• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Syria “kết liễu” Daraa, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh cáo nguy cơ bùng nổ Idlib

Thế giới 04/07/2018 15:20

(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ đang lên tiếng cảnh báo Damascus không tấn công vào khu vực Idlib –hiện do phe đối lập được nước này hỗ trợ kiểm soát.

Thổ Nhĩ Kỳ đang lên tiếng cảnh báo Damascus không tấn công vào khu vực Idlib –hiện do phe đối lập được nước này hỗ trợ kiểm soát. Động thái này diễn ra khi chính quyền Syria đang tăng cường chiến dịch chống lại lực lượng nổi dậy ở Daraa.

Một cố vấn cấp cao của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nói chuyện với VOA với điều kiện giấu tên, tuyên bố Ankara sẽ không để yên nếu Damascus chuyển hướng tấn công sang Idlib. "Idlib là một lằn ranh đỏ của chúng tôi. Như các bạn đã biết, chúng tôi có lực lượng triển khai ở đó," cố vấn cho biết.

Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập 12 đồn quan sát quân sự trên khắp tỉnh Idlib, giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ, như một phần của thỏa thuận với Tehran và Moscow theo khuôn khổ các cuộc đàm phán hòa bình Astana.

Khu vực “Giảm leo thang” bất ổn

Idlib, giống như Daraa, được nêu trong hòa đàm Astana như một "khu vực leo thang", nơi các lực lượng chính phủ và nổi dậy thực hiện một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, lực lượng Damascus và phe nổi dậy luôn cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn này. "Có, có vấn đề trong việc công nhận các khu vực giảm leo thang, Chúng tôi đang nhìn thấy các khu vực giảm leo thang không được tôn trọng," cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Idlib là một trong những khu vực cuối cùng nằm trong tay phe nổi dậy Syria.

Các nhà phân tích cảnh báo bất kỳ mối đe dọa nào đối với Idlib đến từ lực lượng chính quyền Syria có thể gây ra một kịch bản ác mộng cho Ankara. “Thổ Nhĩ Kỳ có sức ảnh hưởng tới một nửa Idlib, bao gồm thành phố Idlib, có 2 triệu người. 12 đồn quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ lực lượng nổi dậy và gia đình của họ, cũng các nhóm Hồi giáo Sunni không thỏa thuận với Damascus, ” cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Aydin Selcen nói.

Selcen nói thêm: "Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết tâm tránh để khu vực này bị tàn phá, vì những người này không có nơi nào để đi ngoài cách đến Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không muốn điều này xảy ra, vì nó sẽ gây ra vấn đề an ninh và nhân đạo."

Các chuyên gia cảnh báo bất kỳ cuộc di cư hàng loạt từ Idlib sang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rất có thể có cả các nhóm cực đoan liên kết với Nhà nước Hồi giáo IS và al-Qaida. Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn để chống lại các chiến binh IS trên toàn quốc.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay đang là nơi hơn 3 triệu người Syria đến tị nạn, theo Ankara. Căng thẳng xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang gia tăng với sự hiện diện của một số lượng lớn người tị nạn, nhiều người trong số họ đã sống ở đất nước này trong nhiều năm.

Sức mạnh phe đối lập

Tuy nhiên, không chỉ có yếu tố an ninh và nhân đạo là nguyên nhân cho lập trường kiên quyết của Ankara đối với Idlib.

"Không chỉ vì Idlib có hơn 2 triệu người và chúng tôi không thể đón thêm bất kỳ người tị nạn nào", cố vấn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói. "Điều quan trọng là hiện phe đối lập có một khu vực dưới quyền kiểm soát của mình để họ có quyền được đại diện tại Syria."

Với sự sụp đổ của Daraa, Idlib là một trong những vùng còn lại cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát đối lập. Ankara đã là một người ủng hộ mạnh mẽ của phe đối lập kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến Syria và đã đầu tư rất nhiều cho sự hỗ trợ này.

Các nhà phân tích chỉ ra, khi  khu vực được kiểm soát bởi phe đối lập ngày càng rộng lớn hơn, thì Ankara càng có nhiều sức nặng trong các cuộc thảo luận cuối cùng về tương lai của Syria. Tương tự, Ankara nghĩ rằng sự hiện diện của phe đối lập khi được tăng cường hơn cũng thúc đẩy vị thế của họ trong các giao dịch với Moscow và Tehran. Ba nước này đang tiếp tục hợp tác về Syria – tuy nhiên đang rất khó khăn để giữ thế cân bằng trong các chương trình nghị sự đầy cạnh tranh.

Vấn đề làm phức tạp thêm cho Ankara trong nỗ lực bảo vệ Idlib là họ không có quan hệ ngoại giao với Damascus. Các mối quan hệ đã bị cắt đứt khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu.

Khả năng đàm phán trực tiếp?

"Chế độ Syria cũng đang nói chuyện với Thổ Nhĩ Kỳ một cách gián tiếp, và có lẽ sẽ tốt hơn nếu nói chuyện trực tiếp một cách lâu dài", giáo sư quan hệ quốc tế Huseyin Bagci thuộc Đại học Kỹ thuật Trung Đông tại Ankara cho biết. "Chúng ta sẽ xem nếu Tổng thống [Thổ Nhĩ Kỳ] thay đổi ý định của mình và bắt đầu các cuộc đối thoại và đàm phán trực tiếp với chế độ (Syria), điều đó là có thể xảy ra."

Trong khi Ankara khăng khăng rằng họ sẽ không để yên nếu lực lượng Damascus hành động nhằm vào Idlib, thì khả năng hành động của họ có thể bị giới hạn. "Chắc chắn sẽ có một số vấn đề [đối với Idlib], nhưng nếu không có sự hỗ trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không thể làm gì cả", Bagci nói.

Sự hỗ trợ của Moscow là rất quan trọng vì tên lửa và máy bay của Nga kiểm soát không phận Syria. Một chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại phe nổi dậy người Kurd ở tỉnh Afrin của Syria vào tháng Giêng chỉ có thể diễn ra được, theo các nhà phân tích, là bởi vì Moscow ủng hộ hoạt động không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tấn công này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ