• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức ép Nga “phủ bóng” bất ngờ tới thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Thế giới 01/06/2018 21:54

(Tổ Quốc) - Tuyên bố không liên quan tới các cuộc đàm phán về thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhưng Nga vẫn giữ vai trò quan trọng trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Hôm thứ Năm (31/5), Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ sự lạc quan về những nỗ lực nối lại hội nghị thượng đỉnh đã bị hủy bỏ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, cùng thời điểm, cuộc gặp gỡ giữa ông Kim và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Bình Nhưỡng lại cho thấy, sự cạnh tranh của các cường quốc, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch mà Nhà Trắng đặt ra.

Mới đây, sau một cuộc thảo luận kéo dài 2,5 giờ đồng hồ tại New York với Tướng Kim Yong-chol, cựu giám đốc cơ quan tình báo Triều Tiên, đồng thời là một nhà đàm phán hàng đầu về vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Pompei tự tin rằng, mọi việc “đang đi đúng hướng”, và “nếu những cuộc nói chuyện này thành công, nó sẽ thực sự ghi dấu ấn trong lịch sử”. Còn hôm nay (1/6), ông Kim dự kiến sẽ có mặt tại Nhà Trắng, và trực tiếp trao cho Tổng thống Trump một lá thư từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đáng chú ý, một mặt tăng tốc các hoạt động ngoại giao trên lãnh thổ Mỹ, mặt khác, ông Kim Jong-un cũng không quên “chăm lo” cho mối quan hệ với một đối thủ của Mỹ, ngay tại Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mới đây đã trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của Nga gặp gỡ với nhà lãnh đạo Kim.

Ông Lavrov kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Triều Tiên – nội dung trọng tâm trong chiến lược của Mỹ nhằm lôi kéo Bình Nhưỡng vào bàn đàm phán; đồng thời ủng hộ các động thái tiến tới hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà Trắng từ chối bình luận về cuộc gặp mặt giữa ông Kim Jong-un và Ngoại trưởng Nga. Mặc dù ảnh hưởng của Nga lên Triều Tiên có vẻ ít hơn là so với Trung Quốc, tuy nhiên, hai quốc gia vẫn chia sẻ đường biên giới dài 17km. Các nhà phân tích cho rằng, Moscow đã phá hủy nỗ lực của cộng đồng quốc tế do Mỹ dẫn đầu, nhằm “bóp nghẹt” Bình Nhưỡng về mặt kinh tế - khi cho phép tàu Triều Tiên sử dụng các cảng của mình.

“Câu chuyện bí mật với Triều Tiên trong năm ngoái chính là, Nga vẫn luôn là một cái van an toàn cho họ,” Evan S. Medeiros, cựu cố vấn về châu Á cho Tổng thống Barack Obama, cho biết. “Đó là một trong những lý do khiến chiến dịch gây sức ép tối đa của ông Trump bị giảm hiệu quả”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Tại Mỹ, cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và Tướng Kim Yong-chol có vẻ như là một bất ngờ ngay cả đối với các nhân viên Nhà Trắng. Không có nhiều thông tin cụ thể được công bố trước thềm sự kiện. Đây là một chuyến thăm hiếm hoi tới Washington của một quan chức cấp cao Triều Tiên, kể từ khi Phó Nguyên soái Jo Myong-rok - lúc đó là nhân vật quyền lực thứ hai của Bình Nhưỡng, gặp mặt Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000.

Hôm 30/5, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên rằng, theo lệ thường, phái đoàn Triều Tiên có thể thông qua Ngoại trưởng Pompeo để trao thư cho Tổng thống. Việc người đứng đầu Nhà Trắng quyết định gặp riêng đặc phái viên Triều Tiên cho thấy, ông Trump sẵn sàng giữ vị trí trung tâm trong các cuộc đàm phán chủ chốt.

Michael Green, một cựu cố vấn về châu Á dưới thời Tổng thống George W. Bush đánh giá, hoạt động ngoại giao dồn dập đã khiến Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc đề xuất thực thi các lệnh trừng phạt mềm dẻo hơn đối với Triều Tiên.

“Mục tiêu của Triều Tiên là giảm bớt các trừng phạt, và nó đã bắt đầu đạt kết quả”, ông Green nói. “Những gì Bình Nhưỡng đặt trên bàn đàm phán hiện tại không cho thấy bất kỳ ý định nghiêm túc nào về giải giáp hạt nhân”.

Các đặc phái viên Mỹ và Hàn Quốc cũng đã  gặp gỡ tại Bàn Môn Điếm thuộc khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, trong khi một số nhóm quan chức khác đang tiến hành các cuộc thảo luận phục vụ công tác hậu cần, cho hội nghị thượng đỉnh hôm 12/6 tại Singapore.

Hàng loạt các sự kiện gặp mặt trên cho thấy sự thay đổi đáng kể sau những cuộc “đấu võ mồm” giữa Mỹ và Triều Tiên trong năm ngoái. Tuy nhiên, New York Times nhận định, khoảng cách giữa hai bên vẫn còn khá xa. Washington từng kiên quyết yêu cầu Bình Nhưỡng cam kết giải giáp hạt nhân nhanh và toàn bộ, mặc dù gần đây ông Trump có đề cập đến khả năng cho một quá trình giải giáp theo giai đoạn.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, với vai trò một nhà hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên, được cho là ủng hộ một tiến trình theo từng bước, bao gồm việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng nhằm đổi lấy các bước chắc chắn để dừng chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng có vẻ như cũng tán thành ý kiến này.

Cũng trong ngày 31/5, Ngoại trưởng Pompeo đã có những nỗ lực trấn an cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Không chỉ lo ngại về những tuyên bố ngoài dự đoán của ông Trump, Seoul và Tokyo còn bị “phân tâm” trước các thông tin rằng, Tổng thống Mỹ yêu cầu Lầu Năm góc chuẩn bị những kế hoạch rút quân khỏi Hàn Quốc.

Ông Pompeo tuyên bố, không có “khoảng cách” giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc giải quyết vấn vấn đề Triều Tiên. Ông cũng khẳng định, Mỹ biết và hiểu được những quan ngại của hai đồng minh trong khu vực.

Sung-Yoon Lee, một giáo sư tại Đại học Tufts nhận định, Triều Tiên sẽ tuân thủ theo kịch bản đặt ra là kêu gọi tiếp tục đối thoại và các cuộc gặp gỡ cá nhân; tuy nhiên, nước này sẽ không có được những nỗ lực thật sự để từ bỏ chương trình vũ khí của mình.

Sự có mặt của ông Lavrov tại Bình Nhưỡng là chuyến công du đầu tiên của một Ngoại trưởng Nga tới Triều Tiên trong gần một thập kỷ. Nó được đánh giá là động thái khẳng định những lợi ích lâu dài của Moscow trên bán đảo Triều Tiên trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Trước khi rời Moscow, ông Lavrov từng nói, Nga không liên quan tới các cuộc đàm phán về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tuy nhiên, Nga là một phần trong các cuộc thương lượng trước đó về vấn đề hạt nhân, và bản thân Moscow cũng tự đề cử mình vào vai trò nhà hòa giải giữa hai miền Nam và Bắc.

Ngoài ra, nên nhớ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã là một “bậc thầy” trong việc phát hiện và tận dụng các kẽ hở trong chính sách đối ngoại Mỹ. Phát ngôn viên Tổng thống Nga, Dmitri Peskov từng cho biết, vẫn còn sớm để thảo luận về thời điểm cho chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thủ đô nước Nga.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ