(Toquoc)-Những đám mây plasma tạo ra màn trình diễn cực quang tuyệt đẹp trên bầu trời cực Bắc.
(Toquoc)-Tối 4/8, sau hành trình kéo dài ba ngày rưỡi vượt qua 150 triệu km, cơn bão mặt trời đem theo những đám mây plasma lớn đã tiếp cận trái đất tạo ra một màn trình diễn cực quang tuyệt đẹp trên bầu trời cực Bắc.
Trước đó tờ Space đưa tin, vụ nổ trên bề mặt của mặt trời hôm 1/8 khiến một đám mây plasma khổng lồ vào vũ trụ. Plasma là trạng thái thứ tư của vật chất (ba trạng thái khác là rắn, lỏng, khí) trong đó các chất bị ion hóa mạnh. Phần lớn nguyên tử hay nguyên tử chỉ còn lại hạt nhân, còn các electron chuyển động tương đối tự do giữa các hạt nhân. Những cơn bão, hay còn gọi là “sóng thần mặt trời” thổi về phía trái đất luồng khí plasma nặng đến 10 tỷ tấn với tốc độ hàng ngàn dặm mỗi giờ.
Cực quang trên bầu trời Đan Mạch
Theo Leon Golub, nhà khoa học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (CFA) thì đây là “lần phun trào lớn đầu tiên hướng về phía trái đất sau một thời gian rất dài”.
Các quầng lửa gây ra các đợt phun trào lần này được xếp vào hạng C3, nghĩa là chỉ có thể tạo ra cực quang ở bán cầu Bắc hoặc Nam của trái đất, so với các quầng lửa cỡ X hoặc M có thể gây tổn hại lớn đến địa cầu.
Người dân ở Đan Mạch, Na Uy, Greenland, Đức và trên toàn miền Bắc Mỹ, Canada đều có dịp chiêm ngưỡng những màn trình diễn cực quang ngoạn mục ngày hôm nay khi mà các đám mây plasma đâm sầm vào bầu khí quyển của Trái Đất.
Cực quang – những dải sáng đầy màu sắc trên bầu trời, được tạo ra khi các hạt tích điện trong khí plasma tương tác với từ trường của trái đất. Những đám mây plasma được hút về phía các đầu cực, nơi các hạt va chạm với các nguyên tử khí nitơ và oxy trong khí quyển.
Cực quang trên bầu trời
Ngoài cực quang, sự tương tác giữa các hạt mang điện tích từ mặt trời với từ trường trái đất có thể tạo nên các cơn bão địa từ hoặc những đợt nhiễu động trong quyển từ của địa cầu. Mặc dù con người chỉ nhìn thấy cực quang trắng ở những khu vực có vĩ độ cao, song chúng có thể xuất hiện ở những vĩ độ thấp trong cơn bão địa từ.
Mặc dù hầu như chưa có thiệt hại nào do cơn bão lần này gây ra, song các nhà thiên văn học NASA đã cảnh báo rằng, những cơn bão mặt trời lớn hơn có thể làm tê liệt hệ thống điện và viễn thông trên trái đất. Điều này có thể xảy ra vào năm 2013, khi mặt trời dự kiến sẽ đạt tới ngưỡng trong chu kỳ 11 năm của nó và “tỉnh giấc”./.
Khánh Lâm (Theo Space, Telegraph)