• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sự hiện diện của hạt vi nhựa tại các địa điểm khảo cổ có thể thúc đẩy "một bước ngoặt" trong ngành

Thế giới 09/12/2024 16:38

(Tổ Quốc) - Vào đầu tháng 3 năm nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra hạt vi nhựa tại hai địa điểm khai quật ở thành phố lịch sử York của Anh.

Tìm thấy hạt vi nhựa ở địa điểm khảo cổ

Hạt vi nhựa có ở khắp mọi nơi. Người ta đã tìm thấy trong dạ dày của một con cá voi đã chết tại Point Nemo – điểm xa xôi nhất trên hành tinh – và thậm chí bên trong máu người. Giờ đây, có thể tìm thấy thêm ở "các địa điểm khai quật khảo cổ".

Sự hiện diện của vi nhựa tại các địa điểm khảo cổ có thể thúc đẩy cuộc tái thiết lớn trong ngành - Ảnh 1.

Một loạt hạt nhựa siêu nhỏ được nhìn thấy dưới kính lúp, chúng không thể tái chế và đã trở nên phổ biến trong môi trường. Ảnh: Shutterstock

Hạt vi nhựa (microplastic) là những mảnh nhỏ được hình thành từ quá trình phân hủy các sản phẩm nhựa như chai nhựa, túi nilon, đồ dùng bằng nhựa… thải ra môi trường. Loại hạt này có kích thước rất nhỏ, đường kính chỉ dưới 5mm.

Hạt vi nhựa được tìm thấy ở nhiều nơi trên trái đất như đại dương, sông, rừng núi, đất, cơ thể động vật... Trong đó, loại hạt này được tìm thấy nhiều nhất ở môi trường nước như các sông, suối, ao, hồ, mạch nước ngầm...

Hạt vi nhựa hiện được xem là vấn đề nguy hiểm trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa vì dễ dàng đi qua các bộ lọc, lưới và các công cụ khác mà chúng ta thường dùng để dọn rác thải nhựa.

Vào đầu tháng 3 năm nay, nhóm các nhà khoa học từ các trường đại học Hull và York đã công bố nghiên cứu trên tạp chí Science of The Total Environment, trong đó nêu tóm tắt về việc phát hiện ra hạt vi nhựa tại hai địa điểm khai quật ở thành phố lịch sử York của Anh.

York là một thành phố lịch sử nằm ở phía Bắc nước Anh, nổi tiếng với vẻ đẹp cổ kính và di sản văn hóa phong phú.

"Thế giới đang dần quen với việc đọc các bài báo về hạt vi nhựa trong chuỗi thức ăn và thậm chí cả cơ thể chúng ta. Nghiên cứu mới đây đã xác định được hạt vi nhựa trong các trầm tích khảo cổ sâu vài mét. Các hoạt động đang dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường", ông Paul Flintoft, Giám đốc khu vực tại York Archaeology và là tác giả của nghiên cứu cho biết.

Thông thường, các nhà khảo cổ thường giữ lại nguyên các hiện vật ở vị trí ban đầu tại di tích khảo cổ. Nhưng mối lo ngại rằng hạt vi nhựa có thể làm nhiễm độc các trầm tích và ảnh hưởng đến quá trình khai quật đang đặt ra những giả thiết mới về công việc khai quật của các nhà khảo cổ.

Làm giảm giá trị khoa học các trầm tích khảo cổ

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 16 loại polyme vi nhựa trong quá trình khảo cổ hai địa điểm ở thành phố York. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy hạt vi nhựa tại một địa điểm khảo cổ.

Trong một tuyên bố, ông David Jennings, Giám đốc điều hành của Tổ chức York Archaeology cho biết mối quan tâm đối với ngành khảo cổ học là hạt vi nhựa có thể làm giảm giá trị khoa học các trầm tích khảo cổ.

"Sự hiện diện của hạt vi nhựa có thể và sẽ làm thay đổi tính chất hóa học của đất, có khả năng đưa vào các nguyên tố khiến các di tích bị phân hủy", ông David Jennings nói.

Các di tích phải kể đến là Khách sạn Queens và Wellington Row. Nhóm các nhà khảo cổ học đã chọn các địa điểm trên vì khu vực này đã trải qua khoảng 2.000 năm đô thị hóa liên tục, giúp nhóm các nhà khoa học có thể phân tích mẫu đất có niên đại từ thế kỷ thứ nhất đối với địa điểm Khách sạn Queens hoặc thế kỷ thứ hai tại Wellington Row.

Các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu mẫu đất lưu trữ từ các cuộc khai quật ban đầu vào năm 1988 và so sánh với mẫu đất hiện tại từ năm 2023. Cả bốn mẫu đều chứa hạt vi nhựa và điều thú vị là tất cả chúng đều có hàm lượng nhựa rất giống nhau.

Nhóm nghiên cứu tin rằng hạt vi nhựa đã tích tụ trong thế kỷ qua, kể từ sau Thế chiến thứ II.

Một khám phá thú vị khác mà các nhà khoa học không thể giải thích được là các mẫu đất lưu trữ từ năm 1988 chứa nhiều hạt vi nhựa hơn mẫu đất khai quật vào năm ngoái.

Phát hiện nay có thể thúc đẩy việc xem xét lại khả năng khảo cổ học tại chỗ.

Ông Flintoft cho biết hầu hết các thông lệ khảo cổ toàn cầu khuyến nghị để lại các di chỉ khảo cổ tại chỗ.

"Lập luận của chúng tôi là nếu biết rằng hạt vi nhựa có thể làm nhiễm độc các di chỉ khảo cổ thì có lẽ chúng ta nên khai quật chúng thay vì để chúng phân hủy thêm. Điều này khá gây tranh cãi", ông nói thêm.

Ngoài ra, các địa điểm khảo cổ ở York cũng nằm trong môi trường đô thị đông đúc, vì vậy khả năng xâm chiếm của hạt vi nhựa xuất hiện nhiều hơn so với môi trường sống khô cằn.

Ông Flintoft khuyến nghị các nhà khảo cổ học nên theo dõi sự hiện diện của hạt vi nhựa như một phần trong quy trình khai quật để giúp ngành công nghiệp hiểu rõ hơn về phạm vi của vấn đề. Và đồng thời có cách giải quyết kịp thời, cụ thể "hoặc để lại vị trí hoặc di dời các di chỉ khảo cổ".

"Chúng tôi đang nộp đơn xin tài trợ để phát triển nghiên cứu này lên giai đoạn tiếp theo. Chúng tôi muốn hiểu những rủi ro mà hạt vi nhựa gây ra cho di tích khảo cổ và cách theo dõi tốt hơn tình trạng ô nhiễm", ông Flintoft nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ