• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Taliban gửi thông điệp tới thế giới sau động đất kinh hoàng

Thế giới 23/06/2022 11:13

(Tổ Quốc) - Các bức ảnh trên truyền thông Afghanistan cho thấy nhiều ngôi nhà đã bị đổ sập và nỗ lực cứu hộ đang được xúc tiến thực hiện sau trận động đất mạnh 6,1 độ richter tại nước này ngày 22/6.

Các quan chức đối phó thảm họa cho biết số người chết do trận động đất ở Afghanistan hôm thứ Tư (ngày 22/6) đã lên tới 1.000 người, với hơn 600 người bị thương. Con số thương vong dự kiến sẽ tăng lên khi thông tin từ các ngôi làng vùng núi hẻo lánh được cập nhật.

Các nhân viên y tế và cứu trợ cho biết vẫn còn một số người mắc kẹt dưới đống đổ nát và ở các khu vực xa xôi, và các hoạt động cứu hộ gặp nhiều khó khăn do các yếu tố như mưa lớn, sạt lở đất và nhiều ngôi làng nằm nép mình trong các khu vực sườn đồi không thể tiếp cận.

"Nhiều người vẫn bị chôn vùi dưới lớp đất. Các đội cứu hộ đã được triển khai và với sự giúp đỡ của người dân địa phương đang cố gắng đưa những người chết và bị thương ra ngoài", một nhân viên y tế tại một bệnh viện ở tỉnh Paktika cho biết.

Nỗ lực cứu hộ gặp khó với địa hình và thời tiết

Trận động đất hôm thứ Tư là trận động đất gây thương vong nghiêm trọng nhất ở Afghanistan kể từ năm 2002. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, trận động đất xảy ra cách thành phố Khost, gần biên giới với Pakistan, khoảng 44 km về phía đông nam.

Còn Trung tâm Địa chấn Châu Âu-Địa Trung Hải (EMSC) cho biết trên Twitter là khoảng 119 triệu người ở Pakistan, Afghanistan và Ấn Độ đã cảm nhận rung chấn. Tuy nhiên, chưa có thông tin ngay lập tức về thiệt hại hoặc thương vong ở Pakistan.

EMSC đưa cường độ trận động đất lên 6,1 độ, mặc dù USGC cho biết là 5,9 độ Richter.

Taliban gửi thông điệp tới thế giới sau động đất kinh hoàng - Ảnh 1.

Hoạt động hỗ trợ đang xúc tiến được thực hiện sau trận động đất gây thương vong nghiêm trọng tại Afghanistan. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia về thiên tai và nhân viên nhân đạo cho biết các khu vực đồi núi nghèo bị ảnh hưởng bởi trận động đất này có thể đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Sạt lở đất và những ngôi nhà xây dựng sơ sài ở đây cũng làm tăng thêm tình trạng thiệt hại trên diện rộng.

"Tất cả chúng tôi đều đang ngủ ở nhà ... và căn phòng đổ ập xuống người chúng tôi," một người dân tên Gul Faraz nói khi anh được điều trị vết thương cùng vợ và con mình tại một bệnh viện ở Paktika. Một số thành viên trong gia đình đã thiệt mạng, anh nói.

"Tất cả những ngôi nhà trong khu vực của chúng tôi đã bị phá hủy. Không phải một ngôi nhà mà toàn bộ khu vực đã sụp đổ", Faraz chia sẻ.

Ayubi cho biết hầu hết các trường hợp tử vong được xác nhận là ở tỉnh phía đông Paktika, nơi có 255 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Tại tỉnh Khost, 25 người chết và 90 người đã được đưa đến bệnh viện.

Việc tổ chức một chiến dịch giải cứu sẽ là một thử thách lớn đối với chính quyền Taliban khi điều kiện thời tiết và địa hình rất khó khăn.

Chuyên gia Loretta Hieber Girardet từ văn phòng giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc cho biết những nỗ lực cứu trợ và cứu những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát sẽ gặp phải thách thức rất lớn do địa hình và thời tiết.

Bà nói: "Những con đường vốn đã khó khăn để di chuyển ngay cả vào lúc thời tiết đẹp nhất, vì vậy việc tổ chức hoạt động cứ trợ nhân đạo sẽ gặp nhiều thách thức do việc tiếp cận khu vực này không dễ dàng" và cho biết thêm rằng mưa kết hợp với chấn động sau động đất kéo theo nhiều nguy cơ sạt lở đất và gây nguy hiểm cho những người làm công tác nhân đạo.

Văn phòng nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết họ đang triển khai các đội y tế và cung cấp vật tư y tế.

Quan chức Salahuddin Ayubi từ Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết số người chết có thể sẽ tăng lên "do một số ngôi làng nằm ở vùng sâu vùng xa trên núi và sẽ mất một thời gian để thu thập thông tin chi tiết".

Thêm vào thách thức đối với chính quyền Afghanistan là lũ lụt gần đây ở nhiều vùng đã làm tắc nghẽn các tuyến đường cao tốc.

Taliban gửi thông điệp hỗ trợ

Thêm vào đó, chính quyền Taliban cũng không có nhiều kinh nghiệm ứng phó với các tình huống này và chưa kể, họ còn đang bị cắt nhiều viện trợ quốc tế.

Taliban đã tiếp quản Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái sau hai thập kỷ chiến tranh và đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng khi nhiều quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực ngân hàng của Afghanistan và cắt giảm hàng tỷ USD viện trợ phát triển. Tuy nhiên, viện trợ nhân đạo vẫn từ các cơ quan quốc tế như Liên hợp quốc vẫn được duy trì.

Đứng trước tình hình hiện tại, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Afghanistan cho biết Taliban hoan nghênh sự giúp đỡ của quốc tế. Lãnh đạo tối cao của Taliban, Haibatullah Akhundzada, cũng đã xuất hiện trước công chúng để đề nghị các tổ chức quốc tế "giúp đỡ người dân Afghanistan bị ảnh hưởng bởi thảm kịch lớn này", hãng AP đưa tin.

"Chính phủ đang làm việc trong khả năng của mình" và "Chúng tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế và các cơ quan viện trợ cũng sẽ giúp đỡ người dân của chúng tôi trong tình huống thảm khốc này", Anas Haqqani, một quan chức cấp cao của Taliban, cho biết trên Twitter hôm thứ Tư.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ và các đối tác khác của chính phủ liên bang đánh giá các lựa chọn phản ứng của nước này, Nhà Trắng cho biết.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết các lực lượng Liên hợp quốc đã được huy động đầy đủ, đánh giá nhu cầu và đưa ra hỗ trợ ban đầu.

Ông Antonio Guterres cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi trông cậy vào cộng đồng quốc tế để giúp đỡ hàng trăm gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm họa mới nhất này. Bây giờ là lúc để đoàn kết."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ