(Tổ Quốc) - Trong lần trả lời phỏng vấn Bloomberg mới đây, tham vọng này được ông chủ Trần Quý Thanh tái khẳng định mạnh mẽ.
Tính đến hiện tại, Tân Hiệp Phát đã đầu tư được 3 nhà máy với chi phí rót cho giai đoạn 1 đâu đó hơn 500 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng. Công ty dự tiếp tục sẽ đầu tư thêm 500 triệu cho giai đoạn thứ 2.
Thành tập từ năm 1994, Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát (THP) là một trong những doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh lớn nhất Việt Nam. Đơn vị này từng lọt vào TOP 5 đồ uống uy tín năm 2018.
Mục tiêu trong 5 năm tới, Tân Hiệp Phát muốn đạt 1 tỷ USD doanh thu, tuy nhiên hãng này khẳng định hãng phải mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt tại khu vực châu Á. Trong đó, Tân Hiệp Phát sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống phân phối tại những quốc gia mà hãng đã tiến hành giới thiệu sản phẩm.
Đặc biệt, nói về việc muốn cạnh tranh với ông lớn Red Bull tại châu Á, Chủ tịch Trần Quý Thanh nhấn mạnh: "Đó là tầm nhìn của Tân Hiệp Phát hướng đến, tuy nhiên điều phụ thuộc vào sự cạnh tranh trên thị trường. Chúng tôi không phải là những người duy nhất trong kinh doanh, đối thủ của chúng tôi cũng có khát vọng riêng của họ".
Tại sân chơi Đông Nam Á, sự hiện diện của hãng vẫn còn khá khiêm tốn. Trong chiến lược kinh doanh mới, Tân Hiệp Phát chính thức tham gia mảng nước tăng lực - dòng sản phẩm được cho là đang được ưa chuộng bởi người tiêu dùng Việt Nam và châu Á. Đồng thời, nước tăng lực còn là bước đi kỳ vọng giúp hãng thâm nhập sâu vào thị trường châu Á, chính thức cạnh tranh với người khổng lồ Red Bull.
Là công ty gia đình, cổ đông của Tân Hiệp Phát hiện là các thành viên gia đình ông Trần Quí Thanh. Theo số liệu mới nhất, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 256 tỷ đồng, với 3 cổ đông chính là bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Thanh) và hai con gái với tổng sở hữu 99,999%. Công ty Number One Hà Nam (vốn điều lệ 50 tỷ đồng) cũng tương tự với ông Thanh sở hữu 60% cổ phần và bà Trần Uyên Phương sở hữu 40%.