực phía đông ở Arunachal Pradesh, vốn ít có xung đột hơn. Trung Quốc cũng có thể thực hiện các biện pháp đối đầu khác, chẳng hạn như hiện thực hóa căn cứ quân sự đáng e ngại từ lâu tại Gwadar, Pakistan.

Vấn đề chính của Ấn Độ không phải là việc 'xoa dịu' Trung Quốc hay họ chưa đủ gần với Hoa Kỳ. Đó là khoảng cách về kinh tế và quyền lực cứng giữa nước này và Trung Quốc. Không có liên minh hoặc sự thay đổi chính sách đối ngoại nào sẽ giải quyết được cán cân lệch này. Cố gắng duy trì mối quan hệ khả thi với Bắc Kinh và quản lý căng thẳng biên giới - trong khi bắt kịp Trung Quốc trong những thập kỷ tiếp theo - đã và vẫn là chính sách khôn ngoan nhất.

Tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với Hoa Kỳ, như một phần của chính sách chung về tăng cường tham gia kinh tế với các nước khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sẽ giúp ích cho Ấn Độ. Nhưng việc tạo ra ấn tượng rằng Ấn Độ đã chọn bên trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung và tham gia liên minh chống lại Trung Quốc sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng Trung - Ấn.

Nếu 'Chiến tranh Lạnh' Mỹ - Trung định hình nửa đầu của 'Thế kỷ châu Á', thì mối quan hệ Trung - Ấn có thể sẽ định hình nửa sau. Để đối mặt với thách thức này, cách tốt nhất của Ấn Độ là lập kế hoạch dài hạn, thay vì để chiến lược của mình bị thúc đẩy bởi áp lực ngắn hạn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ