• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Tâm chấn" Covid-19 của châu Á: Indonesia gồng mình đối phó với dịch bệnh

Thế giới 16/07/2021 15:57

(Tổ Quốc) - Indonesia ghi nhận 54.517 ca mắc Covid-19 mới vào ngày 14/7, đánh dấu số ca mắc kỷ lục trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Giới chuyên gia y tế đã cảnh báo nghiêm trọng về diễn biến dịch bệnh tại quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới sau khi cung cấp thống kê mới nhất về số ca mắc và tử vong vì Covid-19.

"Tâm chấn" Covid-19 của châu Á: Indonesia gồng mình đối phó với dịch bệnh - Ảnh 1.

Nhân viên y tế Indonesia đưa thi thể nạn nhân tử vong vì Covid-19 ra ngoài sau khi thực hiện cách ly tại nhà. Ảnh:CNN

Theo hãng CNN, quốc gia có khoảng 270 triệu dân này liên tục báo cáo số ca mắc Covid-19 tăng mạnh hàng ngày, thậm chí con số còn cao hơn cả Ấn Độ sau thống kê vào ngày 14/7. Indonesia trở thành "tâm chấn" mới của dịch bệnh tại châu Á. Nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan không thể kiểm soát, các chuyên gia quan ngại hệ thống y tế của Indonesia sẽ tê liệt.

Một số giới chức nghi ngờ về mức độ chính xác trong thống kê bởi cuộc khảo sát vào ngày 10/7 vừa qua cho kết quả khoảng 50% trong 10,6 triệu dân của Thủ đô Jakarta có thể đã mắc Covid-19.

Giới chuyên gia nhấn mạnh Indonesia hiện đang phải đối mặt với nguy cơ "thảm họa dịch bệnh" sau khi không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phong tỏa ngay từ ban đầu chống dịch. Các biện pháp truy vết lỏng lẻo khiến cho số ca mắc liên tục tăng mạnh. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Indonesia - Budi Gunadi Sadikin nhận định Indonesia đã không ý thức được mức độ lây lan chóng mặt của virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh mới bùng phát.

Các quan chức Indonesia lo ngại bệnh viện không đủ sức để đáp ứng nhu cầu nhập viện tăng mạnh, đặc biệt là biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh và gây bệnh nặng hơn. Indonesia đã báo cáo 991 ca tử vong vào ngày 14/7, nâng tổng số người chết vì Covid-19 của nước này lên 69.210 ca.

Ấn Độ hiện đã ghi nhận 30,9 triệu ca nhiễm và hơn 410.000 ca tử vong vì Covid-19. Mặc dù vẫn là vùng dịch lớn nhất châu Á nhưng Ấn Độ đã có những dấu hiệu hạ nhiệt so với đỉnh dịch hồi tháng 5. Trong khi đó, Indonesia đang báo động từng ngày và hiện đang ở giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất từ trước tới nay.

Hãng thông tấn Antara của Indonesia dẫn tin, 90.000 trong số 120.000 giường bệnh của bệnh viện Indonesia đã kín. Giá bình thở oxy đã tăng vào tháng Sáu và hiện tại các bệnh viện đang rơi vào tình trạng cạn kiệt...

Các đảo Bali và Java của Jakarta cũng đã bị phong tỏa khẩn cấp trong tuần trước. Dữ liệu của Bộ Y tế cho biết, giới chức trách đang nỗ lực hết sức để đảm bảo người dân nhanh chóng có cơ hội tiếp cận vaccine. Hiện Indonesia đã tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 5,5% dân số. Tại Jakarta, khoảng 2 triệu người dân (18% dân số toàn thành phố) đã tiêm vaccine đầy đủ.

Tổng thống Joko Widodo ngày 14/7 cho biết vaccine sẽ mang đến hy vọng cho người dân Indonesia vượt qua khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu.

"Tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng sẽ đảm bảo người dân Indonesia có cơ hội thoát khỏi dịch bệnh. Tuy nhiên, phải một thời gian dài nữa chúng tôi mới có cơ hội tiếp cận đầy đủ vaccine đáp ứng nhu cầu người dân trong cả nước", ông Joko Widodo nhấn mạnh.

Châu Á bùng phát dịch bệnh

Indonesia là một trong số các quốc gia của châu Á bùng phát dịch bệnh Covid-19 và đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng vaccine. Ấn Độ hiện báo cáo khoảng hàng chục nghìn ca mắc mới trong một ngày.

Trong khi đó, Myanmar cũng báo cáo khoảng 7.083 ca mắc mới và 145 ca tử vong liên quan đến Covid-19 vào ngày 14/7. Tuy nhiên, tình hình thực tế có khả năng sẽ còn tồi tệ hơn kể từ sau cuộc chính biến xảy ra vào tháng Hai năm nay. Tại Myanmar, rất nhiều người mắc bệnh vẫn phải ở nhà mà không điều trị trong các bệnh viện. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh và số lượng thương vong đang là thách thức lớn ở quốc gia này.

Tương tự, các ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng mạnh ở Malaysia. Bộ Y tế Malaysia báo cáo khoảng 11.618 ca mắc mới tính riêng vào ngày 14/7 - đây là mức kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát. Hãng tin nhà nước Bernma báo cáo khoảng 435.000 liều vaccine đã cấp phép sử dụng vào ngày 14/7 sau khi quốc gia này ghi nhận số ca mắc kỷ lục trong ngày.

Thái Lan cũng chứng kiến số ca mắc tăng kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Để đối phó với mức độ lây lan mạnh của dịch bệnh, Chính phủ Thái Lan đã quyết định thực hiện kế hoạch tiêm trộn liều vaccine Covid-19 bất chấp khuyến cáo của WHO. Tuy nhiên, chiến lược này hiện vẫn chưa thử nghiệm trên diện rộng.

Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh bởi chậm trễ trong tiêm vaccine. Một số khu vực ở Hàn Quốc đã ban hành biện pháp giãn cách xã hội mới sau khi chứng kiến số ca mắc hàng ngày tăng kỷ lục.

Còn Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ban hành tình trạng khẩn cấp kéo dài trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic mùa hè, bắt đầu trong tuần tới. Thế vận hội sẽ tổ chức mà không có khán giả tham gia vì lý do đại dịch.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ