• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần và tham vấn tâm lý học đường

Văn hoá 21/08/2023 18:44

(Tổ Quốc) - Ngày 21.8, 200 đại biểu là lãnh đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, thị xã và cán bộ, giáo viên các trường TH&THCS, THPT, PTDT nội trú THCS và THPT, các trung tâm GDNN và GDTX trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tham dự Hội thảo tầm quan trọng của hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em và tham vấn tâm lý học đường.

Phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm

Hội thảo nhằm cụ thể hóa “Chương trình phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019-2024”.

Tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần và tham vấn tâm lý học đường - Ảnh 1.

Hội thảo tầm quan trọng của hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em và tham vấn tâm lý học đường.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên hiểu những vấn đề tâm lý mà học sinh thường gặp phải. Tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em trong quá trình phát triển. Cùng với đó, có kinh nghiệm trong hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em trong nhà trường. Nắm được ảnh hưởng của bạo lực giới đối với sức khỏe tâm thần trẻ em.

Tại hội thảo, các diễn giả của Tổ chức cứu trợ trẻ em thông tin về sức khỏe tâm thần lứa tuổi trẻ em và vị thành niên trong cuộc sống hiện đại; mối quan hệ giữa các yếu tố liên quan đến trường học và vấn đề sức khỏe tâm thần; sự phát triển toàn diện của trẻ vị thành niên. Các diễn giả cũng giải đáp và tư vấn một số vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý cho học sinh, vấn đề bạo lực học đường và hậu quả đối với sức khỏe tâm thần học sinh.

Diễn giả Lê Thị Phương Hoa - Tiến sĩ Tâm lý học, Trưởng bộ môn Tâm lý - Giáo dục của Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên giới thiệu về Tổ chức Cứu trợ trẻ em, chương trình bảo trợ trẻ em và cơ sở thực hiện các hoạt động về sức khỏe tâm thần trẻ em; tổng quan về sức khỏe tâm thần trẻ em và sức khỏe tâm thần vị thành niên; mối quan hệ giữa các yếu tố liên quan đến trường học và các vấn đề sức khỏe tâm thần; sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên; các mô hình/chương trình can thiệp trong trường học nhằm cải thiện sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên; kinh nghiệm triển khai mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường; vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong môi trường mạng và hậu quả gây ra đối với sức khỏe tâm thần trẻ em…

Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết: “Trên địa bàn có nhiều trường nội trú, bán trú, học sinh cả ngày ở trường nên cần đảm bảo an toàn cho các em. Hiện nay, mạng xã hội và nhiều nguồn thông tin không đảm bảo tác động tiêu cực đến học sinh. Qua đó, tác động đến sức khỏe tâm thần, sự phát triển của trẻ em”.

Từ thực tiễn nêu trên, Sở GD&ĐT Lào Cai đã có nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng các mô hình giáo dục an toàn lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Sở cũng cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở một số nơi về công tác chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý cho học sinh…

Đồng thời, ngành GD&ĐT Lào Cai cũng vận dụng nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu, chủ đề năm học: “Vì học sinh thân yêu, xây dựng trường học hạnh phúc, đổi mới và hội nhập”.

Hội thảo giúp cán bộ, giáo viên các nhà trường thêm hiểu những vấn đề tâm lý mà học sinh thường gặp phải; tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em trong quá trình phát triển. Đồng thời, có kinh nghiệm trong hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em trong nhà trường, từ đó có những giải pháp thực hiện công tác tham vấn tâm lý học đường cho trẻ em, xây dựng các mô hình hiệu quả.

Cần quan tâm sức khỏe tâm thần trẻ em

Sức khỏe tâm thần được xem là một bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe, trong đó sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần, mà còn bao hàm trạng thái thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân, tính tự chủ, năng lực và khả năng nhận biết những tiềm năng của bản thân.

Tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần và tham vấn tâm lý học đường - Ảnh 3.

Nghiên cứu của UNICEF Việt Nam nhằm mục đích cung cấp một cái nhìn tổng quan về thực trạng sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên, với những khác biệt về tỷ lệ tùy theo tỉnh, giới tính và đặc điểm của người trả lời.

Một khảo sát dịch tễ học gần đây trên mẫu đại diện quốc gia của 10 trong số 63 tỉnh/thành cho thấy mức trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội (ví dụ như lo âu, trầm cảm, cô đơn) và các vấn đề hướng ngoại (ví dụ như tăng động và giảm chú ý). Trong khi đang gia tăng lo ngại về tỷ lệ tự tử trong thanh thiếu niên ở Việt Nam, tỷ lệ tự tử của Việt Nam được báo cáo là thấp đáng kể so với những ước tính toàn cầu. Trong một nghiên cứu ở 90 quốc gia, trên tổng số ca tử vong ở vị thành niên là 9,1%, trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này là 2,3%.

Tuy nhiên, lạm dụng chất, đặc biệt là thuốc lá là phổ biến trong nam vị thành niên Việt Nam (gần 40%) (Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF, 2010).

Các kết quả từ nghiên cứu này cung cấp luận cứ hình thành các khuyến nghị về cách thức giải quyết các thách thức xung quanh vấn đề sức khỏe tâm thần và tổn thương tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên, đồng thời đóng góp cho các chương trình quốc gia hiện có.

Từ thực tiễn của Lào Cai và nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trẻ em, trẻ vị thành niên dựa trên nghiên cứu của UNICEF Việt Nam, hy vọng các địa phương sẽ chú trọng hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em trong nhà trường, từ đó có những giải pháp thực hiện công tác tham vấn tâm lý học đường cho trẻ em, xây dựng các mô hình hiệu quả./.

*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ