• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tân Tổng thư ký Liên hợp quốc mâu thuẫn với ông Trump?

Thế giới 12/03/2017 20:34

(Tổ Quốc) -  Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi LHQ là “một câu lạc bộ chỉ để cho mọi người đến tụ tập, tán gẫu và thư giãn.”

Ông António Guterres đảm nhận chiếc ghế Tổng thư ký Liên Hợp Quốc có lẽ vào đúng thời điểm có tính thử thách lớn nhất trong lịch sử 71 năm tồn tại của tổ chức này. Hơn 65 triệu người trên thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa bởi vì các cuộc khủng hoảng và xung đột – một con số lớn hơn rất nhiều so với những gì đã từng được thống kê trong Thế chiến thứ hai. Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, thế giới có thể sẽ phải chịu đựng bốn nạn đói chỉ trong vòng một năm. 

Thử thách khó khăn trước nước Mỹ

Khoảng cách giữa nhu cầu của công tác hỗ trợ nhân đạo với các quỹ của Liên Hợp Quốc (LHQ) không hề nhỏ. Và quốc gia đóng góp lớn nhất của tổ chức này - nước Mỹ - vừa có một chính phủ mới. Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi LHQ là “một câu lạc bộ chỉ để cho mọi người đến tụ tập, tán gẫu và thư giãn.”

Ông Guterres được nhận xét là sự kết hợp “hiếm có”, giữa một chuyên gia đàm phán tài năng, với nhiều năm kinh nghiệm trên chính trường, và một nhà hoạt động nhân đạo tận tâm, từng có thời gian dài “lăn lộn” tại các thực địa… Trở thành Tổng thư ký thứ 9 của LHQ, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha giờ đây đứng trước một giai đoạn khó khăn: một mặt thể hiện sự không đồng tình đối với những chính sách tranh cãi của nước Mỹ mà ông từng miêu tả là “vô nhân đạo”, cùng lúc không làm mất đi nguồn tài chính quan trọng của LHQ.

Tổng thống Trump từng bày tỏ sự không hài lòng với LHQ

Một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay của ông Guterres, đó là việc Mỹ và châu Âu đang ngày càng tăng cường các biện pháp hạn chế đối với người nhập cư và tái định cư cho người tị nạn, và điều này có thể nhanh chóng lan ra toàn thế giới. Ngài Tổng thư ký lưu ý, phần lớn người tị nạn hiện đang sinh sống tại các quốc gia đang phát triển. “Khó có thể giải thích cho một quốc gia hiện đang có khoảng 500.000 người tị nạn như Kenya rằng, họ nên tiếp tục chấp nhận một số lượng tương tự, trong khi Mỹ và một vài nước châu Âu lại đang áp dụng một số biện pháp [hạn chế],” ông Guterres cho biết.

Truyền thông thế giới dành quá nhiều chú ý cho Trump

Theo tờ Washington Post, ông António Guterres theo đuổi cả chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa lý tưởng. Khi còn trẻ, ông từng phản đối chế độ độc tài ở Bồ Đào Nha và trở thành Thủ tướng khi nền dân chủ được thiết lập. Từ năm 2005 – 2015, Guterres đứng đầu cơ quan tị nạn của LHQ, từng thường xuyên có mặt tại các vùng chiến sự và các trại tị nạn trên toàn thế giới.

“Tôi cảm thấy một xúc cảm vô tận về nghĩ vụ phải giảm thiểu tối đa những mảnh đời thống khổ, và phải chiến đấu để họ [con người] không phải chịu đựng nỗi thống khổ đó nữa”, ông Guterres nói về những câu chuyện tang thương do chiến tranh và đói nghèo gây ra mà mình tận mắt chứng kiến.

Ông António Guterres trong chuyến thăm đến Somalia ngày 07/3 vừa qua

Trong chuyến thăm mới nhất đến thành phố Baidoa của Somalia, tân Tổng thư ký LHQ bày tỏ sự không hài lòng vì những động thái của Tổng thống Trump đã thu hút hết sự chú ý của giới truyền thông; trong khi đó, không mấy ai để ý đến việc bốn quốc gia đang trên bờ vực của nạn đói. Tháng trước, ông Guterres cảnh báo rằng, 20 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói tại Yemen, Nigeria, Nam Sudan và Somalia; đồng thời kêu gọi phải có ít nhất 4,4 tỷ USD tiền cứu trợ.

Hiển nhiên, đây không phải là một khoản tiền dễ có. Chính quyền Donald Trump từng không ít lần ám chỉ sẽ tiến hành cắt giảm lớn đối với viện trợ nước ngoài, trong đó, rất có thể sẽ bao gồm cả khoản đóng góp cho LHQ. “Mối quan hệ giữa Mỹ và LHQ đang trong một giai đoạn thử thách chưa từng có trong lịch sử; một phần lý do là hệ tư tưởng và một phần khác là ngân sách,” Peter Yeo, Phó Chủ tịch Quỹ LHQ cho biết.

Tổng thư ký của hành động và quyết định

Nhiều ý kiến cho rằng, vị Tổng thư ký tiền nhiệm, ông Ban Ki-moon thường rất “miễn cưỡng” khi nêu ra các vấn đề có thể gia tăng căng thẳng giữa các cường quốc hoặc có dính líu đến LHQ; điển hình là việc tổ chức này không đưa ra nhận định rõ ràng ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột Syria; hay việc chậm thừa nhận vai trò của Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ trong bạo động tại Haiti…

Theo Akshaya Kumar, Phó Giám đốc của tổ chức Quan sát Nhân quyền thuộc LHQ, ông Guterres “có trách nhiệm phải thúc đẩy Hội đồng [Bảo an] nói về những vấn đề mà họ chưa sẵn sàng để thảo luận”, bao gồm nhân quyền tại Myanmar, xung đột tại Yemen…

Ngài Tổng thư ký từng tuyên bố những kế hoạch tham vọng – giảm tính quan liêu trong bộ máy vận hành của LHQ, tăng cường các chiến dịch của Lực lượng gìn giữ hòa bình và tập trung ngăn ngừa các xung đột trước khi chúng xảy ra. Hiện LHQ dành khoảng 70% ngân quỹ của mình cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, một vụ scandal quấy rối tình dục liên quan đến các binh lính thuộc lực lượng này, vẫn đang là một vết nhơ chưa gột sạch được của LHQ trong những năm gần đây.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Guterres cho rằng, một số nhiệm vụ của Lực lượng gìn giữ hòa bình không có đủ kinh phí, hoặc được tiến hành tại một số quốc gia nơi “không có hòa bình để mà gìn giữ”. Ông lấy Nam Sudan làm ví dụ. Cuộc nội chiến tại đây đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, và để bảo vệ được thường dân, một chiến dịch cần phải được “điều hành kỹ càng hơn nhiều”. Hay tại Mali, các binh lính LHQ thiếu sự năng động, hiệu quả…”, lại còn thường xuyên bị các tay súng Hồi giáo cực đoan vũ trang tấn công, ông Guterres cho biết. Hôm thứ Năm (09/3), một loạt các biện pháp nhằm chấm dứt việc quấy rối tình dục trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ cũng đã được ngài Tổng thư ký tuyên bố.

Là một người cống hiến hết mình cho các hoạt động tình nguyện, ít ai biết rằng, sau khi rời vị trí Thủ tướng, ông Guterres từng hàng tuần đến các khu ổ chuột để dạy toán cho trẻ em nghèo. Năm 2005, nhận thấy cơ quan tị nạn của LHQ bị tập trung hóa quá nhiều, khi trở thành người lãnh đạo, ông đã đóng cửa nhiều bộ phận tại Geneva, cũng như tại trụ sở chính, và điều nhân viên đến các văn phòng được thành lập gần các khu tị nạn. Guterres cũng từng phàn nàn, thói quan liêu và kiểm soát an ninh quá nghiêm ngặt của cơ quan này đã khiến nhiều kế hoạch hành động của ông bị ảnh hưởng.

Tổng thư ký António Guterres với trẻ em tỵ nạn Syria

“Ông ấy có một khát vọng to lớn để hành động và đưa ra quyết định,” Hervé Ladsous, một quan chức gìn giữ hòa bình hàng đầu của LHQ nhận xét về nhà lãnh đạo mới của một trong những tổ chức quan trọng nhất trên thế giới.

(Theo Washington Post)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ