(Tổ Quốc) - Theo CNN, hệ sinh thái biển của Philippines, nơi sinh sống của một số loài sinh vật quý hiếm nhất thế giới, như đồi mồi, cá mập voi, cá đuối khổng lồ hay cá nược, đang bị đe dọa nghiêm trọng từ thảm họa dầu tràn.
Đã hơn một tháng kể từ khi tàu MT Princess Empress, mang theo 800.000l (211.340 gallon) nhiên liệu công nghiệp, bị lật gần tỉnh đảo Oriental Mindoro của Philippines. Đây là một ngư trường giàu có cung cấp lương thực và sinh kế cho hơn hai triệu người.
Được một đội phản ứng của Nhật Bản hỗ trợ, các nhà chức trách hàng hải Philippines đã xác định vị trí xác tàu vào ngày 21/3, tuy nhiên, chưa đưa được tàu lên. Hiện đang có nhiều lo ngại về lượng dầu bên trong sẽ tiếp tục rò rỉ, dù chưa biết con số chính xác là bao nhiêu.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines thông tin với CNN trong tuần này rằng họ "chưa định lượng được lượng dầu đang rò rỉ".
Hiện vết dầu loang đã trải dài trên 250 km biển, gây ô nhiễm bờ biển ít nhất ba tỉnh, gây thiệt hại cho sinh kế của hàng nghìn ngư dân và đe dọa hơn 20 khu bảo tồn biển.
Thứ hai vừa qua, với sự hỗ trợ của Hải quân Mỹ, các hoạt động trục vớt con tàu và cố gắng bịt chỗ rò rỉ mới dần được triển khai.
Sau hậu quả của vụ rò rỉ ban đầu, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philipiines đã nỗ lực dọn dẹp những vết dầu loang và xây dựng hàng rào nổi để ngăn dầu. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được cao do thủy triều lên xuống mạnh.
Ảnh hưởng lớn tới môi trường
Theo Viện Khoa học Biển thuộc Đại học Philippines, có tới 36.000 ha diện tích biển có thể bị ảnh hưởng bởi vết dầu loang trong khi chờ các nỗ lực phục hồi hoàn tất.
Lực lượng bảo vệ bờ biển nước này ước tính cho đến nay các đội dọn dẹp đã loại bỏ được 60% lượng dầu tràn vào bờ biển của hàng chục thị trấn ở Oriental Mindoro.
Irene Rodriguez, Phó giáo sư của Viện Khoa học Hàng hải cho biết, dầu hiện đã lan đến Verde Island Passage, một khu bảo tồn biển có hàng chục loài đặc hữu.
Đáng chú ý, nơi con tàu bị chìm có mật độ cao các loài cá ven biển, san hô, động vật giáp xác, động vật thân mềm, cỏ biển và rừng ngập mặn. Và sự cố tràn dầu có thể dẫn đến thiệt hại lâu dài và suy giảm số lượng của những sinh vật này, theo bà Rodriguez.
"Có khá nhiều sinh vật biển chưa được xác định danh tính và chỉ hiện diện ở Verde Island Passage… và đó là điều chúng ta nên bảo vệ. Hy vọng rằng chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn dầu gây ra thiệt hại ở khu vực đó," chuyên gia này nói.
Bà Rodriguez cũng cho hay, Verde Island Passage đặc biệt quan trọng vì là nơi sinh sản của các loài sinh vật biển bản địa, những loài có thể giảm số lượng trong tương lai vì chúng không thể giao phối trong vùng nước bị ô nhiễm.
Hệ lụy tới đời sống người dân
Ngày càng có nhiều lo ngại rằng thảm họa tràn dầu lần này cũng có thể gây ra tác động kinh tế lớn hơn. Theo Hội đồng quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia của Philippines, hơn 170.000 người ở các cộng đồng ven biển đã bị ảnh hưởng bởi sự cố tràn dầu và gần 17.000 ngư dân bị mất thu nhập sau khi chính quyền áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tạm thời.
Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản ước tính ngành đánh bắt cá đang thiệt hại 900 nghìn USD mỗi ngày và có khả năng phải mất nhiều tháng nữa trước khi sự cố tràn dầu được ngăn chặn hoàn toàn.
Bên cạnh đó, việc dọn dẹp vết dầu loang tốn nhiều thời gian và đối với ngư dân, việc này cũng làm giảm thu nhập của họ.
Theo một chương trình của chính phủ Philippines, trong thời gian chưa được đánh bắt cá, các ngư dân có thể tham gia các nỗ lực dọn dẹp để kiếm thêm thu nhập. Chính phủ nước này đã phân bổ hơn 1,5 triệu USD cho chương trình này, dự kiến ban đầu dành cho 14.000 người tham gia và chương trình đã được gia hạn đến tháng 5.
Tuy nhiên, số tiền này hầu như không đủ để trang trải mức lương hàng ngày thông thường của ngư dân, theo Jennifer Cruz, thị trưởng Pola, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề ở Oriental Mindoro.
Đồng thời, các dụng cụ đơn giản như xô và xẻng cũng không đủ để loại bỏ dầu khỏi các vùng bờ biển bị ảnh hưởng do quy mô của vụ tràn dầu là khá lớn.
Các đội phản ứng từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ vẫn đang phải hỗ trợ Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines về chuyên môn kỹ thuật và cả những bị đặc biệt không có sẵn ở Philippines.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết ông hy vọng việc dọn dẹp có thể hoàn thành trong vòng 4 tháng. Nhưng ông Jefferson Chua - thành viên tổ chức Hòa bình xanh Philippines nói rằng mục tiêu này là rất khó vì ngay từ đầu các nhà chức trách Philippines chưa được trang bị để xử lý thảm họa và các nỗ lực ứng phó đã bị kéo dài.
Chua nói: "Sự cố lớn hơn mọi người nghĩ. Có một số tiến triển trong việc dọn dẹp nhưng những tác động kéo dài đang trở nên tồi tệ hơn đối với các bên liên quan".