(Tổ Quốc) - Tờ SCMP trích lời các nhà phân tích cho rằng, rất khó để "tháo ngòi" căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ sau khi Washington thông báo sẽ xoá bỏ các các ưu đãi đặc biệt dành cho Hong Kong.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ 6 (29/5), Tổng thống Trump tuyên bố, Mỹ sẽ bắt đầu chấm dứt các ưu đãi hải quan đặc biệt và miễn trừ đi lại mà Hong Kong đang được hưởng sau khi đánh giá thành phố "không còn là một lãnh thổ tự trị" của Đại lục Trung Quốc.
Ông Trump nhấn mạnh, động thái sẽ ảnh hưởng "toàn bộ các hiệp định" mà Mỹ đã ký kết với Hong Kong và "hầu như không có ngoại lệ nào".
Các phát biểu của ông Trump được đưa ra sau khi Trung Quốc thông qua một nghị quyết xây dựng luật an ninh quốc gia mới – đặc biệt thiết kế cho Hong Kong.
Reuters đăng tải, người đúng đầu cơ quan an ninh Hong Kong John Lee chia sẻ với báo giới, chính quyền thành phố sẽ không bị đe dọa bởi quyết định từ Mỹ và sẽ tiếp tục thực thi đạo luật mới của chính phủ trung ương Bắc Kinh.
"Tôi không nghĩ họ sẽ thành công trong việc sử dụng bất kỳ biện pháp nào để dọa dẫm chính quyền Hong Kong bởi vì chúng tôi tin rằng mình đang làm đúng", ông Lee khẳng định.
Còn người đứng đầu cơ quan tư pháp Teresa Cheng nói, nền tảng cho các hành động của Tổng thống Trump là "hoàn toàn sai trái".
Ông Trump cáo buộc Bắc Kinh đã không giữ lời về mức độ tự trị cao của Hong Kong với Trung Quốc khi đề xuất luật an ninh quốc gia mới.
"Chúng tôi sẽ thực hiện các hành động để tước bỏ đối xử đặc quyền của Hong Kong trong vai trò một lãnh thổ hải quan và đi lại tách biệt với phần còn lại của Trung Quốc", ông Trump nói, đồng thời đe dọa rằng, Washington sẽ áp dụng trừng phạt lên các cá nhân được cho là chịu trách nhiệm trước việc Hong Kong "mất đi tự do".
Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả lại quyết định của Washington nhưng kiềm chế không trả đũa ngay lập tức.
"Tôi nghĩ phía Trung Quốc đang chờ để nhìn thấy một kế hoạch chi tiết hơn từ chính quyền Trump và sẽ đưa ra đòn trả đũa chính xác hơn", ông Tian Feilong, một giáo sư từ Đại học Beihang tại Bắc Kinh nhận định. "Theo tôi, Bắc Kinh đã chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến các biện pháp đáp trả qua lại, như là lệnh cấm đi lại đối với lệnh cấm đi lại hoặc áp thuế đối với áp thuế".
Mặc dù vậy, các nhà quan sát đánh giá, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như chắc chắn sẽ tiếp tục leo thang trong bối cảnh lợi ích cạnh tranh của các bên trải rộng trên nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghệ và cả ý thức hệ.
Giáo sư về quan hệ Mỹ- Trung từ Đại học Phục Đán (Thượng Hải), ông Wei Zongyou dự đoán, khả năng đối đầu giảm bớt là hầu như không có, thậm chí mâu thuẫn còn gia tăng ở một ngành.
"Như chúng ta thấy cả hai bên lần lượt trả đũa nhau, do vậy đàm phán thương mại khó có thể được tiếp tục", ông Wei nói.
Theo ông David Zweig, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Xuyên quốc gia của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, Tổng thống Trump không còn giữ được bình tĩnh và căng thẳng có thể được đẩy mạnh hơn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới.
"Không ai muốn một cuộc chiến, nhưng sẽ rất khó để giữ một lập trường quá trung tính trong cuộc chạy đua bầu cử", ông Zweig phân tích.
Một nghiên cứu mới nhất của Pew chỉ ra, mức độ thiện cảm của người dân Mỹ dành cho Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2005.
Ông Zweig đánh giá, mặc dù Bắc Kinh muốn duy trì Hong Kong là một trung tâm tài chính sôi động, khả năng lớn là các công ty Mỹ sẽ có kế hoạch rời đi và thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai nước đã ký kết vào năm ngoái "có thể gặp rắc rối".
"Nếu anh là CEO của một công ty Mỹ tại Hong Kong hoặc thậm chí là một công ty [Trung Quốc] Đại lục tại Hong Kong và anh không có một chiến lược rời khỏi Hong Kong – thì anh nên bị sa thải", ông Zweig nói. "Cho tới thời điểm hiện tại đó là các tình huống ăn miếng trả miếng và nếu chúng tiếp tục thì chiến lược rời khỏi của anh có thể sẽ được hiện thực hoá, vì thế tốt hơn là anh nên chuẩn bị tốt".
Còn ông Denny Roy, một học giả cấp cao từ Trung tâm Đông-Tây tại Hawaii, Mỹ phân tích, nhiều người Mỹ cảm thấy giận dữ trước thông báo của Tổng thống Trump là Mỹ sẽ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới ngay giữa đại dịch, cũng như thực tế là những cuộc biểu tình phản đối trên toàn nước Mỹ liên quan tới cái chết của một người da đen – vẫn chưa được giải quyết ổn thoả. Theo ông, mặc dù không hài lòng nhưng Washington sẽ không thể ép Trung Quốc thay đổi quyết định của mình.
"Mỹ sẽ không gây chiến với Trung Quốc về vấn đề này", ông Roy cho hay. "Washington sẽ có một vài hành động mang tính biểu tượng để bày tỏ thái độ tức giận".
"Tôi hy vọng chúng sẽ có ảnh hưởng tới giới tinh hoa của Trung Quốc nhưng không làm trầm trọng thêm cuộc sống của người dân Hong Kong - những người đang phải đối mặt với khó khăn do một số ngân hàng nước ngoài và tập đoàn đã rời đi".