• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức ép Mỹ khiến ông Macron xáo trộn trước chuyến thăm Nga

Thế giới 23/05/2018 09:51

(Tổ Quốc) - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến St Petersburg ngày 24/5 để tìm kiếm sự hợp tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo Reuters, tuy nhiên, trong bối cảnh mối quan hệ châu Âu-Mỹ đang căng thẳng về vấn đề Iran, nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ không có nhiều động lực để mang tới cho Tổng thống Pháp một thành công ngoại giao.

Tiêu điểm Syria, Ukraine và Iran

Một năm sau khi tiếp ông Putin tại Paris, ông Macron muốn tìm thấy điểm chung với Nga về vấn đề Syria và Ukraine trong chuyến thăm kéo dài hai ngày lần này, đồng thời, mở một cuộc đối thoại rộng hơn về Iran sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015.

Tatiana Kastoueva-Jean, giám đốc trung tâm Nga tại Viện Quan hệ Quốc tế tại Paris cho biết: “Sự yếu ớt của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương không mang lại cho ông Macron lập trường đủ mạnh để chống lại Putin.

"Ông Putin biết rằng đang có sự bất đồng trong khối phương Tây và ngay khi ai đó cho thấy sự yếu đuối, ông ấy sẽ khai thác nó."

Ông Macron đang đặt cược vào việc nuôi dưỡng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo như ông Putin để cho thấy sự gắn bó nhưng không mang tính ràng buộc và cố gắng hòa giải giữa các bên mà không làm bất cứ ai lo lắng.

Ông Macron có thể khó đạt được nhiều kì vọng trong chuyến thăm Nga lần này. 

Chính sách này hiện đang được kiểm nghiệm sau khi ông Trump bỏ qua các đồng minh thân cận của mình, thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Iran, rút khỏi hiệp ước khí hậu toàn cầu và đe dọa sức mạnh của EU bằng thuế quan đối với nhôm và sắt.

Động thái của Hoa Kỳ đã khiến Paris, London và Berlin đang xáo trộn trong việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran khi họ thấy rằng, lợi ích của họ không nhất thiết sẽ phù hợp với hai bên ký kết còn lại - Nga và Trung Quốc.

Ông Macron kì vọng sẽ thu hút tất cả các bên thành một khối lớn để giải quyết chương trình hạt nhân của Iran, sự lo ngại về hoạt động tên lửa đạn đạo và ảnh hưởng của Tehran tại khu vực.

"Rất nhiều điều cần phải làm để thuyết phục người Nga vì Moscow có lợi ích ở Trung Đông, đặc biệt là Syria, và quan điểm của họ đối với phương Tây là rất cứng rắn", một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp nói.

Thay vì đối đầu trực tiếp với ông Putin, ông Macron đã nhấn mạnh vào cuộc đối thoại riêng tư, đồng thời thúc đẩy khôi phục quan hệ kinh tế và văn hóa bất chấp sự trừng phạt của Liên minh châu Âu hiện tại đối với Moscow.

Được mời làm khách mời danh dự cho một diễn đàn kinh tế sẽ có sự tham gia của các công ty dầu lớn của Pháp như Total, ông Macron ngày 25/5 sẽ tham dự nhằm cải thiện quan hệ thương mại – trong bối cảnh xuất khẩu của Pháp phục hồi ổn định sau khi sụt giảm trong năm 2015.

Nhưng chiến lược này về tổng thể cũng có sự hạn chế. Trong năm ngoái, Moscow đã không thay đổi lập trường của mình tại Syria, nơi họ tiếp tục ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad về mặt quân sự, hoặc ở Ukraine, nơi chỉ mới tuần trước ông Putin đã khánh thành một cây cầu nối Nga với Crimea – sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Dù vậy, ngay cả sau khi Anh cáo buộc Nga thực hiện một cuộc tấn công bằng chất độc thần kinh nhằm vào một cựu điệp viên Nga trên lãnh thổ Anh – điều tiếp tục làm suy yếu mối quan hệ EU-Nga thì ông  Macron vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng, bất chấp sự khác biệt, việc  mặc dù có sự khác biệt, việc tẩy chay Moscow sẽ không mang lại kết quả.

"Tôi cảm thấy sự háo hức của một người đàn ông trẻ năng động và đầy tham vọng (Macron-pv) trong việc nhanh chóng tìm ra giải pháp cụ thể, nhưng thực tế sẽ phức tạp hơn hẳn. Giải pháp cho Syria và Ukraine không chỉ phụ thuộc vào chúng tôi hay người Pháp, mà còn nhiều bên khác", cựu đại sứ Nga tại Pháp Alexander Orlov nói với Reuters.

"Nhưng tuy nhiên, cách tiếp cận tích cực này là một phần của Tổng thống Macron ... và ông đã sẵn sàng hợp tác với Nga để tìm giải pháp."

Không có cà rốt hay chiếc gậy?

Rất ít dư luận nhìn thấy khả năng đột phá về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Pháp hy vọng rằng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran ở Syria và việc thiếu một quá trình chuyển đổi chính trị tại đây sẽ thúc đẩy ông Putin đặt ra một số nền tảng.

Nhưng phải nói thêm rằng, cho tới nay ông Putin chưa đưa ra nhiều động thái về vấn đề này. Cho tới nay, ông Macron đã gửi ít nhất hai lá thư cho Putin - một vào mùa hè năm ngoái và một vào cuối năm - phác thảo những lĩnh vực cụ thể mà ông tin rằng Putin có thể gây áp lực cho Assad để giảm bớt sức ép tiếp cận nhân đạo hiện tại. Còn ông Putin không có phản ứng rõ ràng.

Jalel Harchaoui, một nhà nghiên cứu địa chính trị tại Đại học Paris 8 cho biết: “một chiến lược ngoại giao Pháp hiệu quả phải đặt ra những đòn bẩy nào có thể sử dụng đối với các bên cứng rắn".  "Khi bạn thực hiện chính sách đối ngoại mà không có cà rốt hoặc cây gậy, đó là những gì bạn nhận được."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ