(Tổ Quốc) - Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 18- 21/4/2024 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
- 25.03.2024 Hơn 300 đồng bào tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4
- 05.04.2023 Diễn đàn văn hóa là hoạt động điểm nhấn của chuỗi sự kiện Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam
- 20.04.2022 Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa
- 04.04.2022 Tổ chức Diễn đàn văn hóa nhân "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" năm 2022
- 01.04.2022 Các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Thiết thực, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam có sự tham gia của hơn 300 người gồm 54 thành phần dân tộc của 63 tỉnh, thành phố và các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều thành tích đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nghệ nhân đồng bào, người có uy tín đại diện nhóm đồng bào hoạt động hàng ngày tại Làng.
Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ có nhiều hoạt động như: Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều thành tích đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc tại địa phương diễn ra ngày 18/4/2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Báo công, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và gặp gỡ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày 19/4/2024.
Đặc biệt, các hoạt động trình diễn giới thiệu di sản, giới thiệu văn hóa các địa phương sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc như: Ngày hội Văn hóa du lịch tỉnh Sóc Trăng với hoạt động tái hiện Lễ đấu đèn của dân tộc Hoa (20/4) giới thiệu về tết Nguyên tiêu, lễ hội đấu đèn lễ dâng hương và nghi thức bái tế các vị thần; mô tả các tiết mục biểu diễn nghệ thuật múa lân - sư - rồng, hòa tấu nhạc cổ, nhạc lễ tòa lầu cấu, trích đoạn kịch hát Triều Châu, trình diễn trang phục lễ hội, ca múa chúc phúc...các nội dung sẽ được mô tả và giới thiệu để du khách hiểu, hình dung và cảm nhận. Đây là phần hội hết sức hoành tráng với nhiều sắc màu rực rỡ.
Đây là phần hội hấp dẫn và gay cấn được mong chờ nhất, người Hoa tham gia đấu giá với quan niệm nếu đấu được chiếc đèn ưng ý thì trong năm gia đình được bình an, làm ăn phát đạt. Ngoài ra, họ cũng muốn đóng góp một phần để nhà chùa làm từ thiện xã hội. Hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật mang dấu ấn của vùng đất Sóc Trăng như: trình diễn nhạc Ngũ âm, trống Schay Dăm, dạy múa Rom vong, múa chằn, thổi sáo, biểu diễn Rô băm, trình diễn nghệ thuật dân gian múa Rom vông là những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.
Bên cạnh đó là không gian giới thiệu và thực hành nghề truyền thống sẽ giới thiệu và trình diễn nghề làm bánh Pía của người Hoa ở Sóc Trăng, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ việc chọn nguyên liệu, làm bánh đến việc cho du khách trải nghiệm và bán cho du khách làm quà; Giới thiệu nghề vẽ tranh trên kiếng; Không gian giới thiệu quảng bá du lịch, ẩm thực, triển lãm hình ảnh và trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng
Chương trình Sắc màu cao nguyên Đắk Lắk sẽ diễn ra tại Khu các làng dân tộc II với màn tái hiện Lễ rước rể trong lễ cưới của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk, giới thiệu và tổ chức tái hiện Lễ rước rể theo phong tục của người Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; tổ chức phần hội để buôn làng say sưa trong men say rượu cần, nhịp chiêng, vòng xoang, câu hát mừng vui cho hạnh phúc của chàng trai cô gái Ê Đê và Không gian giới thiệu âm nhạc dân tộc Ê Đê đem đến cho khán giả cơ hội tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống: cồng chiêng, chiêng tre, ching cram...Biểu diễn các tiết mục dân ca dân vũ: hát Aray, dân ca, các ca khúc về Tây Nguyên, múa xoang; Giới thiệu nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm OCOP; Giới thiệu và tái hiện lại không gian trình diễn cà phê truyền thống của đồng bào từ việc lựa chọn hạt, đến rang, giã tự nhiên và lọc bằng chính phương thức tự nhiên của đồng bào.
Chương trình Sắc màu văn hóa bản Dao sẽ tái hiện Lễ cấp sắc của dân tộc Dao tỉnh Thanh Hóa và Chương trình giới thiệu văn hóa dân tộc Dao qua các tiết mục dân vũ dân nhạc: múa chuông, hát dân ca, các tiết mục hát múa giới thiệu về bản Dao và tình cảm của người Dao ơn Đảng, ơn Bác Hồ; Văn hóa dân tộc Dao qua tranh thờ và trang phục truyền thống của dân tộc Dao xứ Thanh.
Các hoạt động của cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục giới thiệu, tái hiện nét văn hóa trong cuộc sống hàng ngày, nghi lễ, trang phục, dân ca, dân vũ, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, trò chơi dân gian truyền thống… tại chính không gian các làng dân tộc có đồng bào hoạt động hàng ngày: dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên), dân tộc Dao (TP. Hà Nội), dân tộc Mông (Hà Giang), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Lào, Khơ Mú, Thái (Sơn La), dân tộc Tà Ôi, dân tộc Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), dân tộc Ba Na, Gia Rai (Gia Lai), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Ê Đê (Đăk Lăk), dân tộc Khmer (Sóc Trăng).
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 được tổ chức nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ thể văn hóa trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; gắn việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong việc thực hiện những mục tiêu kinh tế, xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc góp phần bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Mang đến cho Nhân dân, du khách cơ hội được tìm hiểu, trải nghiệm, thụ hưởng những giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam thông qua đó nâng cao nhận thức, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.