• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức mạnh Nga dồn dập đổ bộ lục địa đen

Thế giới 17/10/2018 15:19

(Tổ Quốc)- Nga đang có nhiều động thái tăng cường sự hiện diện quân sự, kinh tế, ngoại giao tại lục địa đen.

Khi Cộng hòa Trung Phi (CAR) vào năm ngoái kêu gọi giúp đỡ để chống lại các lực lượng dân quân nổi dậy, Pháp đã đề nghị cung cấp súng mà họ thu giữ được ở Somalia. Nga phản đối điều này và thay vào đó, hỗ trợ vũ khí của chính mình.

Vào đầu tháng 2, Nga đã gửi 9 máy bay cùng với hàng chục nhà thầu quân sự tới CAR để tham gia huấn luyện binh lính địa phương và đảm bảo an ninh cho các dự án khai thác mỏ - đánh dấu sự khởi đầu của cuộc "đột nhập" quân sự mức cao nhất ở vùng cận Sahara trong nhiều thập kỷ.

Việc tiến tới một quốc gia từng là thuộc địa của Pháp trong nhiều năm được cho là một tuyên bố về ý định tăng cường uy tín và ảnh hưởng toàn cầu mới của Moscow, và là một phần của chiến dịch rộng lớn hơn thay đổi cán cân quyền lực lâu đời trên lục địa đen.

Sức mạnh Nga dồn dập đổ bộ lục địa đen - Ảnh 1.

Châu Phi là một đồng minh hấp dẫn với Nga. (Nguồn: Reuters)

Kể từ khi các quốc gia phương Tây trừng phạt Nga về việc sáp nhập Crimea vào năm 2014, Moscow đã ký 19 thỏa thuận hợp tác quân sự ở vùng châu Phi cận Sahara, bao gồm Ethiopia, Nigeria và Zimbabwe, theo các bộ quốc phòng và ngoại giao các nước cùng nhiều phương tiện truyền thông.

Châu Phi có 54 thành viên tại Liên hợp quốc và có 3 ghế trong Hội đồng Bảo an tại bất kỳ thời điểm nào – điều khiến họ trở thành đồng minh hấp dẫn đối với Nga.

"Phương Tây không được nhiều quốc gia yêu mến. Và nhiều nước (xem) Nga là quốc gia đối lập với phương Tây, "Dmitri Bondarenko, một nhà nhân chủng học và sử gia tại Viện Nghiên cứu Châu Phi của Nga cho biết.

Bên cạnh việc gửi vũ khí và nhà thầu cho CAR, một công dân Nga Valery Zakharov đang là cố vấn an ninh cho Tổng thống CAR Faustin-Archange Touadera và Bộ Quốc phòng Nga cho biết tuần trước họ lên kế hoạch thành lập một nhóm đại diện năm người tại Bộ Quốc phòng của CAR.

Động thái của Nga đến vào thời điểm ảnh hưởng của Bộ Quốc phòng đối với chính sách đối ngoại của Kremlin đang tăng lên giữa tình cảnh căng thẳng giữa nước này với phương Tây tăng cao.

Đường vào CAR

Khi CAR đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ vũ khí vào năm 2017, đã có sự thừa nhận rộng rãi rằng, cuộc xung đột sắc tộc ở đây có thể trở thành một cuộc xung đột lớn hơn và lực lượng an ninh của chính phủ CAR đang quá yếu khi đối phó với nhiều nhóm vũ trang.

CAR đã bị cấm vận vũ khí từ năm 2013 nên các lô hàng vũ khí phải được ủy ban trừng phạt CAR của Hội đồng Bảo an LHQ chấp thuận.

Pháp là bên đầu tiên đề nghị giúp CAR mua vũ khí cũ nhưng đề xuất này quá đắt đỏ. Sau đó, Pháp đã đề nghị cung cấp 1.400 khẩu súng trường AK47 thu giữ được từ Somalia vào năm 2016.

Nga phản đối điều này với lý do vũ khí bị tịch thu vì vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc tại Somalia không thể được tái sử dụng ở một nước khác cũng đang bị cấm vận, hai nhà ngoại giao cho biết.

Nhưng lưu ý đến sự cần thiết phải có một giải pháp nhanh chóng, ủy ban trừng phạt đã thông qua việc tặng các khẩu AK47, súng trường bắn tỉa, súng máy và súng phóng lựu của Moscow cho CAR vào tháng 12 năm ngoái, theo các tài liệu của ủy ban trừng phạt và các nhà ngoại giao.

"Chúng tôi đã trình bày vấn đề của chúng tôi và Nga đề nghị giúp đỡ, tùy thuộc vào sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an," Albert Yaloke Mokpeme, người phát ngôn của tổng thống CAR nói. "Nếu hòa bình được khôi phục vào ngày mai trong CAR, tôi nghĩ mọi người sẽ hạnh phúc."

Còn Bộ ngoại giao Pháp lên tiếng cho biết Nga phải nghiêm chỉnh tôn trọng các điều khoản của việc miễn trừ cấm vận vũ khí để những vũ khí này không rơi vào tay các lực lượng đối lập.

Nga, Trung vượt thế Mỹ?

Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã có những quan hệ quân sự và ngoại giao chặt chẽ với nhiều nước châu Phi và Nga hiện đang cố gắng làm sống lại mối quan hệ này. Cùng với một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE, Nga cũng đang tìm cách thiết lập các căn cứ ở châu Phi, đóng vai trò trung gian trong các thỏa thuận ngoại giao và thực hiện các giao dịch kinh doanh.

Trung Quốc từ lâu đã có một sự hiện diện kinh tế lớn ở châu Phi nhưng họ né tránh bất kỳ sự tham gia quân sự nào. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã đi một bước xa hơn vào năm ngoái, mở căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti.

Cam kết của Washington đối với châu Phi là vững chắc nhưng vẫn "có không gian cho các quốc gia khác đóng một vai trò tích cực trong khu vực"

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề châu Phi Tibor Nagy

Khi Djibouti không đồng ý để Nga thiết lập căn cứ ở đây, Moscow hiện đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm hậu cần tại một cảng ở Eritrea lân cận.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov vào tháng 3 cũng đã có một chuyến công du 5 nước châu Phi, tham dự một hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi vào tháng 6 và thăm Rwanda, chủ tịch năm nay của Liên minh châu Phi.

Nga cũng đã thực hiện các thỏa thuận hợp tác quân sự với nhiều nước châu Phi kể từ năm 2015, mặc dù một số nước vẫn chưa có hiệu lực. Các thỏa thuận thường liên quan đến việc cung cấp vũ khí và đào tạo trong các lĩnh vực như chống khủng bố và cướp biển.

Như trong Chiến tranh Lạnh, các thỏa thuận quân sự có thể đi cùng với các liên kết kinh tế, chẳng hạn như các hiệp định khai thác mỏ và năng lượng. Và Ethiopia đã ký một thỏa thuận như vậy vào tháng 4, một tháng sau khi ông Lavrov đến thăm để thảo luận về các dự án năng lượng hạt nhân, nông nghiệp và giao thông.

Các công ty Nga cũng đã ký thỏa thuận về khoáng sản ở Sudan- nơi đang hợp tác với Moscow về công nghệ quốc phòng, và Nga đang xem xét các dự án kim cương và bạch kim tại Zimbabwe cũng như các dự án năng lượng ở Chad.

Trong thập kỷ qua, thương mại Nga với châu Phi cận Sahara đã tăng nhanh, mặc dù vẫn còn ở mức thấp. Từ năm 2010-2017, tổng số giao dịch đã tăng lên 4.2 tỷ USD/ năm một năm từ 1.6 tỷ USD/năm, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế www.csis.org.

Trong cùng thời gian này, tổng thương mại của Trung Quốc với vùng châu Phi cận Sahara tăng gần gấp đôi lên 165 tỷ USD trong khi thương mại của Mỹ giảm hơn một nửa xuống còn 37 tỷ USD.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề châu Phi Tibor Nagy đã từng cho biết, cam kết của Washington đối với châu Phi là vững chắc nhưng vẫn "có không gian cho các quốc gia khác đóng một vai trò tích cực trong khu vực".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ