• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tác động nổi bật của Covid-19 đến kinh tế số Đông Nam Á

Thế giới 17/11/2021 16:06

(Tổ Quốc) - Tốc độ tăng trưởng nhanh hiện tại sẽ đưa khu vực này trở thành một gã khổng lồ về công nghệ toàn cầu, theo nhận định từ tờ Asia Nikkei.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ và sự phát triển của nền kinh tế số ở khắp mọi nơi. Trong đó, tác động của điều này ở khu vực Đông Nam Á đặc biệt nổi bật.

Loạt tín hiệu tích cực

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, 60 triệu dân ở Đông Nam Á đã trở thành những người tiêu dùng kỹ thuật số: họ sử dụng ít nhất một dịch vụ trực tuyến, từ mua đồ tạp hóa, giao đồ ăn đến giải trí trực tuyến và tài chính. Hiện có 350 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số trên khắp Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Đây chỉ là một trong số nhiều kết luận tích cực từ báo cáo kinh tế số thường niên mới nhất về Đông Nam Á, do Google, Temasek và Bain đưa ra. Năm nay, báo cáo này cũng dự đoán rằng vào năm 2030, giá trị kinh tế số khu vực này có thể đạt 1 nghìn tỷ USD, sau khi đạt 360 tỷ USD vào năm 2025.

Tốc độ tăng trưởng mạnh như vậy sẽ đưa Đông Nam Á trở thành một gã khổng lồ về công nghệ: đánh dấu một sự phát triển có ý nghĩa rộng lớn hơn đối với nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu theo ba khía cạnh.

Thứ nhất, sự trỗi dậy của Đông Nam Á sẽ khiến cộng đồng sử dụng dịch vụ kỹ thuật số trực tuyến toàn cầu trở nên đa dạng hơn, điều ảnh hưởng đến cách thức phát triển của công nghệ nói chung. Theo thống kê, tổng số dân hoạt động trực tuyến ở sáu quốc gia lớn nhất khu vực năm nay là 440 triệu người, tăng mạnh so với con số vào năm 2015 là 260 triệu người.

Tác động nổi bật của Covid-19 đến kinh tế số Đông Nam Á - Ảnh 1.

Các dịch vụ trực tuyến đang được đông đảo người dân khu vực sử dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan rộng. Ảnh: Reuters.

Hầu hết người dùng mới đều kết nối thông qua điện thoại. Họ thường thích tương tác với internet bằng giọng nói. Họ cũng phải đối mặt với một số thách thức khác biệt, chẳng hạn như thiếu quyền riêng tư trên các thiết bị công cộng, điều đặc biệt có ảnh hưởng tiêu cực đến nữ giới. Như vậy, bằng cách định hình công nghệ để đáp ứng nhu cầu của những người mới sử dụng Internet, Đông Nam Á có thể giúp tạo ra các công cụ kỹ thuật số tốt hơn cho mọi người ở khắp mọi nơi.

Thứ hai, thập kỷ phát triển số của Đông Nam Á sẽ mang lại sự cạnh tranh lớn hơn trong ngành công nghệ toàn cầu, hiện cần nhiều sự sáng tạo và phát triển bên ngoài thung lũng Silicon. Trong năm nay, đầu tư vào kinh tế số trong khu vực đạt mức cao nhất mọi thời đại, với 11,5 tỷ USD tài trợ trong nửa đầu năm 2021. Kinh phí cũng được phân bổ đều đặn hơn cho đa dạng các cấp độ công ty. Sự phân biệt giữa "kỳ lân" và "không kỳ lân" giờ gần như không còn.

Các nhà đầu tư hiện bị thu hút bởi sự thành công của các nền tảng giao hàng như Shopee của chủ sở hữu Sea Group. Trong tương lai, các nhà sáng lập có thể tập trung vào giáo dục, nơi các công ty khởi nghiệp như ErudiFi của Indonesia đang mở rộng khả năng tiếp cận hệ đại học, hay sức khỏe, hiện đón nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đạt mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm.

Trong thế giới công nghệ tiên tiến đang phát triển và lan tỏa ra nhiều Thung lũng Silicon, Đông Nam Á có thể là một bên đóng vai trò quan trọng.

Ưu tiên hành động của khu vực

Lĩnh vực thứ ba mà Đông Nam Á có thể dẫn đầu là tăng cường hợp tác công nghệ giữa các quốc gia. Brunei đã dẫn đầu ASEAN thông qua Lộ trình Bandar Seri Begawan vào tháng 9 năm nay, một kế hoạch lấy công nghệ và thương mại số làm trọng tâm cho sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 và các tham vọng dài hạn của khu vực.

Ước tính sự tích hợp kỹ thuật số trên quy mô lớn hơn ở Đông Nam Á có thể tăng thêm một nghìn tỷ USD vào GDP khu vực năm 2025. Và mối quan hệ hợp tác có thể mở rộng hơn nữa. Singapore đã thiết lập các thỏa thuận đối tác số với Australia, New Zealand và Chile và đặt ra các quy tắc thương mại số - điều có thể trở thành khuôn mẫu cho các thỏa thuận phạm vi rộng hơn trong tương lai.

Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa tiềm năng số của Đông Nam Á. Báo cáo của Google, Temasek, Bain nêu ra một loạt các ưu tiên cần làm đối với các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và tổ chức phi lợi nhuận như: thu hẹp khoảng cách kỹ năng số của người dân; đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, như cáp ngầm, để mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ; nâng cao các khuôn khổ quản trị dữ liệu và đảm bảo mức độ tin cậy cao của công chúng đối với việc số hóa, như đối phó với các thông tin sai lệch và nâng cao các tiêu chuẩn về nhận thức trên truyền thông.

Bằng sự nỗ lực bền vững và có tính phối hợp, lợi ích của nền kinh tế số Đông Nam Á trong tương lai có thể được chia sẻ rộng rãi và khu vực này có thể đóng một vai trò phát triển trên thị trường công nghệ toàn cầu.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ