(Toquoc)-Cùng với kinh tế, Ấn Độ xác định quân sự giữ vai trò vô cùng quan trọng để trở thành một cường quốc thực sự. Thời gian qua đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ tiềm lực quốc phòng của New Dehli, trong đó tăng cường ngân sách chính là tiền đề căn bản.
(Toquoc)-Cùng với kinh tế, Ấn Độ xác định quân sự giữ vai trò vô cùng quan trọng để trở thành một cường quốc thực sự. Thời gian qua đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ tiềm lực quốc phòng của New Dehli, trong đó tăng cường ngân sách chính là tiền đề căn bản.
Trong buổi điều trần trước quốc hội hồi tháng Ba về ngân sách tài khóa 2012-2013, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee tuyên bố New Dehli sẽ tăng 17% cho mua sắm quốc phòng, lên 1,93 nghìn tỷ ru-pi (tương đương 38,6 tỷ USD). Trong đó, 41% sẽ được sử dụng để mua sắm các hệ thống vũ khí hiện đại và vũ khí hạng nặng. Giới phân tích nhận định, đây là mức tăng đáng kể so với con số 12% của ngân sách năm trước. Bộ trưởng Pranab Mukherjee tiết lộ ít thông tin về lý do tăng ngân sách quốc phòng lần này, ngoài việc nhấn mạnh sự phân bổ chi tiêu sẽ dựa trên nhu cầu hiện tại và những nhu cầu mua sắm cần thiết mới sẽ được đáp ứng. Theo giới quan sát, trên thực tế, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ còn lớn hơn nhiều, bởi số liệu vừa được công bố chưa tính tới chương trình vũ khí hạt nhân, việc trả lương hưu cho quân nhân và các lực lượng bán quân sự.
Đầu năm 2012 Ấn Độ ký hợp đồng mua 126 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp trị giá 11 tỷ USD
Ba ngày sau khi Ấn Độ tuyên bố việc tăng chi tiêu này, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cũng đưa ra báo cáo nghiên cứu về vấn đề chuyển giao vũ khí toàn cầu. Theo đó Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Trong khoảng thời gian từ năm 2007-2011, Ấn Độ đã sử dụng 12,7 tỷ USD để mua sắm vũ khí nước ngoài, chiếm 10% tổng lượng vũ khí nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong thời gian này. Nếu Ấn Độ tiếp tục tham vọng tăng cường và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, các kế hoạch mua sắm vũ khí quốc phòng của nước này thậm chí sẽ khiến cộng đồng quốc tế sửng sốt hơn nữa. Trong một báo cáo công bố tháng trước, tạp chí Jane’s Defence Weekly ước tính, từ năm 2011-2015, Ấn Độ sẽ chi 100 tỷ USD cho các chương trình mua sắm quốc phòng.
Trước đây, Ấn Độ nhập khẩu phần lớn vũ khí hiện đại từ Nga. Tuy nhiên, hiện nay điều đó đã thay đổi khi New Dehli không ngừng hướng tới các quốc gia xuất khẩu vũ khí phương Tây để xây dựng kho vũ khí hiện đại. Không chỉ đẩy mạnh sản xuất các loại vũ khí hạng nặng, Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây khác cũng “hối hả ve vãn” Ấn Độ trên phương diện chính trị để có thị phần về máy bay chiến đấu, xe tăng, pháo, vũ khí hạng nhẹ, máy bay vận tải, tàu ngầm và rất nhiều tàu hải quân. Theo một báo cáo của Lầu Năm góc, Ấn Độ là khách hàng nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba của Mỹ trong tài khóa 2011 - chỉ sau Afghanistan và Đài Loan - với các hợp đồng trị giá tới 4,5 tỷ USD.
Trong thỏa thuận quốc phòng lớn nhất giữa Mỹ và Ấn Độ được ký vào năm ngoái, New Dehli đã đặt mua 10 máy bay vận tải chiến lược 10 C-17 Globemaster-III với giá 4,1 tỷ USD cùng với các máy bay 12 C-130J Super Hercules. Theo giới chuyên gia quân sự, các máy bay này sẽ tăng cường đáng kể khả năng cơ đông lực lượng và trang bị của Ấn Độ tới các khu vực tác chiến. Đường băng Kargil cũng đang được mở rộng để cho phép các máy bay vận tải quy mô lớn hoạt động.
Bên cạnh đó, các kế hoạch xây dựng lực lượng hải dương xanh của Ấn Độ cũng đang được xúc tiến. Nhiều nguồn tin cho biết, New Dehli có sở hữu một tàu sân bay cũ mang tên Viraat, và tàu sân bay này sẽ tiếp tục được hoạt động trong vài năm tới. Tiếp đó, tàu sân bay Admiral Gorshkov của Nga được cải tiến, đổi tên thành Vikramaditya cũng sẽ được bàn giao cho New Dehli vào cuối năm 2012. Thêm vào đó, Ấn Độ cũng đang tự đóng một tàu sân bay tại Cochin Shipyard, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2015.
Trong động thái mới nhất, ngày 4/4, tại căn cứ hải quân Visakhapatnam, phía đông Vịnh Bengal, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony đã chính thức phát lệnh hoạt động cho chiếc tầu ngầm INS Chakra II chạy bằng năng lượng hạt nhân thuê của Nga. Động thái này đã đưa Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ các quốc gia sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Vì sao phải tăng cường tiềm lực quốc phòng
Tháng 5 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony nhấn mạnh sự quan ngại sâu sắc trước việc Pakistan và Trung Quốc tăng cường các mối quan hệ quốc phòng; và rằng New Dehli sẽ phải đẩy mạnh xây dựng các tiềm lực quân sự để đáp ứng sự thay đổi này. Ông cho hay: “điều cốt yếu là chúng ta phải tăng cường tiềm lực của chính mình. Đó là câu trả lời duy nhất”. Trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 1 vừa qua, ông James Clapper, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cho biết, Quân đội Ấn Độ đang tăng cường các lực lượng “để chuẩn bị cho một cuộc xung đột hạn chế dọc khu vực biên giới tranh chấp và để cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương”.
Theo một đánh giá mới đây của nhóm nghiên cứu HIS, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng đều đặn trong các năm tới, từ 119,8 tỷ USD năm 2011 lên 238,2 tỷ USD năm 2015, tức là tăng trung bình 18,75%/năm. Như vậy, ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ vượt ngân sách của 12 nước hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương cộng lại và nhiều gấp 4 lần ngân sách của Nhật Bản. Bắc Kinh liên tục củng cố lực lượng quốc phòng suốt hai thập kỷ qua và đã trở thành một thế lực lớn mạnh tầm khu vực, ngày càng tăng khả năng triển khai tầm xa. Sự vươn lên về quân sự này, dù được cho là nhằm đối trọng với Mỹ là chính, vẫn gây quan ngại cho một số nước láng giền như Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Chỉ riêng trong năm vừa rồi, Trung Quốc cho ra mắt một loạt khí tài hiện đại gồm chiến đấu cơ phản lực J-10, các tàu ngầm hạt nhân mới, các tàu nổi hiện đại cùng tên lửa siêu thanh chống hạm. Trung Quốc cho thử máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và chạy thử tàu sân bay đầu tiên. Tất cả những sự kiện này thu hút sự chú ý đặc biệt ở cả khu vực và thế giới.
Thế Phương