• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức mạnh tên lửa Kalibr của Nga ở Địa Trung Hải: Ba mục tiêu chính

Thế giới 22/05/2018 16:00

(Tổ Quốc) - Việc triển khai đội tàu chiến của Hải quân Nga tại Biển Địa Trung Hải là nhằm duy trì sự ổn định của Syria, bảo vệ biên giới phía nam của Nga và phục vụ như một "lực lượng hỗ trợ " cho Hạm đội Biển Đen.

Nhiệm vụ của các tàu chiến Nga- được trang bị tên lửa hành trình 3M-54 Kalibr – đang hiện diện tại Biển Địa Trung Hải trong chế độ chờ cố định - có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ, không chỉ là đối đầu với mối đe dọa khủng bố trong khu vực Trung Đông, các nhà phân tích nói với Sputnik.

"Do mối đe dọa vẫn đang hiện hữu từ các cuộc tấn công của những kẻ khủng bố quốc tế ở Syria, các tàu của chúng ta - mang theo tên lửa hành trình Kalibr sẽ được triển khai liên tục tại Biển Địa Trung Hải", Tổng thống Vladimir Putin thông báo tại cuộc họp với các quan chức Bộ Quốc phòng hôm 16/5, và nói rõ rằng 102 hành trình của các tàu quân sự Nga đã được lên kế hoạch diễn ra trong năm 2018.

Phòng thủ “điểm yếu” của Nga

Theo Konstantin Sivkov, một nhà phân tích quân sự và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhiệm vụ của Kalibr không chỉ dừng ở đây. Vũ khí tầm xa mạnh mẽ của Nga cũng có thể bảo vệ "chỗ yếu" của Nga trước một kẻ thù tiềm năng.

Tên lửa Kalibr của Nga được phóng trên tàu chiến.

"Trong Chiến tranh Lạnh, đội tàu hoạt động thứ 5 của Hải quân Liên Xô đã thường xuyên hiện diện tại Biển Địa Trung Hải," Sivkov cho biết. "Các tàu sân bay Mỹ có thể tiến hành các cuộc tấn công vào Liên Xô từ phần phía đông vùng biển này bằng cách băng qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. “Chỗ yếu” phía nam [của Nga] đã bị đe dọa. Do đó, nhiệm vụ chính của tàu và tàu ngầm của  hải đội trên là ngăn chặn nguy cơ kẻ thù xâm nhập và [tấn công Nga] trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. "

Nhà phân tích quân sự này cũng tin rằng, lực lượng đặc nhiệm Hải quân Nga Địa Trung Hải có những mục tiêu tương tự và tên lửa hành trình Kalibr giúp tăng cường khả năng chiến đấu của hải đội.

Vào giữa tháng 5, tàu khu trục Yaroslav Mudry lớp Neustrashimy đã theo sát tàu sân bay USS Harry S. Truman – lúc đó đang thực hiện nhiệm vụ ở phần phía Đông của Biển Địa Trung Hải. Kênh ITV của Anh nhận xét, cả hai đã "chơi trò mèo và chuột" trong khu vực. Trên thực tế, tàu khu trục Nga đóng vai trò "tàu theo dõi trực tiếp".

Sivkov giải thích, trong trường hợp xung đột, một "tàu theo dõi trực tiếp" có thể chuyển tọa độ của nhóm tàu sân bay đối phương (CSG) sang cho lực lượng chỉ huy của mình.

"Lúc này, hải đội có Kalibrs sẽ hữu ích", nhà phân tích quân sự này nhấn mạnh. "CSG sẽ bị tấn công bởi các tên lửa hành trình được phóng từ các tàu trên mặt đất, các tàu ngầm hạt nhân Project 949 được triển khai tại Địa Trung Hải, và các tàu ngầm Varshavyanka chạy bằng điện diesel (Dự án 636.3). Không quân Nga sẽ hỗ trợ hạm đội. Tiêm kích Su-34 và Su-24 sẽ rời sẽ căn cứ không quân Hmeymim. Chúng sẽ xuất hiện cùng chiến đấu cơ mang tên lửa Tu-22M3. "

Hỗ trợ Hạm đội Biển Đen

Tuy nhiên, một lý do khác dẫn tới việc tăng cường sự hiện diện của hải đội Kalibr là sự cần thiết trong việc hỗ trợ Hạm đội Biển Đen trong trường hợp gia tăng căng thẳng với khối NATO. Vấn đề là khi liên minh phương Tây tiến sát eo biển Bosporus, các tàu Hạm đội Biển Đen sẽ bị chặn đường di chuyển.

Trong những trường hợp này, các tàu chiến được trang bị Kalibr sẽ trở thành một yếu tố không thể thiếu.

"Tầm bắn ấn tượng của tên lửa hành trình [Kalibr] đủ lớn để giải quyết một loạt các nhiệm vụ," Alexei Leonkov, một cựu nhân viên của viện Nghiên cứu thuộc Không quân vũ trụ Nga, nói với Sputnik. " Kalibr có thể phóng đến bờ biển Malta cũng như một phần của Vịnh Ba Tư và hầu hết lãnh thổ của các quốc gia ven biển và Kênh đào Suez."

Ông nhấn mạnh rằng nếu cần thiết, các tàu chiến Nga (mang theo Kalibr) có thể đến để giải cứu Ấn Độ, một đồng minh trong BRICS. Các tên lửa hành trình tầm xa Kalibr sẽ cho phép lực lượng đặc nhiệm Địa Trung Hải tiến hành các hoạt động chiến lược khác nhau và ngăn chặn nhiều kẻ thù tiềm năng.

“Gia đình” Kalibr bao gồm tên lửa hành trình (LACM) với tầm bắn lên đến 2,5 nghìn km, cũng như các tên lửa chống tàu đạt tốc độ siêu thanh trên Mach 2 trong phần cuối của quỹ đạo; các ngư lôi chống tàu ngầm Kalibr có thể đánh trúng các tàu ngầm của địch.

Lầu Năm Góc đã phản ứng với việc triển khai gần đây của Nga ở Địa Trung Hải.

Vào ngày 17/5, Chuẩn Đô đốc James Foggo III, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi nói với Sputnik rằng, trong khi Hải quân Mỹ không có ý định tìm kiếm một cuộc xung đột với Nga, họ đã chuẩn bị để bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực.

"Lực lượng hàng hải của chúng tôi đã sẵn sàng và chuẩn bị sẵn sàng để phòng thủ. Chúng tôi, tuy nhiên, không tìm kiếm xung đột với các lực lượng khác hoạt động trong khu vực," Foggo nói.

Nhận xét về thông điệp trên, Leonkov cho rằng, Lầu Năm Góc không hài lòng với thực tế là có những cường quốc khác sở hữu tên lửa hành trình tầm xa ngang bằng với Tomahawks của họ.

Nhà phân tích này nhấn mạnh rằng trước đó, liên minh do Mỹ lãnh đạo đã tiến hành cuộc tấn công tên lửa ngày 14/4 nhắm tới Syria từ một điểm xa xôi ở Biển Địa Trung Hải để tránh khu vực được bảo vệ bởi Kalibrs của Nga trong khu vực.

"Vị trí bắn là không phù hợp, và thời gian bay đến mục tiêu là rất lớn", Lenkov lưu ý. "Điều này cho phép các đơn vị phòng không của Syria chuẩn bị và ngăn chặn các tên lửa một cách hiệu quả."

Bộ Quốc phòng Nga sau đó báo cáo rằng, trong số 103 tên lửa được liên minh do Mỹ dẫn đầu bắn ra, Syria đã chặn được 71 tên lửa.

Đồng thời, các hoạt động của Hải quân Nga dọc theo đường bờ biển xa xôi là cơ hội đào tạo tuyệt vời cho các thủy thủ đoàn, nhà phân tích nhận xét.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ