• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tầm nhìn của Trump về châu Á-Thái Bình Dương: Hòa bình thông qua sức mạnh (I)

Thế giới 25/11/2016 08:40

(Tổ Quốc)-Cố vấn của Trump phê phán chính sách xoay trục thiếu sức mạnh thực thi.

Thắng lợi bất ngờ của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11 đã làm tăng thêm tính không chắc chắn và các quan ngại tại nhiều vùng miền về sự kết thúc của chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình, của trật tự Mỹ (Pax Americana), thậm chí là trật tự của thế giới tự do phương Tây.

Thắng lợi của Trump sẽ tác động lớn tới vị trí Mỹ tại châu Á và quan hệ của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á/ASEAN. Trong khi khó mà dự đoán được chính sách đối ngoại của Trump sẽ như thế nào thì có vài chỉ dẫn góp phần cho dự đoán chính sách.

Một ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, 7/11/2016,   Alexander Gray và Peter Navarro đăng một bài phân tích trên tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy) nhan đề “Tầm nhìn của Trump hòa bình thông qua sức mạnh tại châu Á-Thái Bình Dương”[1]. GS Peter Navarro là cố vấn hàng đầu của Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử vừa qua. Bài viết phê phán Obama/Clinton trong việc thực hiện chính sách xoay trục/tái cân bằng.

Donald Trump cam kết xây dựng lực lượng hải quân hiện đại với 350 tàu chiến, trở thành "mũi giáo" thực hiện tầm nhìn hòa bình thông qua sức mạnh

Tái cân bằng bằng “cây gậy nhỏ” nên không kết quả

Năm 2011, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố với độc giả của Foreign Policy rằng Mỹ sẽ bắt đầu “xoay trục” về quân sự sang châu Á-Thái Bình Dương. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán và các đồng minh lâu đời của Mỹ đang có cảm giác Mỹ đã không chú ý tới tầm quan trọng chiến lược của châu Á trong suốt 10 năm của các cuộc chiến tranh ở Trung Đông.

Chính quyền Tổng thống Obama đã đúng khi đưa ra dấu hiệu trấn an đối với các đồng minh và đối tác châu Á. Tuy nhiên, chính sách xoay trục (sau này là tái cân bằng) đã thất bại trong việc nắm bắt thực tế rằng Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, đã cam kết sâu sắc với khu vực. Xoay trục cũng đã cho thấy là một chính sách khinh xuất, một chính sách “nói thì lớn nhưng lại mang một cây gậy nhỏ”, một chính sách chỉ mang đến nhiều hơn, chứ không phải ít hơn, sự hung hăng và bất ổn cho khu vực.

Ban đầu, xoay trục của Clinton và chính quyền Obama khẳng định lợi ích trong việc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, việc này đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Quốc hội. Ở Washington D.C, giới phân tích cũng chia sẻ sự đồng thuận rằng khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khuyến khích Trung Quốc. Một trong số những chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc ở Washington, Bonnie Glaser, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Trung Quốc nhận thấy Mỹ bị suy yếu do khủng hoảng tài chính; và nó đã tạo nhiều cơ hội cho Trung Quốc thử Mỹ và nỗ lực thúc đẩy lợi ích của mình với hi vọng Mỹ sẽ không phản ứng một các cứng rắn”.

Trung Quốc, với chương trình hiện đại hóa quân đội kéo dài nhiều thập kỷ mang lại nhiều hiệu quả, cùng với thặng dư thương mại lớn so với Mỹ, đã giành thế thượng phong để phô trương sức mạnh cơ bắp của mình. Xoay trục của Mỹ dường như là một phản ứng thích hợp và kịp thời.

Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để chính sách này đánh mất sức mạnh và động lực. Ban đầu, chính sách này chủ yếu là những động thái tượng trưng về hỗ trợ ngoại giao và quân sự của Mỹ, ví dụ, điều các tàu khu trục đến Singapore và 2,500 lính thủy đánh bộ đến Darwin, Australia. Tuy nhiên, qua thời gian, chính quyền Obama đã cắt giảm mạnh quân đội của mình – đặc biệt là thu hẹp Hải quân, lực lượng được kì vọng là mũi giáo của xoay trục. Về việc triển khai chính sách xoay trục, Giáo sư Toshi Yoshihara của Đại học Chiến tranh Hàng hải của Mỹ cho rằng một “hạm đội đang co lại” sẽ “thủ tiêu những nỗ lực xoay trục của Mỹ sang châu Á”. Đồng nghiệp của ông, James Holmes, coi xoay trục là một chính sách “sai lầm”.

Kỳ lạ thay, lĩnh vực tiếp thêm động lực lớn nhất cho chính quyền Obama trong tái cân bằng lại là sự mở đường về kinh tế chứ không phải quân sự. Chính quyền đã đang thúc đẩy thông qua TPP, một siêu thỏa thuận gồm 12 nước chiếm gần 40% tổng GDP toàn cầu. Trong bối cảnh xoay trục, thỏa thuận TPP đã đến với dân chúng Mỹ không phải là một cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần kíp. (Cử tri ngày càng phản đối thỏa thuận thất bại đó khi hàng triệu việc làm của người Mỹ bị mang ra nước ngoài). Tuy nhiên, Obama và Clinton lại coi TPP là một giải pháp an ninh quốc gia nhằm kiềm chế Trung Quốc. Như Ash Carter, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng của Obama, khẳng định việc thông qua TPP còn “quan trọng với tôi hơn một chiếc tàu sân bay”.

Dĩ nhiên, “cây gậy nhỏ” Hải quân Mỹ đang bị thu hẹp hay chính sách xoay trục “lớn tiếng” đều không có giá trị trước một Trung Quốc đang quân sự hóa mạnh mẽ. Trong khi Mỹ tiếp tục chịu đựng việc lực lượng bị thu hẹp và một cuộc khủng hoảng sẵn sàng do giới hạn ngân sách thì Bắc Kinh đang cải tạo 3.000 héc ta đảo nhân tạo ở Biển Đông với phản ứng hạn chế từ Mỹ. Bắc Kinh cũng đơn phương tuyên bố lập “vùng nhận dạng phòng không” ở biển Hoa Đông, mở rộng tuyên bố chủ quyền phi lý ở khắp nơi từ Ấn Độ đến Indonesia, và làm tồi tệ thêm bản hồ sơ nhân quyền của mình.

Không phải chỉ có chính sách xoay trục yếu kém của Ngoại trưởng Clinton mới mang đến sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bà ấy cũng thực thi một cách đầy tin tưởng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Obama đối với Triều Tiên – một học thuyết đối ngoại chẳng có tác dụng gì ngoài làm gia tăng bất ổn và mối nguy.

Thực ra, từ khi Obama lên nắm quyền, Triều Tiên đã triển khai bốn vụ thử hạt nhân và đánh chìm một tàu hải quân Hàn Quốc. Triều Tiên cũng theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo mà sẽ đưa Bình Nhưỡng đi trên con đường thu nhỏ đầu đạn và phát triển tên lửa có khả năng vươn đến bờ tây nước Mỹ. Ngày nay, dù Mỹ nhiều lần cảnh báo và khẩn cầu Trung Quốc gây áp lực thì chính quyền của Kim Jong Un vẫn đứng vững, người Triều Tiên vẫn tiếp tục bị áp bức và chịu đựng nghèo đói, và mối nguy đối với Mỹ và đồng minh ngày càng dữ dội. Kiên nhẫn như vậy là quá đủ.

Các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực đang thất vọng do chính sách đối ngoại đi sai đường từ nhu nhược đến khoác lác. Việc Philippines mạnh mẽ bác bỏ sự lãnh đạo của Mỹ, xích lại gần Trung Quốc, là thất bại thảm hại hơn của chính sách đối ngoại Obama-Clinton ở châu Á. Thất bại này có lẽ do Clinton trực tiếp gây ra. Ít người ở Washington còn nhớ rằng chính quyền Obama đã từ chối can thiệp trong năm 2012 khi Trung Quốc ngang nhiên phá vỡ thỏa thuận được đàm phán bởi nhân vật cánh tay phải của Clinton, Kurt Campbell; Bắc Kinh đã xé vụn thỏa thuận đó bằng việc chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines sau khi đã thỏa thuận kiềm chế. Sự thất bại hoàn toàn của Washington trong việc duy trì nghĩa vụ của mình với một đồng minh lâu đời đã góp phần vào sự bất tín nhiệm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối với sự đảm bảo an ninh của Mỹ - và chyển sang liên minh với Trung Quốc.

Tuyên bố “lằn ranh đỏ” ít người biết đến như ở Syria của Obama bị coi là lời mời cho sự hung hăng chống lại Mỹ và các đồng minh khắp châu Á-Thái Bình Dương. Sự hiền lành của Obama đã khiến Mỹ kém sẵn lòng thực thi những cam kết an ninh lâu dài trước sự hung hăng của Trung Quốc và Triều Tiên. Sai lầm thảm họa này bị làm sâu sắc thêm bởi một chuỗi thất bại khác trong quan hệ song phương với các nước chủ chốt từ năm 2009. Thực ra, kinh cầu nguyện của các đồng minh và đối tác bị đối xử tồi tệ dưới thời Obama đang ngày càng dài thêm, và hệ quả chồng chất là sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực so với Trung Quốc.

Ví dụ, Thái Lan, một đồng minh hiệp ước của Mỹ với tình hình chính trị nội bộ hỗn loạn và bất ổn, đã tuột khỏi vòng tay của Mỹ sau khi quân đội nước này đảo chính. Nước này hiện đang ngày càng xích lại gần với Trung Quốc, thậm chí là trong các vấn đề an ninh.

Cách mà chính quyền Obama đối xử với Đài Loan cũng nghiêm trọng tương tự. Trở lại năm 2010, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo rằng cân bằng quyền lực trên bầu trời eo biển Đài Loan đang dịch chuyển sang phía Trung Quốc. Nhưng Đài Loan đã nhiều lần phủ nhận rằng thỏa thuận buôn bán vũ khí toàn diện mình cần là nhằm chống lại con mắt thèm thuồng của Trung Quốc dù thực tế là sự hỗ trợ đó được đảm bảo bởi đạo luật Quan hệ với Đài Loan.

May mắn thay, Mỹ có nhiều cơ hội để lấy lại vị thế địa chiến lược ở châu Á. Đó chủ yếu là do những tính toán sai lầm và sự liều lĩnh của Trung Quốc.

(Mời xem tiếp kỳ sau)

Lưu Việt


[1] Chúng tôi giới thiệu nguyên văn bài viết thành 2 kỳ. Tiêu đề là do chúng tôi đặt.

NỔI BẬT TRANG CHỦ