(Tổ Quốc) - Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, biến đổi khí hậu bên cạnh những thách thức cũng đặt ra những cơ hội trong việc xoay trục thị trường.
Đăng đàn trước Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tập trung làm rõ 3 nhóm vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nêu ý kiến.
|
Bộ trưởng cho biết, tình hình tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang có những chiều hướng phức tạp, lệch pha nhiều so với kịch bản đối phó, gây ảnh hưởng đến sản xuất của của người dân. Nhưng bên cạnh những thách thức cũng đặt ra cho chúng ta những cơ hội trong việc xoay trục thị trường.
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu con số, năm 2016, thu nhập của đồng bào miền núi phía Bắc chỉ là 2,03 triệu đồng/tháng, chỉ đủ chi tiêu không thể có tích lũy. Có đến 60% dân số Việt Nam đang ở vùng nông thôn, miền núi. Từ đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt câu hỏi làm thế nào để tăng thu nhập cho nông thôn nói chung và miền núi nói riêng trong khi quá trình công nghiệp hóa không thể diễn ra nhanh ở miền núi và nông thôn. Ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra gợi ý dựa trên số liệu thống kê xuất khẩu năm 2016: dầu thô 2,4 tỷ USD, gạo 2,15 tỷ USD, cà phê 3,3 tỷ USD, thủy sản 7 tỷ USD và xuất khẩu rau, hoa, củ, quả đạt 2,45 tỉ USD. Thống kê này cho thấy xuất khẩu rau, củ, hoa, quả lớn hơn xuất khẩu dầu thô. “Xuất khẩu dầu thô 5 năm qua giảm 5 tỷ USD, còn củ, quả, rau, hoa lại tăng bình quân 30% mỗi năm. Dự báo đến năm 2022, rau, hoa, củ, quả sẽ xuất khẩu được 9-10 tỷ USD, cao hơn cả giá trị xuất khẩu dầu thô ở thời điểm cao nhất", ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích. Từ những con số trên, Bí thư Thành uỷ TP HCM kiến nghị Chính phủ xem xét đưa nhóm hàng rau, hoa, củ, quả trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Đây là nhóm hàng không cần những cánh đồng lớn mà từng khu vườn của bà con đều trồng được, đất đồi có độ dốc vẫn trồng tốt.
Hiện sức sản xuất của nông dân không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn xuất sang 180 quốc gia vùng lãnh thổ. Năm ngoái xuất khẩu nông nghiệp đạt 30 tỷ USD, năm nay dự kiến đạt 35 tỷ USD.
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, muốn có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới nhất quyết sản phẩm tạo ra phải có chất lượng, và điều này nếu quyết tâm cao sẽ làm được.
“Ngay cả BĐKH thì chúng ta cũng tranh thủ được lợi thế những gì nó mang lại. Trước đây, ĐBSCL chủ yếu sản xuất lúa gạo, cây ăn quả, nay BĐKH như thế, nước biển dâng lên như thế thì chúng ta lựa chọn thủy sản để tập trung cho đầu tư phát triển. Ở đấy chúng ta chọn con tôm và cá tra để đầu tư. Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng đến 2025 phấn đấu xuất khẩu con tôm đạt 8 – 10 tỷ USD. Đây đang là thế mạnh của chúng ta. Nói chung, chúng ta vẫn phát triển được nếu biết lựa chọn đối tượng sản xuất.”, Bộ trưởng Cường nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh thêm: Tại sao nước ngoài cũng có thiên tai mà họ vẫn sản xuất, xuất khẩu lớn? “Ở đây chúng ta cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn bộ nền kinh tế, người dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định chúng ta đã có bước đi đúng hướng khi đã chủ động lựa chọn 3 trục sản phẩm để tập trung cho đầu tư nhằm tạo động lực sức sản xuất và nguồn sản phẩm cho xuất khẩu.
Đó là trục sản phẩm quốc gia với những mặt hàng tên tuổi của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ông nhắc đến cá tra chỉ có 5.000 ha nhưng cho sản lượng 1,3 triệu tấn/năm là một thế mạnh lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng con giống và chế biến sâu chưa tốt thì phải tập trung vào mặt này trong thời gian tới.
Đến trục sản phẩm cấp tỉnh, ở đâu cũng có, xoài Cao Lãnh; Rau, hoa Đà Lạt; nhãn lồng Hưng Yên; Cam Hòa Bình; vải thiều Lục Ngạn 20.000ha (cho 5 ngàn tỷ đồng); gà Yên Thế… Riêng tỉnh Bắc Giang chọn lựa 3 – 4 mặt hàng quy mô cấp tỉnh đã có 500 triệu USD. Các tỉnh có thế mạnh sản phẩm cần mạnh dạn đầu tư để thúc đẩy sản xuất.
Kể cả trục sản phẩm truyền thống là thế mạnh của các làng, xã. Ví như Quảng Ninh đã thành lập 198 doanh nghiệp và HTX từ nông dân, sản phẩm đã xuất khẩu được ra nước ngoài và có mặt nhiều nơi thị trường trong nước.
“Chúng ta có 9.000 xã, trải dài 15 vĩ độ, tổ chức ngành hàng tốt sẽ có lợi thế cho nguồn sản phẩm cung ứng thị trường. Cùng một lúc 3 trục sản phẩm đó, chúng ta áp dụng KHCN tốt lên, tổ chức thật bài bản thì tái cơ cấu nông nghiệp sẽ thành công, đi đúng hướng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định/.
Hà Giang