• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tại sao năm nhà lãnh đạo Trung Á đồng loạt đến Bắc Kinh?

Thế giới 08/02/2022 16:36

(Tổ Quốc) - Chuyến thăm của cả năm vị tổng thống của năm đất nước nằm ở khu vực Trung Á tới Trung Quốc dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2022 cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ đối với cả hai bên.

Vào ngày 4 tháng 2, Thế vận hội Olympic mùa đông 2022 đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Trong khi một số nước phương Tây tham gia vào "cuộc tẩy chay ngoại giao" hoặc vắng mặt do tình hình dịch bệnh, thì tất cả năm tổng thống Trung Á đều tham dự.

Hiện đang là thời điểm khó khăn ở khu vực Trung Á khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra sự cố lưới điện trong khu vực, căng thẳng gần đây ở biên giới Kyrgyz-Tajik và những hệ lụy kéo theo của cuộc khủng hoảng tại Kazakhstan. Và số lượng vận động viên của các nước Trung Á tham dự Olympic Bắc Kinh cũng không nhiều. Trong khi không có vận động viên nào đến từ Tajikistan hoặc Turkmenistan thì đội tuyển các nước đều có số lượng chưa đến 10 người, ngoại trừ Kazakhstan (khoảng 20 người). Vậy tại sao các nhà lãnh đạo này phải đến Bắc Kinh?

Trực diện thể hiện lập trường

"Theo suy nghĩ của tôi, việc tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh cho thấy rằng các nhà lãnh đạo Trung Á không ngại ngần khi được coi là thân thiết với một Trung Quốc đang lên - với mục tiêu là định hình lại trật tự toàn cầu," Luca Anceschi, giáo sư Nghiên cứu về Á-Âu tại Đại học Glasgow, nói với The Diplomat.

"Sự hiện diện của họ ở Bắc Kinh cho thấy sự sẵn lòng tham gia vào chương trình nghị sự xây dựng uy tín của ông Tập", ông Luca Anceschi bày tỏ.

Tại sao năm nhà lãnh đạo Trung Á đồng loạt đến Bắc Kinh? - Ảnh 1.

Đoàn vận động viên Kazakhstan tại Olympic Bắc Kinh. Ảnh: Kazakh government handout.

Niva Yau, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện OSCE ở Bishkek, Kyrgyzstan, cho biết một yếu tố nữa có thể là vấn đề người thiểu số tại Trung Quốc.

Bà nói với The Diplomat: "Tôi nghĩ mấu chốt ở đây là thế giới đang đổ dồn mọi con mắt vào vấn đề người thiểu số Trung Quốc, và việc có được sự ủng hộ hoàn toàn tuyệt đối của Trung Á là rất quan trọng đối với Bắc Kinh".

Mỹ đã đặt ra thuật ngữ "tẩy chay ngoại giao" để bày tỏ sự không hài lòng với một số chính sách của Trung Quốc bằng cách không cử đại diện cấp cao tham dự Thế vận hội Olympic nhưng vẫn để các vận động viên Mỹ tham gia tranh tài tại sự kiện này. Vào tháng 12/2021, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thông báo chính quyền Biden sẽ không cử đại diện chính thức đến sự kiện ở Bắc Kinh.

Giữa bối cảnh này, chuyên gia Yau cho biết việc các nhà lãnh đạo Trung Á tham dự là rất quan trọng đối với Trung Quốc. "Theo quan điểm của Trung Quốc, việc tất cả các nhà lãnh đạo này đều đến Bắc Kinh, là một niềm an ủi khi biết rằng vẫn có sự ủng hộ của khu vực đối với họ".

Bà Yau cho biết thêm: "Từ quan điểm của Trung Á, việc đi ngược lại chính sách về người thiểu số của Trung Quốc sẽ chẳng có lợi ích gì, đặc biệt là khi việc hỗ trợ Trung Quốc đồng nghĩa với việc đổi lại lợi ích kinh tế như dầu khí, một số ngành công nghiệp hóa, viện trợ, v.v. - từ đó cung cấp hỗ trợ và nguồn lực để các nước này tiếp tục duy trì ổn định. Đó là một kết quả đôi bên cùng có lợi và tốt cho tất cả".

Gửi đi thông điệp chính trị

Đặc biệt, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev là một người tham dự quan trọng. Thành phố lớn nhất của Kazakhstan, Almaty, từng là đối thủ duy nhất của Bắc Kinh trong việc đăng cai Thế vận hội mùa đông 2022. Và tháng trước nơi đây cũng xảy ra bạo lực và thiệt hại nghiêm trọng khi các cuộc biểu tình về giá nhiên liệu gây ra tình trạng bất ổn lớn.

Sự hiện diện của ông Tokayev tại Lễ khai mạc Olympic cho thấy những rạn nứt trong quá khứ đã bị lãng quên và rằng, vào thời điểm chính trị quan trọng này, nhà lãnh đạo Kazakhstan coi sự ủng hộ của Trung Quốc và các cường quốc khác ở Âu-Á là điều kiện cơ bản để duy trì vai trò lãnh đạo", Anceschi nói.

Trong cuộc gặp với ông Tokayev, ông Tập đã thể hiện rõ sự ủng hộ của mình đối với tổng thống Kazakhstan và theo báo của Kazakhstan, ông Tập đã chấp nhận lời mời của ông Tokayev cho chuyến thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan vào cuối năm nay. (Điều này đặc biệt đáng chú ý vì ông Tập đã không rời Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu diễn ra.) Một số biên bản ghi nhớ đã được ký với Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov; Chủ tịch Tajik Emomali Rahmon và ông Tập đã thảo luận về "công nghệ xanh" và các vấn đề an ninh. Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedov đã thảo luận về đường ống dẫn khí đốt với ông Tập và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev cũng ghi nhận những nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Trước đó, các cuộc họp giữa Trung Quốc và Trung Á đã tiết lộ cơ bản về tình trạng quan hệ của hai bên và điều đó phần lớn được tăng cường hơn trong các cuộc gặp trực tiếp lần này. Trong phát biểu của mình vào cuối tháng 1, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh về "tình bạn láng giềng tốt đẹp", phản đối "các nỗ lực của các thế lực bên ngoài nhằm thúc đẩy các cuộc cách mạng màu", phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, củng cố "lá chắn bảo vệ hòa bình", khuyến khích một hệ thống trao đổi nhiều mặt và cùng đạt được phát triển.

Trong bối cảnh khu vực và quốc tế, các chuyến thăm của cả năm vị tổng thống Trung Á tới Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ đối với cả hai bên là đa chiều.

"Các thỏa thuận biên giới được ký kết bên lề cũng xác nhận rằng khía cạnh kinh tế vẫn là trọng tâm của quan hệ Trung Quốc-Trung Á. Nhưng nhân dịp này, có một thông điệp chính trị rõ ràng vượt ra ngoài việc chỉ tham dự một buổi lễ khai mạc trong một đêm đông lạnh giá," Anceschi kết luận.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ