• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức mạnh của Nhật Bản ở Đông Nam Á suy yếu: Câu hỏi về Trung, Hàn?

Thế giới 08/06/2022 19:16

(Tổ Quốc) - Sự hiện diện của Nhật Bản đang lu mờ dần ở Đông Nam Á – khu vực là động lực của tăng trưởng toàn cầu.

Theo nhận định của tờ Nikkei Asia, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản về giá trị giao dịch thương mại với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hàn Quốc đang bắt kịp nhanh chóng xu hướng này. Tiến trình trên của hai ông lớn châu Á cũng tăng tốc một phần do Tokyo quyết định đóng cửa biên giới để ngăn chặn đại dịch virus corona.

Trung, Hàn nhanh chóng vượt lên

Nhật Bản lâu nay đã cạnh tranh với Mỹ để giành được vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 5 năm, từ năm 2003 đến 2008, trước khi Trung Quốc gia tăng giá trị thương mại của họ với khối này, theo Ban Thư ký ASEAN. Sau khi bỏ xa Nhật Bản vào năm 2009, Trung Quốc gần như tăng gấp 3 lần con số trên, và đạt vị trí dẫn đầu về giao dịch thương mại với ASEAN vào năm 2021.

Khi so sánh với Hàn Quốc, vào năm 2003, thương mại của ASEAN và Nhật Bản lớn gấp 3 lần giá trị giao dịch của khối này với Hàn Quốc. Tuy nhiên, khoảng cách này thu hẹp xuống còn 1,3 lần vào năm 2021.

Đầu tư trực tiếp hàng năm của Nhật Bản vào ASEAN đạt tổng cộng 14,85 tỷ USD trong năm 2012, lớn thứ ba sau giá đầu tư của nội bộ khu vực và của Mỹ vào khối này. Tuy nhiên, giá trị đầu tư của Nhật Bản đã giảm xuống vị trí thứ sáu, ở mức 8,52 tỷ USD vào năm 2020.

Sức mạnh của Nhật Bản ở Đông Nam Á suy yếu: Câu hỏi về Trung, Hàn? - Ảnh 1.

Ảnh hưởng của Nhật Bản tại Đông Nam Á đang vấp phải cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung, Hàn, Mỹ. Ảnh: Nikkei Asia.

Sự hiện diện ngày càng giảm của Nhật Bản cũng có thể được nhìn thấy trong sự di chuyển dân cư. Vào năm 2020, Nhật Bản chiếm 10% số du khách đến thăm các nước ASEAN từ các nước châu Á khác. Con số này đã giảm đi nhiều so với số liệu năm 2012 là 16%. Các chuyến thăm của quan chức chính phủ cấp cao và giám đốc điều hành doanh nghiệp cũng đã giảm do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt Covid-19 của Tokyo mà một số người chế giễu là "chính sách đóng cửa."

Trong một cuộc khảo sát năm 2022 của Viện tham vấn chính sách ISEAS Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, chỉ 2,6% các chuyên gia chính sách và các nhà tham vấn ở các quốc gia ASEAN coi Nhật Bản là "cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất", một con số quá thấp khi so với tỷ lệ 77% về Trung Quốc. Trong cuộc khảo sát năm 2019, tỷ lệ tương tự về Nhật Bản là 6,2%.

Vị thế từ sự hỗ trợ quá khứ

Tuy nhiên, vị thế của Nhật Bản chủ yếu nằm ở đóng góp kinh tế trong quá khứ của nước này cho khu vực, các chuyên gia nhận định. Trong khi tỷ trọng đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào ASEAN ngày càng giảm, nước này vẫn nổi bật về tổng vốn đầu tư tích lũy.

Nhật Bản đã giúp các nền kinh tế Đông Nam Á phát triển nhờ viện trợ tài chính từ sau Thế chiến II. Từ năm 1999 đến năm 2019, Nhật Bản đã phân bổ 15% tổng giải ngân ròng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức cho ASEAN. Trung Quốc thường yêu cầu các nước nhận viện trợ mua sắm vật tư và thiết bị từ nước này, nhưng Nhật Bản nói chung đã không kèm theo các điều kiện đó.

Các chuyên gia cho biết, mặc dù Tokyo có ảnh hưởng trong khu vực nhờ những đóng góp của nước này đối với sự phát triển của khu vực, Nhật Bản không thể tiếp tục "ngủ quên trên chiến thắng".

Yuri Sato, một nhà nghiên cứu tại Viện các nền kinh tế đang phát triển thuộc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản cho biết: "Nhật Bản có xu hướng nghĩ rằng mối quan hệ gắn bó sâu sắc của họ với ASEAN, được vun đắp trong hơn nửa thế kỷ qua, là một điều đặc biệt. Nhưng xã hội liên tục thay đổi, và Nhật Bản cũng nên đổi mới nhận thức của mình về Đông Nam Á."

Các đối thủ đang tận dụng thời cơ

Các đối thủ của Nhật Bản đang nhanh chóng mở rộng sự hiện diện của họ trong khu vực. Ngoại giao vắc xin là một trường hợp điển hình. Trong khi Nhật Bản thất bại trong việc phát triển vắc-xin COVID-19, Bắc Kinh đã gửi hơn 500 triệu liều vắc-xin do nước này sản xuất đến ASEAN, giúp giảm bớt lo lắng của công chúng trước đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm của biến thể Delta.

Giờ đây, Nhật Bản cũng trở nên khó cạnh tranh với Trung Quốc về khối lượng sản xuất khi nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp ba lần Nhật Bản.

Một chuyên gia cho biết niềm tin là một điều mà Nhật Bản vẫn có thể giành được vị thế được trong khu vực. Trong cuộc khảo sát năm 2022 của ISEAS, 54% người được hỏi cho rằng Nhật Bản là quốc gia "làm điều đúng đắn" để giúp thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trên toàn thế giới, trong khi chỉ 27% chọn Trung Quốc. Mọi người rõ ràng đang bị ảnh hưởng bởi các chiến thuật mạnh tay của Bắc Kinh ở Biển Đông và các nơi khác.

Chuyên gia Sato nói: "Những người ở độ tuổi 40 và 50 đã trưởng thành cùng với các thương hiệu và các giá trị mềm của Nhật Bản, và nhìn chung có ấn tượng tốt về Nhật Bản. Nhật Bản nên tận dụng lòng tin của họ trong khi điều đó vẫn đang được duy trì". Ông Sato cũng cho rằng giáo dục và giao lưu thanh niên là hai lĩnh vực có thể giúp Nhật Bản gia tăng ảnh hưởng.

Một chuyên gia khác cũng cho biết, trong khi tầm quan trọng về địa chính trị của Đông Nam Á đang gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine chưa có điểm dừng, Nhật Bản cần khẩn cấp xây dựng lại quan hệ với ASEAN, vì sự hiện diện ngày càng giảm ở đây có thể làm xói mòn sức mạnh ngoại giao của nước này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ