(Tổ Quốc) - Nga đã chỉ trích lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump về việc yêu cầu Moscow cắt đứt quan hệ quốc phòng với chính phủ Venezuela.
Đồng thời, Moscow cũng nhắc tới sự hiện diện quân sự quốc tế rộng khắp của Hoa Kỳ.
Trong bài phát biểu được tờ báo địa phương Moskovskij Komsomolets đăng tải hôm thứ tư, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đáp trả các lời đe dọa lặp đi lặp lại từ các quan chức Mỹ, như từ cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, người tuần trước đã cảnh báo "các thế lực bên ngoài Tây bán cầu về việc triển khai tài sản quân sự tới Venezuela hoặc các nơi khác ở bán cầu, với mục đích thiết lập hoặc mở rộng các hoạt động quân sự". Nhà ngoại giao hàng đầu của Moscow gọi các bình luận này là "kiêu ngạo".
Lực lượng Nga ở Venezuela
"Người ta đã nói rằng điểm đến tiếp theo là Nicaragua và Cuba," ông Lavrov nói, có ý đề cập đến các nước Mỹ Latinh cánh tả khác có quan hệ sóng gió với chính quyền ông Trump, "do đó, là bất kỳ quốc gia, chế độ hoặc chính phủ nào khác mà Hoa Kỳ không thích. "
"Họ có ý gì về những nhận xét rằng các quốc gia bên ngoài Tây bán cầu không được phép có bất kỳ lợi ích nào ở đó? Vậy Hoa Kỳ đang làm gì? Hãy xem bản đồ các căn cứ quân sự Hoa Kỳ trên toàn thế giới. với những đốm đỏ và mỗi trong số chúng đều có những rủi ro khá nghiêm trọng", ông nói thêm.
Máy bay ném bom Tu-60 Nga ở Venezuela. (Nguồn: Getty/AFP)
Có nhiều thông tin xuất hiện vào cuối tháng trước về các nhân viên quân sự Nga đến Venezuela, lần triển khai gần đây nhất kể từ cuộc tập trận chung ở Caribbean vào tháng 12 và là lần đầu tiên kể từ khi Nhà Trắng cắt đứt quan hệ với Tổng thống Nicolás Maduro để công nhận thủ lĩnh phe đối lập – Chủ tịch quốc hội Juan Guaidó và trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế xã hội Venezuela ngày càng nghiêm trọng. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tuần trước rằng phái đoàn Nga dường như đang giúp chuẩn bị cho hệ thống phòng không mặt đất S-300 do Nga chế tạo sẵn sàng chiến đấu.
Ông Trump cảnh báo rằng "Nga phải rời khỏi Venezuela" và việc "tất cả các lựa chọn đều mở" sẽ buộc họ phải làm như vậy. Trong khi đó, phái viên của ông Trump làm việc với chính quyền tự xưng Guaidó, Elliot Abrams, cảnh báo rằng "người Nga sẽ phải trả giá" cho hành động của họ. Newsweek dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố hôm thứ Bảy rằng có vẻ như Hoa Kỳ trở nên "lo lắng" vì "kế hoạch thay đổi quyền lực nhanh chóng ở Venezuela đã thất bại".
Bà cũng đặt câu hỏi về sự hiện diện của các cố vấn quân sự Hoa Kỳ ở Colombia, nơi Hoa Kỳ duy trì ít nhất năm trong số ước tính 800 căn cứ trên toàn cầu, dường như là nhiều hơn mọi quốc gia khác trên thế giới cộng lại.
Nga bảo vệ sự hiện diện của mình ở Venezuela như một phần của "hợp tác kỹ thuật quân sự" được ký kết giữa Moscow và Caracas dưới thời người tiền nhiệm của ông Maduro, cố lãnh đạo Hugo Chávez. Moscow đã cùng với ông Maduro đề cập về những nỗ lực mới nhất của chính quyền Trump là có liên kết với lịch sử kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ chống lại phe cánh tả ở Mỹ Latinh. Còn Washington và các đồng minh cho rằng họ hành động vì mục đích nhân đạo khi Venezuela bị siêu lạm phát lịch sử, thiếu mất và điện – điều còn nghiêm trọng hơn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nguy cơ leo thang?
Cả Nga và Trung Quốc đã có sự hỗ trợ nhân đạo cho Venezuela và, trong khi Bắc Kinh từ chối gửi các cố vấn quân sự cho Venezuela, tập đoàn Rostec có trụ sở ở Moscow tuyên bố hôm thứ ba khai trương một trung tâm đào tạo phi công Venezuela cách điều khiển các máy bay trực thăng Nga hiện đại.
Ông Lavrov bác bỏ việc Nga lên kế hoạch can thiệp vào Venezuela như đã từng tham gia chống lại lực lượng thánh chiến ở Syria, nơi Moscow duy trì hai trong số ít các căn cứ ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhà ngoại giao cấp cao Nga cho biết hôm thứ Tư rằng nước ông sẽ tiếp tục ủng hộ ông Maduro.
Mỹ cùng với một số quốc gia Mỹ Latinh, EU và các nước khác ngoài châu lục đã tuyên bố ủng hộ thủ lĩnh đối lập Guaidó, trong khi Nga, Trung Quốc và một số nước khác vẫn thể hiện lập trường ủng hộ ông Maduro.
Như ông Lavrov lưu ý, các mối đe dọa từ các quan chức Washington cũng đã mở rộng sang Cuba và Nicaragua, cả hai đều do các chính phủ cách mạng lãnh đạo mà Hoa Kỳ trong quá khứ có căng thẳng. Phó Tổng thống Mike Pence cho biết hôm thứ Ba rằng Nhà Trắng đang xem xét "hành động mạnh mẽ không chỉ cô lập Venezuela mà còn cả hướng tới hành động mạnh mẽ chống lại Cuba".
"Người dân Venezuela bảo vệ chủ quyền và hòa bình với phẩm giá khi đối mặt với cuộc đảo chính điện đang diễn ra", Tổng thống Cuba Miguel Díaz-Canel đã tweet vào hôm thứ Tư, đề cập đến cáo buộc rằng Hoa Kỳ và các đồng minh của họ chịu trách nhiệm về việc mất điện ở Venezuela. "Các nhà cách mạng Bolivar và những người yêu nước bảo vệ hòa bình ở mọi góc độ, làng xã, đô thị, đại lộ, cộng đồng và khu phố."
Căng thẳng hiện nay đã gợi lên ký ức về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, đặc biệt kể từ khi Nhà Trắng quyết định đình chỉ hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung 1987 (INF) năm 1987 – với những quy định cấm các loại tên lửa từng là tâm điểm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư, ông Lavrov nói rằng một cuộc khủng hoảng như vậy sẽ "không tái diễn vào lúc này."