(Tổ Quốc) - Su-30MKI đang là chiến đấu cơ mạnh mẽ nhất trong Không quân Ấn Độ và vị thế này nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì trong những năm tới đây.
Mặc dù Ấn Độ vẫn duy trì mối quan hệ địa chính trị chặt chẽ với Mỹ nhưng nước này cũng giữ mối quan hệ quốc phòng bền chặt với Nga, đặc biệt là về mua sắm trang thiết bị quân sự.
Báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Nga vẫn là nhà cung cấp quốc phòng nổi bật nhất của Ấn Độ và có tới 80% nền tảng quân sự của New Delhi có nguồn gốc từ Moscow.
Các thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Ấn Độ và Nga bao quát nhiều lĩnh vực, từ súng trường tấn công, tàu ngầm cho tới máy bay chiến đấu, trong đó có Su-30MKI.
Su-30MKI: “Xương sống” trong phi đội máy bay chiến đấu của Ấn Độ
Nổi bật nhất trong số các máy bay chiến đấu mà Ấn Độ mua từ Nga phải kể tới Su-30MKI (hay theo mã định danh của NATO là Flanker-H). Đây là dòng máy bay chiến đấu đa năng hai động cơ được sản xuất riêng theo thông số kỹ thuật và hệ thống điện tử hàng không của Ấn Độ.
Su-30MKI là phiên bản hiện đại hóa của Su-27 từ thời Liên Xô, được thiết kế đặc biệt theo yêu cầu riêng của Không quân Ấn Độ. Nó đã một vài lần chứng tỏ được sức mạnh trong các cuộc giao đấu với những chiến cơ hiện đại nhất của phương Tây là Eurofighter Typhoon Không quân Anh và F-15C của Không quân Mỹ và đều giành thế áp đảo.
Su-30MKI có ứng dụng một số hệ thống phụ của Pháp và Israel nhưng về cơ bản, thiết kế vẫn là của Nga. Những cải tiến gần đây nhất cho phép máy bay có thể triển khai Astra - tên lửa không đối không tầm xa với tấm tấn công xấp xỉ 105 km được Ấn Độ phối hợp cùng với Nga phát triển cũng như dòng tên lửa không đối không tầm ngắn ASRAAM của Anh.
Tuy nhiên, tên lửa chính của Su-30MKI vẫn là R-77 (100 km) và R-27ER/ET (130 km) dùng cho các nhiệm vụ tấn công tầm xa và được bổ trợ thêm bằng tên lửa R-73 cho các sứ mệnh tầm gần.
Lần đầu tiên Ấn Độ mua 140 máy bay chiến đấu Su-30 từ Nga là vào năm 2000, trước khi đạt được thỏa thuận về một phiên bản đặc biệt chế tạo riêng cho Không quân Ấn Độ (IAF) vào năm 2002 theo giấy phép cấp cho India’s Hindustan Aeronautics Limited (HAL).
Su-30MKI chính thức được Ấn Độ đưa vào sử dụng từ năm 2004 với tầm nhìn biến loại máy bay này trở thành “xương sống” của phi đội máy bay chiến đấu đến năm 2020 và thậm chí còn xa hơn nữa. Từ năm 2021, IAF luôn duy trì trong kho vũ khí của mình hơn 270 chiếc Su-30MKI.
Hợp đồng đầu tiên cung cấp máy bay phản lực Su-30MKI cho Không quân Ấn Độ được ký kết vào ngày 30/11/1996 tại Irkutsk, Nga giữa công ty trung gian đại diện nhà nước Nga là Rosvooruzhenie và Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Khi đó, Ấn Độ dự tính mua 32 chiếc Su-30MKI, tất cả đều được sản xuất vào các năm từ 2002 - 2004.
Hài lòng với hiệu suất hoạt động của máy bay, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiếp tục đặt hàng bổ sung. Tháng 12/2000, hai bên đã ký hợp đồng tổ chức sản xuất Su-30MKI theo cấp phép tại các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ.
Năm 2012 New Delhi lại ký kết một hợp đồng khác cho mua các công nghệ của Su-30MKI. Đánh giá một cách tổng thể, Su-30MKI đã chứng tỏ là một phương tiện tác chiến hạng nặng đa năng đáng tin cậy và hiệu quả đối với Không quân Ấn Độ.
Dự án Su-30MKI đã trở thành một trong những dự án lớn nhất trong lịch sử hợp tác quân sự của Ấn Độ với nước ngoài và cũng góp phần vào việc bán biến thể Su-30MK cho những quốc gia khác.
Hơn nữa, chương trình cũng đã có những ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của máy bay chiến đấu Su-30SM cho Không quân Nga và được chào bán ra thị trường vũ khí thế giới dưới phiên bản Su-30SME.
Sức mạnh gia tăng gấp bội nhờ tên lửa hành trình BrahMos
Không quân Ấn Độ đã đưa vào biên chế phi đội máy bay chiến đấu Su-30MKI đầu tiên trang bị tên lửa hành trình BrahMos-A hồi đầu tháng 1/2020. Tầm quan trọng của Sukhoi Su-30MKI nằm ở chỗ nó là dòng máy bay duy nhất của Ấn Độ có khả năng mang theo tên lửa siêu thanh BrahMos.
Su-30 và BrahMos, bản thân chúng đều là những vũ khí vốn dĩ đã rất uy lực. Thế nhưng, khi một trong những máy bay chiến đấu siêu hạng nhất của thế giới được trang bị một dòng tên lửa hành trình có sức hủy diệt ghê gớm thì sức mạnh của chúng sẽ được nhân lên gấp bội phần.
Tốc độ nhanh hơn đạn - 3.000 km/h của BrahMos đồng nghĩa với việc nó có thể bắn trúng mục tiêu với một sức công phá động năng khổng lồ. Trong các cuộc thử nghiệm, mỗi quả tên lửa BrahMos thường xé đôi các tàu chiến và biến các mục tiêu mặt đất thành tro bụi.
Vận tốc 2.100 km/h của Su-30MKI sẽ tăng thêm lực phóng cho tên lửa, biến nó thành sức mạnh hủy diệt.
Rõ ràng, Su-30MKI đang là chiến đấu cơ mạnh mẽ nhất trong Không quân Ấn Độ và vị thế này nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì trong những năm tới đây.