(Tổ Quốc) - Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng vừa ra mắt vở chèo Mưa đỏ chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai về đề tài chiến tranh cách mạng. Đây là công trình nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023). Tái hiện lại bức tranh bi tráng về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, Mưa đỏ đã thực sự làm lay động trái tim khán giả.
- 18.07.2023 Đưa "Chuyện thằng Bờm" lên sân khấu Chèo
- 07.05.2023 Khai mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023
- 27.04.2023 Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 diễn ra tại Thanh Hóa
- 31.01.2023 NSND Thanh Ngoan: Sự nghiệp thăng hoa và trăn trở với nghệ thuật chèo dân tộc
- 22.12.2022 NSND Mạnh Tuấn: Vua hề chèo đất Bắc, người thầy của nhiều nghệ sĩ lớn
Mưa đỏ lấy bối cảnh cuộc chiến tranh bảo vệ thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, khắc họa các tuyến nhân vật ở hai bên chiến tuyến. Cường là chiến sĩ giải phóng, là sinh viên sân khấu điện ảnh gác ước mơ vào chiến trường tiếp bước người cha anh dũng đánh giặc. Nơi chiến trường khốc liệt, tình cảm của Cường với o Hồng- cô gái chèo đò đưa các chiến sĩ giải phóng từ bờ bắc vào bờ Nam sông Thạch Hãn, như ngọn lửa thắp lên niềm hy vọng, niềm tin vào ngày chiến thắng.
Phe bên kia là Quang - trung úy đội trưởng đội hắc báo, nhưng còn chút trắc ẩn khi hai lần tha chết cho o Hồng vì cảm mến sự hiên ngang, kiên cường của cô gái.
Vở chèo đã tái hiện lại bức tranh bi tráng về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, xây dựng thành công những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Và trên hết, đọng lại sau tất cả chính là thông điệp về sự phi nghĩa của chiến tranh và nỗi lòng của hai người mẹ có con ở hai bờ chiến tuyến. Phần kết của vở kịch với sự xuất hiện của hai người mẹ đứng trong nghĩa trang liệt sĩ, tay cầm nhang, một tay nắm chặt lấy nhau, mọi hận thù được hóa giải và cùng nhìn về tương lai. Đó là thông điệp đầy nhân ái mà cả đạo diễn lẫn tác giả của vở diễn muốn gửi gắm.
Vở diễn nhiều lần lấy nước mắt khán giả khi tái hiện sự bi thương của những người lính nơi chiến trận. Có người lính vết thương bị hoại tử cần phẫu thuật nhưng thuốc mê, thuốc tê đều hết. Bác sĩ phải "cưa sống" vết thương nhưng rồi người chiến sĩ cũng không qua khỏi. Hay khi hai người mẹ có con ở hai chiến tuyến nhưng có nỗi đau chung là mất con, họ cùng nắm tay trước những nấm mồ của những người thanh niên tuổi hai mươi "đã đi không tiếc đời mình".
Mùa hè rực lửa Quảng Trị được nhiều tác giả đưa vào tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu. Thế nhưng dàn dựng đề tài chiến tranh cách mạng cho sân khấu chèo quả là thách thức. NSND Trịnh Thúy Mùi thừa nhận đề tài chiến tranh cách mạng không phải lợi thế của chèo - vốn chuộng đề tài lịch sử, trữ tình. Thế nhưng ê-kíp thực hiện biến thách thức thành lợi thế.
"Câu chuyện mà chỉ có chiến tranh, lúc nào cũng súng đạn ùng oàng thực sự rất căng. Khi ấy làn điệu chèo chính là yếu tố làm mềm câu chuyện. Tất nhiên điều này không làm cho chiến tranh trở nên yếu mềm, đôi khi chút lãng mạn, tình yêu trong chiến tranh giúp cho con người ta thêm sức mạnh để chiến thắng", NSND Trịnh Thúy Mùi phân tích.
Đạo diễn Trịnh Thúy Mùi còn mời NSND Minh Thu hướng dẫn hát chèo cho các diễn viên Đoàn chèo Hải Phòng. Tác giả Đức Minh chuyển thể chèo từ kịch bản Mưa đỏ do chính tác giả, nhà văn Chu Lai viết. Bên cạnh đó, ê kip sáng tạo của vở diễn là những tên tuổi có tiếng như nhạc sĩ NSƯT Đào Tuấn Hải, thiết kế mỹ thuật NSƯT Đạt Tăng, biên đạo múa Hoài Anh.
Vở diễn được đầu tư công phu về hình ảnh, ánh sáng, âm thanh. Sân khấu chèo vốn có đặc trưng ước lệ, nhưng Mưa đỏ lại gợi cho khán giả cảm giác chân thực như thưởng thức một tác phẩm điện ảnh với vẻ đẹp của dòng sông lấp lánh ánh trăng, mây bay lờ lững…
Đặc biệt là dàn nghệ sĩ đầy thực lực, chất giọng vững, Mưa đỏ đã đem đến cho công chúng một tác phẩm chèo trọn vẹn với cả thanh lẫn sắc.
"Chúng tôi cũng may mắn vì Hải Phòng có lực lượng nghệ sĩ đương ở độ chín. Gần 30 năm nay Hải Phòng chưa có tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, vì thế chúng tôi muốn tạo ra tạo phẩm, cho diễn viên có cảm xúc mới, thử thách mới", NSND Trịnh Thúy Mùi bày tỏ. Trong số diễn viên nổi bật của Hải Phòng có thể kể tới NSND Văn Mởn, các diễn viên Đăng Kiên, Yến Thanh, Thùy Dung và đặc biệt Thùy Dương - nữ diễn viên gánh vai o Hồng chèo đò trong Mưa đỏ- NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết.
Đặc biệt, vai nam chính được giao cho Nhật Hóa - một trong những giọng nam nổi bật của nghệ thuật Chèo hiện nay. Nhật Hóa được NSND Thúy Mùi mời từ Thanh Hóa ra Hải Phòng tham gia vở diễn, chất giọng ngọt ngào của nam diễn viên đã chinh phục khán giả hoàn toàn.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết: "Tháng 7 hằng năm luôn là tháng đặc biệt đối với người dân TP Hải Phòng vì Hải Phòng luôn có những hoạt động, sự kiện tri ân những người thương binh, liệt sĩ có công với đất nước. Kịch bản văn học Mưa đỏ của nhà văn Chu Lai là một kịch bản rất hay vừa có tính bi hùng miêu tả được bối cảnh ác liệt của chiến tranh nhưng cũng có chất trữ tình, lãng mạn phù hợp với sân khấu chèo. Vì vậy, lãnh đạo TP và Sở đã quyết định dàn dựng vở diễn để gửi gắm tình cảm của mình tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Đã lâu lắm, Đoàn Chèo Hải Phòng mới dựng một kịch bản đề tài cách mạng, đề tài không thuận cho nghệ thuật chèo. Khi xem Mưa đỏ, chúng tôi rất hài lòng với bản dựng đầy tâm huyết, trau chuốt của NSND Trịnh Thúy Mùi vừa giữ được giá trị của kịch bản văn học, vừa tạo đất cho nghệ sĩ thể hiện".
Mưa đỏ là một trong những tác phẩm thuộc đề án sân khấu truyền hình của Hải Phòng - mỗi tháng một tác phẩm sân khấu được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình thành phố hoa phượng đỏ. Đây cũng là chủ trương sáng đèn Nhà hát thành phố do Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng chủ trì. Chương trình Sân khấu truyền hình đã và đang trở thành điểm hẹn mà công chúng yêu nghệ thuật thành phố đón đợi vào mỗi cuối tháng. Sau đêm diễn thành công tại Nhà hát Lớn Hải Phòng hôm qua (22/7), ngày 30 và 31/7 tới, Mưa đỏ sẽ ra mắt khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Theo bà Trần Hoàng Mai, tiếp theo, vở diễn sẽ được đem đến cho công nhân ở các khu công nghiệp và người dân ở vùng sâu vùng xa của địa phương.