• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sự trở lại của nước Mỹ trong 100 ngày đầu tiên dưới thời Tổng thống Biden

Thế giới 29/04/2021 14:16

(Tổ Quốc) - Tổng thống Biden đánh dấu 100 ngày vào Nhà Trắng trong nỗ lực thực hiện phương châm "Nước Mỹ trở lại".

Theo hãng CNN, tiếp nối di sản của chính quyền lãnh đạo tiền nhiệm Mỹ, Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc xây dựng chính sách ngoại giao mới của Mỹ với thế giới, trong đó có nỗ lực thiết lập lại quan hệ với đồng minh.

Sự trở lại của nước Mỹ trong 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Biden - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu. Ảnh: CNN

Đánh dấu 100 ngày của Tổng thống Biden ở Nhà Trắng, các nỗ lực của chính quyền Mỹ mới gấp rút tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khí hậu, bãi bỏ lệnh cấm du lịch của người hồi giáo và gồng mình đối phó với thách thức từ khủng hoảng dịch bệnh Covid-19... Đây là các minh chứng cho thấy sự trở lại của nước Mỹ.

Trong tuần trước, Tổng thống Biden đã tái cam kết với thế giới việc Mỹ sẵn sàng đi đầu tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khí hậu với tham vọng giảm 52% phát thải carbon vào năm 2030. Mỹ đã thành công trong việc kêu gọi 40 quốc gia cùng tham gia, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Chúng ta thực sự đang đi theo hướng quan trọng. Nói cách khác, bất kỳ sự từ bỏ hay trì hoãn quá trình cam kết tuân thủ hiệp ước biến đổi khí hậu đều ảnh hưởng nghiêm trọng", nguồn tin của quan chức từ Điện Elysee – Pháp nói trên CNN.

"Và thật may mắn, không có Kế hoạch B nào xảy ra với giả thiết có thể Mỹ, Trung Quốc hay một quốc gia nào khác từ chối không tham gia vào thỏa thuận", nguồn tin nêu rõ.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng tư chính sách mới của Mỹ. Các quốc gia này đang xem xét lại luật pháp và thỏa thuận nhằm đảm bảo tiến độ hợp tác bất chấp các vấn đề phát sinh nào xảy ra.

"EU nắm bắt thay đổi linh hoạt"

Một quan chức cấp cao EU về các vấn đề đối ngoại giấu tên cho biết, họ từng rất lo lắng về các vấn đề phát sinh dưới chính quyền cựu Tổng thống Trump bởi các thay đổi liên tục trong các chính sách của Mỹ với thế giới.

Theo quan chức này, ưu tiên của EU là xây dựng một quy chế linh hoạt trước các thay đổi trong luật pháp của Mỹ. Trọng tâm của quy chế linh hoạt này là làm cho Mỹ tin tưởng sự hợp tác với EU sẽ mang đến các lợi ích nhất định trong tương lai.

Nhà ngoại giao này đánh giá cao đối tác Mỹ giải quyết vấn đề giảm nghèo ở Bắc Phi trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố vẫn tiếp tục gia tăng. Lập luận này đồng nghĩa với nỗ lực cải thiện cuộc sống người dân và giảm hoạt động của chủ nghĩa khủng bố. Động thái này không chỉ khiến cho Mỹ an toàn mà còn nâng cao vị thế của Mỹ với thế giới trong cuộc chiến chống khủng bố.

"Chúng ta cần phải giải quyết khôn ngoan và linh hoạt chính sách ngoại giao của Mỹ thông qua việc khuyến khích các hành động thực tế và đạo đức".

Trong 100 ngày đầu tiên Tổng thống Biden vào Nhà Trắng, châu Âu và Mỹ đã áp dụng trừng phạt vào Nga và Belarus, đối thoại về biến đổi khí hậu, phối hợp tại Liên hợp quốc và tham gia giải quyết vấn đề của Nga ở Balkan.

Ngay cả vấn đề tưởng chừng khó khăn nhất là thỏa thuận hạt nhân Iran, EU cũng tự tin Mỹ sẽ trở lại thỏa thuận này.

Ông Steven Blockmans – Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu cho biết, EU và Mỹ muốn thống nhất nguyên tắc tương lai trong các lĩnh vực điều chỉnh công nghệ và vấn đề biến đổi khí hậu trước Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng Sáu năm nay.

"Tổng thống Biden muốn đạt được một số chiến thắng trong chính sách đối ngoại lớn, vì vậy chúng ta nên hiểu Mỹ sẵn sàng đi xa hơn về mặt hợp tác", ông Blockmans cho biết.

"Nước Mỹ trở lại"

Theo hãng CNN, Tổng thống Biden có khả năng làm tốt việc gạt bỏ khái niệm trước đây rằng "Nước Mỹ trên hết".

Trong bối cảnh Ấn Độ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, chính quyền Tổng thống Biden lên tiếng sẵn sàng chia sẻ tới 60 triệu liều vaccine AstraZeneca với các quốc gia khác trên thế giới.

Trước đó, chính quyền Biden chỉ gửi số lượng vaccine hạn chế đến Mexico và Canada trong khi Mỹ thúc đẩy chương trình tiêm chủng nhanh nhất và lớn nhất thế giới.

Thách thức lớn nhất mà Tổng thống Biden phải đối mặt là tìm lại sự cân bằng giữa khái niệm "nước Mỹ trên hết" và "Nước Mỹ trở lại" trên sân khấu thế giới. Và ắt hẳn, quá trình tái tạo lại chiến lược của Mỹ với Trung Quốc là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Washington. Trong nhiệm kỳ 4 năm của cựu Tổng thống Trump, Mỹ đã duy trì quan hệ căng thẳng chưa từng có với Trung Quốc – đó là sự cạnh tranh đối đầu và rất ít hợp tác.

"Cách chính quyền Tổng thống Biden thể hiện với Trung Quốc có lẽ không rõ ràng như cựu Tổng thống Trump nhưng cũng sẽ không hoàn toàn khác", ông Blockmans nói.

Tổng thống Biden đang tập hợp các đồng minh của Mỹ nhằm thể hiện một mặt trận thống nhất đối phó với các thách thức, trong đó có vấn đề Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Biden sẽ vẫn khuyến khích quá trình hợp tác với Trung Quốc, giống như cách đã làm tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ