(Tổ Quốc) - Sự gián đoạn hiện tại đối với các mối quan hệ không làm thay đổi các đặc điểm cấu trúc đồng thuận giữa Moscow và Bắc Kinh.
Đã một tháng kể từ khi Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc và cấm công dân Trung Quốc vào nước này. Mọi thứ đang nóng lên chính quyền Nga tiến hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn với công dân Trung Quốc, một sự tương phản rất lớn với mối quan hệ tích cực giữa nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mặc dù Nga và Trung Quốc đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược vào năm ngoái, Moscow đã áp dụng các biện pháp chống virus corona triệt để nhất đối với các công dân Trung Quốc.
Vẫn còn đối thủ chung là Mỹ
Có phải Nga và Trung Quốc đang rời xa nhau do COVID-19, căn bệnh do virus xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái, gây ra? Xem xét mục đích chính đằng sau mối quan hệ đối tác Nga - Trung, những thỏa hiệp trong quá khứ giữa hai nước, tác động của virus corona đối với nền kinh tế Nga, thì không thể tin vào lập luận trên.
Đầu tiên, quan hệ đối tác Nga – Trung là kết quả của lập trường chung giữa họ đối với sức mạnh lâu nay của Mỹ. Cả Nga và Trung Quốc đều phản đối vai trò lãnh đạo của siêu cường Mỹ khi không tính đến lợi ích của họ. Bất chấp sự phản đối quyết liệt này, Hoa Kỳ vẫn mở rộng ảnh hưởng của mình ở sân sau của Nga và Trung Quốc.
Chẳng hạn, việc mở rộng về phía đông của NATO và EU đã dấy lên sự lo ngại của Nga, dẫn đến cuộc chiến Gruzia và khủng hoảng Ukraine. Chính phủ Trung Quốc, trong khi đó, đổ lỗi cho Washington về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và những bất đồng gay gắt về các thỏa thuận vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan. Nga và Trung Quốc cũng phản đối các chiến dịch quân sự do Mỹ lãnh đạo chống lại Serbia, Iraq và Libya. Cả Moscow và Bắc Kinh đều tin rằng chủ nghĩa đơn phương của Hoa Kỳ đặt ra những mối đe dọa đáng kể đối với chủ quyền và lợi ích của họ.
Moscow và Bắc Kinh tìm kiếm một trật tự quốc tế cân bằng hơn nhưng họ cũng có một tầm nhìn khác về tương lai thế giới. Điện Kremlin dự đoán về một thế giới đa cực như Hòa nhạc châu Âu trong thế kỷ 19 trong khi Trung Nam Hải dự đoán sẽ hình thành trật tự G-2 với Hoa Kỳ. Nhưng cuối cùng, mục tiêu quan trọng nhất của Nga - Trung là chấm dứt thế giới đơn cực do Hoa Kỳ thống trị.
Với mục tiêu chiến lược này, Nga và Trung Quốc thường đưa ra những thỏa hiệp và hạ thấp những xích mích trong mối quan hệ của họ. Ngay sau cuộc khủng hoảng Ukraine, cả hai chính phủ đã thúc đẩy Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ký hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD trong 30 năm. Thỏa thuận đã được đàm phán trong gần một thập kỷ do phải mặc cả về giá cả.
Ngoài ra, Điện Kremlin cũng ngỏ ý tích cực kết nối Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) khi nó đang thiếu tiến bộ đáng kể. Một bộ phận lao động đã được phát triển ở Trung Á khi Nga vẫn là nhà cung cấp an ninh chính trong khi Trung Quốc đang dẫn đầu hội nhập kinh tế khu vực.
Sức đẩy từ quan hệ kinh tế
Với sự khác biệt lớn về quy mô kinh tế, có sự chênh lệch quyền lực ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc. Nga sẽ là đối tác cơ sở trong quan hệ đối tác này nhưng các chiến lược gia Nga đã hạ thấp mối quan tâm này khi họ ưu tiên bức tranh lớn về địa chính trị. Bắc Kinh, nhận thức được vấn đề này, đảm bảo vị thế bình đẳng của cả hai nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh giữa ông Putin và ông Tập, đồng thời nêu bật quan hệ cá nhân chặt chẽ giữa hai nhà lãnh đạo.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, cả hai chính phủ đã thể hiện lập trường hòa giải trong các phản ứng của họ đối với các tranh cãi liên quan đến virus corona. Bị sốc bởi lệnh cấm nhập cảnh của Nga, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn nói rằng các biện pháp của Nga là dễ hiểu và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đánh giá cao sự hỗ trợ của Moscow đối với Trung Quốc trong việc chống lại dịch bệnh. Các quan chức Nga cũng làm rõ rằng lệnh cấm nhập cảnh là một biện pháp tạm thời và Moscow sẽ tiếp tục cấp thị thực kinh doanh và quá cảnh cho công dân Trung Quốc. Liên quan đến việc công dân Trung Quốc bị hạn chế theo các biện pháp kiểm dịch của Nga, Đại sứ quán Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng đó là tin đồn. Điều đó khác biệt đáng kể so với các phản ứng của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 110 tỷ USD vào năm ngoái. Khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nga, việc đóng cửa biên giới và cấm nhập cảnh chắc chắn gây tổn hại cho cả hai nước. Hậu quả kinh tế trước mắt của các biện pháp hạn chế do phía Nga thực hiện sẽ khá hạn chế. Tuy nhiên, về dài hạn, suy thoái kinh tế của Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu đối với nhiên liệu của Nga.
Lệnh cấm nhập cảnh của Nga đối với công dân Trung Quốc đã tác động mạnh đến ngành du lịch. Theo Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch Nga, ngành công nghiệp này sẽ mất 2,8 tỷ rúp (38 triệu USD) trong hai tháng và 30 tỷ rúp (403 triệu USD) nếu lệnh cấm không được dỡ bỏ trước mùa hè này. Năm ngoái, Nga đã đón 1,5 triệu khách du lịch Trung Quốc, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào.
Sự bùng phát của virus corona tại Trung Quốc cũng sẽ có tác động tiêu cực đến chương trình Các Dự án Quốc gia của ông Putin. Chương trình này kéo dài sáu năm với 400 tỷ USD đầu tư để vực dậy nền kinh tế Nga và hợp pháp hóa việc mở rộng vai trò của ông Putin vào năm 2024. Cuộc chiến tranh dầu mỏ gần đây cũng đã làm phức tạp thêm triển vọng tăng trưởng kinh tế của Nga.
Về lâu dài, các biện pháp hạn chế của Nga là tạm thời và sẽ không làm rung chuyển mối quan hệ đối tác Nga - Trung miễn là Hoa Kỳ vẫn là đối thủ chung của họ. Do các tác động tiêu cực của virus corona đối với nền kinh tế Nga, trên thực tế, Moscow có thể xích lại gần Trung Quốc hơn để tăng cường phục hồi kinh tế.