(Tổ Quốc) - Các nhà khoa học Trung Quốc đang thực hiện các cuộc thử nghiệm mô phỏng hạt nhân với số lượng nhiều hơn so với Mỹ.
Trong bối cảnh các cường quốc hàng đầu thế giới phát triển kho vũ khí “khả dụng” thế hệ tiếp theo, các nhà khoa học Trung Quốc đang thực hiện các cuộc thử nghiệm mô phỏng hạt nhân với số lượng nhiều hơn so với Mỹ.
Trung Quốc đang tích cực phát triển thế hệ vũ khí hạt nhân tiếp theo, tiến hành trung bình 5 vụ thử nghiệm/tháng để mô phỏng các vụ nổ hạt nhân, theo số liệu từ một viện nghiên cứu vũ khí lớn của Trung Quốc.
Số lượng các vụ thử nghiệm mô phỏng của Bắc Kinh trong những năm gần đây vượt xa so với Hoa Kỳ - với con số trung bình là chưa tới 1 lần/tháng.
Từ tháng 9/2014 - 12/2017, Trung Quốc đã thực hiện khoảng 200 thực nghiệm trong phòng thí nghiệm mô phỏng hiện tượng vật lý nguy hiểm của vụ nổ hạt nhân, Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc cho biết trong một tài liệu được chính phủ công bố hồi đầu năm nay và tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng mới tiếp cận được tháng trước.
Du khách đến thăm nơi từng là một cơ sở hạt nhân của Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Trong khi đó, Mỹ chỉ thực hiện 50 vụ thử nghiệm như vậy từ năm 2012 - 2017 - theo Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore.
Nguy cơ bùng nổ cuộc chiến hạt nhân
Các chuyên gia cảnh báo, khi Trung Quốc tham gia cùng với Mỹ và Nga trong việc tăng cường vũ khí hạt nhân nhằm ngăn chặn các mối đe dọa tiềm ẩn, cuộc chạy đua vũ trang sẽ thực sự dẫn tới kết quả ngược lại là gia tăng nguy cơ xung đột hạt nhân.
Các quan chức Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ muốn các kẻ thù của mình tin rằng họ thực sự có thể sử dụng vũ khí thế hệ mới, chẳng hạn như các đầu đạn chiến thuật nhỏ hơn, thông minh hơn được thiết kế để hạn chế thiệt hại bằng cách phá hủy các mục tiêu cụ thể.
Nhưng với những vũ khí tương đối an toàn hơn và ít bị phá hủy hơn trong tay, các chính phủ có thể sẽ đánh mất đi sự tự hạn chế trong việc sử dụng chúng.
"Việc sử dụng đầu đạn nhỏ sẽ dẫn đến việc sử dụng chúng với kích thước ngày một lớn hơn", chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh Li Jie nói với tờ SCMP.
Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc dường như sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân của mình, vẫn cần thiết để phát triển chúng, ông nói.
“Nếu các nước khác sử dụng vũ khí hạt nhân đối với chúng tôi, chúng tôi phải đáp trả. Đây có lẽ là lý do tại sao cần nghiên cứu để phát triển vũ khí mới. ”
Mặc dù lệnh cấm quốc tế ngăn không cho vũ khí hạt nhân được thử nghiệm - với các ngoại lệ như Triều Tiên - các cường quốc hạt nhân lớn vẫn có thể tiếp tục tiến hành các thử nghiệm mô phỏng.
Thực hư sức mạnh hạt nhân Trung Quốc
Nhưng số lượng các thử nghiệm mô phỏng của Trung Quốc nhiều hơn không có nghĩa là họ đi trước Mỹ trong phát triển vũ khí hạt nhân, theo Giáo sư Wang Chuanbin của Đại học Công nghệ Vũ Hán.
Trên thực tế, số lượng các vụ thử đạn thật của Trung Quốc ít hơn nhiều so với Mỹ, giáo sư Wang cho biết.
Hoa Kỳ đã kích nổ hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân kể từ năm 1945 còn Trung Quốc chỉ thực hiện 45 thử nghiệm đạn hạt nhân thật bắt đầu từ năm 1964. "Có thể chúng tôi đang vội vàng để bắt kịp (Mỹ)", Wang nói.
Dù vậy, nếu các vụ thử mô phỏng liên tục của Trung Quốc dấy lên một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới bằng cách gia tăng hành động phản đối từ Mỹ, “đó sẽ là tin xấu đối với mọi người”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể đã vượt Mỹ trong một số lĩnh vực quan trọng về nghiên cứu vũ khí hạt nhân, theo nhà nghiên cứu Luo Guoqiang.
"Một phần từ nhận định này đến từ những đột phá kỹ thuật, và một phần từ sự hỗ trợ tài chính tăng lên từ chính phủ", Luo nói.
Các vụ thử nghiệm mô phỏng được thực hiện để cung cấp cho các nhà khoa học dữ liệu họ cần để phát triển vũ khí hạt nhân tiên tiến.
Trong quá khứ, các nhà nghiên cứu đã sử dụng siêu máy tính để thu thập dữ liệu lịch sử bắt nguồn từ các thử nghiệm hạt nhân trực tiếp được thực hiện trước khi lệnh cấm quốc tế được áp dụng trong những năm 1990.
Nhưng các công nghệ mới nổi lên trong những năm gần đây, chẳng hạn như những thiết bị siêu thanh và trí thông minh nhân tạo, đã mở ra cánh cửa cho sự phát triển vũ khí hạt nhân mới có thể có kích thước nhỏ hơn và chính xác hơn.
Những vũ khí mới này được coi là “khả dụng” hơn cho các nhiệm vụ chiến thuật như phá hủy một hầm ngầm trong khi tạo ra ít bụi phóng xạ hơn.
Và mặc dù chúng không mang tính phá hủy và không thể xóa sạch toàn bộ thành phố như những “người tiền nhiệm”, chúng vẫn mạnh hơn nhiều so với vũ khí thông thường.
Cạnh tranh hạt nhân với Mỹ, Nga
James Lewis, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên Cứu chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết một vòng mới của cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân đã bắt đầu, mặc dù dư luận vẫn chưa bắt kịp thực tế nghiệt ngã này.
Nhà Trắng đang xem xét kế hoạch trị giá 1,2 nghìn tỷ USD nâng cấp kho dự trữ hạt nhân của mình. Đầu năm nay, Lầu Năm Góc thông báo họ sẽ phát triển vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp mới để gắn vào tên lửa hành trình thông thường và tên lửa được phóng bởi tàu ngầm.
Những phát triển này là một phản ứng trước những hành động của Nga, theo Lewis.
Chính phủ Nga dưới thời ông Vladimir Putin trong những năm gần đây đã tiết lộ một loạt các chương trình vũ khí hạt nhân mới, bao gồm vũ khí nhỏ hơn, cũng như một siêu ngư lôi có khả năng quét sạch các thành phố ven biển.
“Tôi không hiểu rõ chương trình của Nga có những bước tiến như thế nào, nhưng nó đã khuấy động mọi người về đề tài này,” Lewis nói.
Các quan chức Mỹ cho biết họ muốn kho vũ khí hạt nhân của Mỹ trở thành một lực lượng "đáng tin cậy" ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Chính quyền Donald Trump cũng sẵn sàng hơn các chính quyền trước đây để thảo luận về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Sau một số cuộc tranh luận, Mỹ đã quyết định cần suy nghĩ về các đầu đạn, mà không cần thử nghiệm thực tế", ông Lewis nói. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc nhìn thấy tất cả điều trên và quyết định rằng họ cần tiếp cận tốt hơn đối với tình hình này."
Thế hệ vũ khí hạt nhân chiến thuật mới của Trung Quốc được thiết kế để sử dụng trong các trận chiến tầm gần, ví dụ bằng cách quét sạch toàn bộ một đội tàu sân bay.
Vào tháng 2, ngay sau khi Mỹ công bố chính sách vũ khí hạt nhân mới, tờ Hoàn cầu của Trung Quốc đã công bố một bài xã luận nói rằng Trung Quốc sẽ xem xét nghiêm túc việc công bố chương trình vũ khí hạt nhân công suất thấp để đáp trả cuộc chạy đua vũ trang mới.
"Trung Quốc cần một chính sách mới để đối phó với một tình huống mới", tờ báo này cho biết.
Nhưng chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh Li Jie nói rằng, sau nhiều năm phát triển nhanh chóng, các lực lượng quân sự thông thường của Trung Quốc có khả năng bảo vệ lợi ích của quốc gia trong các khu vực tranh chấp mà không phải sử dụng các lựa chọn hạt nhân.
Cơ hội để Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân ngay trước cửa nhà là điều xa xôi, Li nói, không chỉ bởi vì Bắc Kinh đã cam kết sẽ không bao giờ là người đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân bất kể hoàn cảnh nào.
"Chính phủ nên cố gắng tránh cuộc đua vũ khí hạt nhân thay vì leo thang nó", ông nói.