(Tổ Quốc) - Đại dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ khiến cho kế hoạch học tập của nhiều du học sinh Việt Nam ở nước ngoài bị đảo lộn, nhiều em đã về nước, số khác đang đứng trước lựa chọn tiếp tục học ở nước ngoài hay trở về…
- 15.07.2020 Du học sinh Việt Nam về nước được tiếp tục học tại các trường đại học trong nước
- 09.07.2020 Nhiều nền kinh tế lớn thiệt hại tỷ đô vì thiếu du học sinh thời Covid-19
- 08.07.2020 Du học sinh Việt Nam trước nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ, Bộ Giáo dục lên tiếng
- 08.07.2020 Du học sinh trước nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ: Muôn kiểu trải lòng sinh viên Trung Quốc
- 08.07.2020 Danh sách các trường ở Mỹ lên kế hoạch dạy online mùa thu này, du học sinh nắm rõ để có sự chuẩn bị phù hợp
Trước những băn khoăn của các du học sinh Việt Nam, Bộ GDĐT cho biết, 'sứ mạng của các trường đại học là tạo điều kiện cho du học sinh trở về được học ở môi trường tốt nhất', và đây cũng là cơ hội để các trường trong và ngoài nước kết nối với nhau, đưa ra các chương trình đào tạo tốt.
Việt Nam hiện có khoảng gần 200.000 du học sinh đang học tập ở các nước, trong đó tập trung ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, Úc...
Trong khi nhiều du học sinh Việt Nam đang lúng túng chưa biết như thế nào trong giai đoạn đại dịch, nếu về Việt Nam sẽ học ở đâu, thì sứ mạng của các trường đại học là tạo điều kiện cho du học sinh trở về được học ở môi trường tốt nhất.
Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các trường trong và ngoài nước kết nối với nhau, đưa ra các chương trình đào tạo tốt.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định, "Chúng ta không chỉ dừng lại ở nhu cầu của người học, mà rộng hơn đáp ứng được yêu cầu của tất cả những người liên quan, người học, người dạy, phụ huynh. Thực tế nhiều phụ huynh hiện nay không muốn con em đi học nước ngoài suốt 4 năm mà muốn con có những quãng thời gian ở cùng gia đình - một chương trình đào tạo thỏa mãn được nhu cầu này là xu hướng tất yếu".
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nếu chỉ nghĩ đến việc giữ chân học sinh, sinh viên Việt Nam ở lại Việt Nam thì sẽ quá hẹp. "Một mặt vẫn khuyến khích học sinh đi du học nhưng mặt khác phải tạo ra những chương trình liên kết đào tạo tốt để học sinh ở Việt Nam vẫn được học tập trong điều kiện và chương trình tốt nhất - đây còn là cách để giữ nguồn chi phí dành cho du học ở lại Việt Nam".
Cũng theo Bộ trưởng, những chương trình đã có tiếp tục củng cố, những chương trình chưa có sẽ mở rộng, đặc biệt ở những nơi du học sinh Việt Nam còn đang lúng túng khó khăn thì các em yên tâm khi về Việt Nam sẽ được học chương trình tương tự như tại các nước.
Nhìn nhận về thực trạng này, Bộ trưởng nói, "Đây không chỉ là giải pháp về học thuật, kinh tế, mà còn đặc biệt nhân văn trong giai đoạn hiện nay và cũng là chính sách đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam".
Nhấn mạnh đến chất lượng các chương trình liên kết đào tạo, Bộ trưởng cho hay, thực hiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Việt Nam rất lưu ý đến chất lượng, kiểm định chất lượng.
Hiện tại Việt Nam có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo, chủ yếu là lĩnh vực kinh tế, quản lý, vì vậy, dư địa để mở các ngành liên kết đào tạo nhiều lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch… còn rất lớn bởi các ngành này rất cần cho nguồn nhân lực tại Việt Nam. Ngoài ra, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng còn nhiều tiềm năng để mở rộng liên kết đào tạo theo tín chỉ hoặc nhóm tín chỉ, từ đó mở rộng cơ hội trải nghiệm cho sinh viên quốc tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những chương trình tốt vẫn có những chương trình chưa đạt yêu cầu. Thời gian qua, Bộ GDĐT đã cho rà soát các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và cho dừng lại gần 200 chương trình liên kết. "Thông điệp chung là thúc đẩy các chương trình liên kết quốc tế phải thực sự chất lượng tại Việt Nam", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Yêu cầu đặt ra tới đây là mở chương trình nào phải tốt chương trình đó. Xã hội yêu cầu ngày càng cao, vì vậy các trường đại học phải chú ý chất lượng thật.
Nói về liên kết đào tạo, chương trình giảng dạy, Bộ trưởng yêu cầu, "Minh bạch rất cần thiết, tránh tình trạng ghép từ "quốc tế" vào tên gọi. Tất cả chương trình đào tạo liên kết quốc tế phải xứng với chất lượng, phải minh bạch để học sinh, sinh viên, phụ huynh lựa chọn đúng".
Tới đây, việc công nhận tín chỉ giữa các trường đại học không chỉ thực hiện trong giai đoạn Covid-19 mà sẽ đẩy mạnh và công bố công khai việc công nhận tín chỉ trong thời gian sau này, để học sinh, sinh viên có thể tự tìm hiểu, đối chiếu.
Về hỗ trợ học sinh, sinh viên, đội ngũ giảng viên đang cần trở về Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các bên liên quan đều đang rất nỗ lực để thực hiện việc hỗ trợ này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, trong thời gian chờ đợi các cơ sở giáo dục đại học linh hoạt, sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến để duy trì việc dạy học.