(Tổ Quốc) - Đối mặt với sự hồi phục chậm chạp sau Covid-19, TQ không còn nhiều tiền để cho vay đầu tư vào cơ sở hạ tầng siêu lớn ở châu Phi và các nơi khác trên thế giới”, PGS Crabtree nói.
Hoạt động cầm chừng
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông - SCMP), Bắc Kinh đang mong muốn tái khởi động các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường đã bị gián đoạn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng việc này có thể mất nhiều tháng vì hầu hết các quốc gia có dự án vẫn đang ưu tiên mọi nguồn lực để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.
Nhiều dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, dự án chủ lực trị giá nghìn tỷ USD của Bắc Kinh, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư của chính phủ Trung Quốc tại châu Á, châu Phi và châu Âu – đều đang trong tình trạng gián đoạn hoặc hoạt động cầm chừng.
Tuần trước, Bắc Kinh thông báo rằng khoảng 20% các dự án Vành đai và Con đường đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Theo ông Wang Xiaolong, Trưởng bộ phận kinh tế quốc tế tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khoảng 40% các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và 30-40% số dự án còn lại bị ảnh hưởng một phần. Tuy vậy, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tỏ ra lạc quan hơn, lưu ý rằng tác động của dịch bệnh này đối với các dự án là không lớn.
Trong cuộc họp Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường vào tuần trước, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Bắc Kinh muốn các dự án cơ sở hạ tầng chính của sáng kiến được khởi động lại càng sớm càng tốt để tạo việc làm cho người lao động và góp phần ổn định kinh tế tại các nước có dự án.
Ông Vương Nghị tiết lộ năm qua, 29 thỏa thuận hợp tác giữa các chính phủ đã được ký kết, nâng tổng số thỏa thuận loại này lên con số 200. Giá trị giao dịch hàng hóa giữa Trung Quốc và các quốc gia tham gia Vành đai và Con đường đã đạt 1,3 nghìn tỷ USD, tăng 6% so với năm ngoái và đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia này đã tăng 15 tỷ USD trong năm ngoái. Đây là những số liệu được Ngoại trưởng Trung Quốc công bố trong một cuộc họp trực tuyến thu hút đại diện từ hơn 25 quốc gia.
Ông này phát biểu rằng, bất chấp cuộc khủng hoảng Covid-19 nhưng thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia tham gia Vành đai và Con đường đã tăng 3,2% và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đã tăng 11,7% trong quý I năm nay. Theo công ty nghiên cứu và xuất bản Oxford Business Group, tính đến đầu tháng 1 năm nay, 2.951 dự án liên kết Vành đai và Con đường trị giá 3,87 nghìn tỷ USD đã được lên kế hoạch hoặc đang được triển khai trên toàn thế giới.
Dự án truyền hình ở Chongwe, tỉnh Lusaka, Zambia, là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và kết nối với các nước trên thế giới. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nhiều quốc gia ở Châu Phi và Châu Á đã không thể tiếp tục với các dự án cơ sở hạ tầng siêu lớn nhận nguồn vốn vay chủ yếu từ Bắc Kinh, bởi vì các nước này đang phải vật lộn với việc trả nợ. Tại Nigeria, một dự án đường sắt trị giá 1,5 tỷ USD đã phải gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID, trong khi nhiều dự án vay vốn của Trung Quốc tại Zambia, Zimbabwe, Algeria và Ai Cập đã phải tạm ngưng hoặc có thể bị trì hoãn khi các nước áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid.
Nhiều quốc gia vốn đã phải vay hàng tỷ USD từ Trung Quốc để triển khai các dự án cơ sở hạ tầng siêu lớn gồm hệ thống đường cao tốc, cảng, đập và đường sắt, hiện giờ đang đề nghị Bắc Kinh đóng băng hoặc xóa bỏ một số khoản nợ. Chính phủ Bắc Kinh đã cam kết với các nước châu Phi rằng sẽ xóa tất cả các khoản vay không lãi suất trong năm nay và yêu cầu các tổ chức tài chính Trung Quốc “tiến hành các cuộc thảo luận với các nước châu Phi về các thỏa thuận cho vay thương mại”.
Theo dữ liệu tổng hợp của Sáng kiến nghiên cứu Châu Phi Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế cao cấp Đại học Johns Hopkins, tổng số tiền Trung Quốc đã cho các nước Châu Phi vay là 152 tỉ USD trong khoảng thời gian từ năm 2000-2018.
Một số quốc gia châu Á gồm Malaysia, Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Campuchia và Sri Lanka gần đây đã ngừng triển khai hay hoạt động cầm chừng trong các dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Chẳng hạn, dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn trong việc triển khai xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 62 tỷ USD, đặc khu kinh tế Sihanoukville tại Campuchia và đường sắt cao tốc Jakarta- Bangung của Indonesia.
Ngân hàng Trung Quốc thận trọng
Hơn nữa, các ngân hàng chính sách của Trung Quốc gồm cả Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, hai ngân hàng tài trợ vốn cho hầu hết các dự án Vành đai và Con đường, hiện đang tỏ ra thận trọng hơn trong hoạt động cho vay.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, các ngân hàng Trung Quốc đã cắt giảm các khoản cho vay mới của dự án Vành đai và Con đường. Các dự án năng lượng trong năm ngoái đã bị cắt giảm nguồn vốn xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỉ qua.
Theo dữ liệu nghiên cứu của Sáng kiến Tòa cầu Trung Quốc của Đại học Boston, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chỉ cho vay 3 dự án với tổng trị giá là 3,2 tỷ USD trong năm 2019 - mức giảm lớn nhất kể từ năm 2008.
Điều này đánh dấu mức giảm 71% so với mức tăng 11 tỷ USD trong năm 2018 trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều những hoài nghi cho rằng Bắc Kinh đang tạo ra "bẫy nợ ngoại giao" đối với các nước vay nợ.
Các nhà phân tích cho rằng, vì hầu hết các dự án Vành đai và Con đường đều liên quan đến các hoạt động thực địa đòi hỏi số lượng lớn công nhân xây dựng, việc triển khai sẽ bị chậm trễ. Ông Bradley Park, Giám đốc điều hành của AidData, một tổ chức chuyên theo dõi hoạt động đầu tư và viện trợ của chính phủ Trung Quốc tại Đại học William& Mary, bang Virginia của Mỹ, cho biết do các ca nhiễm Covid-19 vẫn đang gia tăng, hoạt động xây dựng tại công trường chứa đựng rất nhiều rủi ro và khó khăn. “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang chứng kiến tốc độ triển khai các dự án chậm lại đáng kể”, ông Park nói.
Ông Park cho biết Trung Quốc cũng giảm hoạt động cho vay và chú trọng tới hiệu quả của các khoản vay đã được giải ngân. Theo ông, các khoản vay này đều tính lãi, vì vậy “khi các ngân hàng xét duyệt các đơn xin vay vốn, họ rất chú ý đến khả năng tạo doanh thu của người vay”. “Các ngân hàng Trung Quốc sẽ cố gắng hạn chế số lượng các khoản vay mới và tập trung vào việc giảm thiểu số lượng các khoản nợ xấu trong danh mục đầu tư hiện tại của họ”, ông Park nói.
James Crabtree, Phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tại Singapore, cho biết những ngày kiêu hãnh của Sáng kiến Vành đai và Con đường có lẽ đã qua rồi. “Đối mặt với sự hồi phục chậm chạp sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc không còn nhiều tiền để cho vay đầu tư vào cơ sở hạ tầng siêu lớn ở châu Phi và các nơi khác trên thế giới”, ông Crabtree nói. Ông cũng nói rằng chính phủ Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với áp lực lớn ở hai phía: một là từ các nước nghèo muốn xóa bỏ các khoản vay và từ các người dân trong nước không muốn tiền ngân sách được sử dụng ở nước ngoài thay vì phát triển kinh tế trong nước.
Hơn nữa, theo Martyn Davies, Giám đốc điều hành các thị trường mới nổi và châu Phi tại hãng tư vấn Deloitte ở Johnnesburg, Nam Phi nói rằng, các ngân hàng chính sách của Trung Quốc sẽ chú ý nhiều hơn tới độ rủi ro của các hoạt động cho vay. Ví dụ, khi các khoản nợ lớn trở thành vấn đề nghiêm trọng tại nền kinh tế châu Phi, các ngân hàng chính sách Trung Quốc hiện đã trở nên thận trọng hơn mỗi khi xét duyệt các khoản vay. Họ muốn thấy khả năng thương mại của các dự án và tính bền vững tài chính trước khi giải ngân.
Tại Kenya, Ngân hàng XNK Trung Quốc đã yêu cầu bên vay tiến hành một nghiên cứu khả thi thương mại trước khi được cấp vốn cho dự án xây dựng một tuyến đường đường sắt để nối Naivasha, một thị trấn ở thung lũng trung tâm, đến Malaba tại khu vực biên giới với Uganda. Ngân hàng này đã giải ngân cho các giai đoạn từ thị trấn ven biển Mombasa đến Nairobi sau đó đến Naivasha với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD.
Ông Davies cho biết, trước tình hình kinh tế khó khăn ở nhiều nước châu Phi, “các ngân hàng chính sách của Trung Quốc sẽ nhận được lợi ích tài chính giảm đi nhưng lợi ích chính trị tăng thêm”. “Đây thực sự là một bài kiểm tra về cam kết địa chính trị của Trung Quốc đối với lục địa đen”, ông này nhấn mạnh.
Ông Kevin Gallagher, Giáo sư chính sách phát triển toàn cầu tại Đại học Boston, cho biết, trong vài năm tới, chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm khoản đầu tư trong Sáng kiến Vành đai và Con đường ở nước ngoài.
Lý giải cho nhận định này ông nói, là do các yếu tố nội tại của nền kinh tế Trung Quốc như tăng trưởng kinh tế yếu, nhu cầu giảm sút mạnh vì suy thoát kinh tế toàn cầu và và gánh nặng nợ nần ngày càng tăng.