(Tổ Quốc) - Chiều 15/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo đánh giá tác động kinh tế - xã hội liên quan đến Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
- 12.11.2018 Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia: Quan trọng vẫn là làm thế nào để tránh việc trở thành "luật trên trời"
- 08.11.2018 Không có ngưỡng an toàn, vài chén rượu cũng có thể gây thiệt mạng
- 09.06.2018 47 quốc gia trên thế giới cấm quảng cáo rượu, bia
- 08.06.2018 Việt Nam đứng thứ 3 châu Á về mức độ tiêu thụ rượu bia
- 18.04.2018 “Luật phòng, chống tác hại của rượu bia”: Khó đi vào cuộc sống!
Việc sử dụng rượu bia thái quá trở thành văn hóa xấu
Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, xu hướng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam hiện nay đã khác so với văn hóa uống rượu trước đây.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Nếu như thời xưa rượu, bia là để nếm và thưởng thức thì ngày nay việc sử dụng rượu, bia đã trở nên thái quá, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người uống, gia đình và cộng đồng, tạo nên một trào lưu, một nét xấu trong văn hoá người Việt.
Ông Quang nhấn mạnh, nếu không có các biện pháp điều tiết kịp thời bằng các cơ chế chính sách, pháp luật thì hậu quả sẽ ngày càng trầm trọng và khó khắc phục.
Luật Phòng, chống tác hại rượu bia với những quy định nhằm định hướng cách thức xử sự cho người dân trong việc tiêu dùng rượu, bia hợp lý không nhằm mục đích cấm việc sử dụng rượu, bia.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho rằng, văn hóa sử dụng rượu, bia phải được hiểu là là sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, có chừng mực, đúng thời điểm, đúng đối tượng. Như vậy, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia chỉ góp phần định hướng cho việc sử dụng rượu, bia văn minh hơn.
Đối tượng sử dụng rượu bia ngày càng trẻ hóa
PGS.TS Phạm Việt Cường - Trường Đại học Y tế Cộng đồng chia sẻ: "Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội đối với giới trẻ."
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là gần 80% đối với nam và hơn 36% đối với nữ. Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013 thì có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần.
PGS.TS Cường cho biết, việc sử dụng rượu bia ở tuổi vị thành niên hay thành niên có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển trong khi não bộ. Đồng thời, tuổi sử dụng rượu bia càng sớm thì nguy cơ lệ thuộc rượu bia càng cao.
Theo một nghiên cứu của Học viện cảnh sát tại 11 tỉnh năm 2015 thì phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%.
Nguyên nhân của việc số đối tượng vi phạm pháp luật do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn chủ yếu nằm trong độ tuổi 16 - 30 do đây là lứa tuổi còn trẻ, bồng bột, cá tính năng động, thích thể hiện bản thân cũng như chưa có được những suy nghĩ chín chắn về lời nói, hành động của mình.
Lứa tuổi này có nhiều các mối quan hệ trong xã hội, bị ảnh hưởng lớn bởi tâm lý đám đông, dễ bị lôi kéo, kích động dẫn đến thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Đây là vấn đề nhức nhối, nếu chúng ta không hành động thì tình trạng này sẽ tiếp tục gia tăng, nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội là điều dễ thấy. Trong đó, đau lòng nhất là đối tượng gây ra các phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia lại là lứa tuổi thanh niên - tương lai của đất nước.