(Tổ Quốc) - Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 (MC12) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thúc đẩy nỗ lực giải quyết các vấn đề như đại dịch Covid-19, tình trạng mất an ninh lương thực và đánh bắt cá trên các vùng biển thế giới.
Trong Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 (MC12) diễn ra ở Geneva, Thụy Sỹ , bà Ngozi Okonjo-Iweala - Người đứng đầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự đoán thế giới đang đối mặt với "con đường gập ghềnh và đầy sỏi đá" ở phía trước. Theo hãng AP, các vấn đề như đại dịch Covid-19, tình trạng mất an ninh lương thực và đánh bắt cá trên các vùng biển thế giới là những chủ điểm trong chương trình nghị sự.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala hy vọng với sự tham gia của hơn 120 bộ trưởng từ 164 quốc gia thành viên, hội nghị sẽ thúc đẩy việc giảm bất bình đẳng, mang lại thương mại tự do và công bằng trên thế giới. Cùng với đó, hội nghị sẽ thúc đẩy việc giảm trợ cấp đánh bắt cá, tăng cường tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19, giải quyết vấn đề an ninh lương thực và thiết lập một lộ trình cải cách đối với chính tổ chức WTO.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala cũng bày tỏ lạc quan trong thận trọng về việc đạt được thỏa thuận liên quan đến các vấn đề như thủy sản hay vaccine Covid-19.
"Con đường phía trước sẽ gập ghềnh và khó khăn hơn. Chúng tôi sẽ điều chỉnh hướng đi và tìm cách để đến đích an toàn", bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh.
Thèo bà Okonjo-Iweala, hàng loạt các cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt như đại dịch Covid-19, khủng hoảng môi trường bao gồm hạn hán, lũ lụt và nắng nóng cũng như áp lực lạm phát đã gây ra tình trạng khan hiếm lương thực và giá nhiên liệu đắt đỏ. Theo đó, tình trạng giá cả leo thang sẽ tác động đến những người nghèo nhiều nhất.
"Chúng ta có lẽ đang đối mặt với dấu mốc lịch sử khó khăn trong bối cảnh hệ thống đa phương đang trở nên mong manh hơn. Đây là thời điểm để chúng ta nên đầu tư thay vì rút lui. Đây cũng là thời điểm để tập hợp ý chí chính trị cần thiết và chứng minh rằng WTO là một phần của giải pháp đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng cũng như những cam kết toàn cầu mà chúng ta đang đối mặt", bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh.
Theo Người đứng đầu WTO, các hoạt động thương mại có thể đã giúp khoảng 1 tỷ người thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Tuy nhiên, ở những quốc gia giàu có, hầu hết người nghèo thường đang bị bỏ lại phía sau.
Tìm kiếm một số đồng thuận mới
Bộ trưởng các nước tham gia hội nghị của WTO lần này sẽ xem xét việc dỡ bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đối với lương thực để giúp đỡ các nước đang đối mặt với tình trạng thiếu lúa mì, phân bón và các sản phẩm khác kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng lên. WTO cũng sẽ quyết định việc có hay không tăng cường hỗ trợ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc để giúp đỡ các nước khó khăn trên thế giới.
Bà Okonjo-Iweala cũng hy vọng các quốc gia thành viên có thể đưa ra quyết định đồng thuận hoặc có thể đạt được đồng thuận về việc tạm thời bỏ các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ của WTO đối với vaccine Covid-19.
Về vấn đề đánh bắt cá, một số chuyên gia và nhà ngoại giao khẳng định sau các nỗ lực hạn chế tình trạng đánh bắt cá quá mức trên các vùng biển thế giới trong hai thập kỷ, đã gần đạt được một số thỏa thuận. Dự thảo văn bản về nghề cá sẽ hạn chế các khoản trợ cấp của chính phủ cho các tàu đánh cá hoặc người lao động tham gia đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo với chính quyền.
"Thỏa thuận này rất quan trọng đối với 260 triệu người trên khắp thế giới đang phải phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào nghề cá.
"Đây được xem là trọng tâm của sự bền vững ở đại dương của chúng ta, nơi các nghiên cứu mới nhất cho thấy khoảng 50% sự trợ cấp của chúng tôi đang phục vụ cho tình trạng đánh bắt bất hợp pháp.
Trong quá khứ, các nước thành viên của WTO chỉ từng đạt được sự đồng thuận về một thỏa thuận cấp toàn cầu trong một lần duy nhất; đó là trường hợp của Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA) vào năm 2013.
Được thành lập từ năm 1995, WTO là tổ chức kế thừa từ Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại. WTO không tạo ra thỏa thuận thương mại lớn trong nhiều năm. Thỏa thuận cuối cùng đạt được cách đây gần một thập kỷ. Hội nghị MC12 đã bị hoãn hai lần do dịch Covid-19. Ban đầu hội nghị dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2020 tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan./.