• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng mức xử phạt, tạo chuyển biến trong ý thức tham gia lễ hội

Văn hoá 28/04/2021 15:30

(Tổ Quốc) - Mùa lễ hội năm 2021 là mùa thứ hai nhiều lễ hội đã phải tạm dừng tổ chức bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội, ngay từ đầu năm, Bộ VHTTDL đã có định hướng và giải pháp cụ thể.

Tăng mức xử phạt vi phạm

Ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, trong đó quy định xử phạt những hành vi vi phạm về tổ chức lễ hội là nội dung được các cơ quan quản lý và các địa phương, BQL di tích, BTC lễ hội đặc biệt quan tâm.

Tăng mức xử phạt, tạo chuyển biến trong ý thức tham gia lễ hội - Ảnh 1.

Các hành vi nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam đều bị phạt (ảnh minh họa).

Theo đó, tại Mục 3, Điều 14 Nghị định nêu rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng đối với các hành vi: Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đồng đối với hành vi không báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.

Các hành vi như không thành lập BTC lễ hội theo quy định; bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích; không tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh hoặc bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác; không thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người tham gia lễ hội sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Hành vi lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi; Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam; Ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lễ hội theo quy định phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không thông báo; tổ chức lễ hội không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc nội dung đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đặc biệt là các hành vi bị quy định mức xử phạt cao tại Nghị định 38, với mức phạt tiền từ 15-20 triệu đồng, gồm: Tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa; thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức hoạt động mê tín dị đoan…

Cùng với việc quy định rõ và tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội, không phù hợp với truyền thống văn hóa… và các nội dung như tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dừng tổ chức các lễ hội và công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các điểm di tích, lễ hội…là cơ sở để các địa phương chú trọng xây dựng những giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội hiện nay.

Nâng cao ý thức tham gia lễ hội

Trên cơ sở những điểm mới của Nghị định, các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh lễ hội.

Tăng mức xử phạt, tạo chuyển biến trong ý thức tham gia lễ hội - Ảnh 2.

Công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, sâu rộng nên ý thức tự giác và tính chủ động của người dân trong phòng, chống dịch bệnh được nâng cao (ảnh minh họa mùa lễ hội 2019)

Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, sâu rộng nên ý thức tự giác và tính chủ động của người dân trong phòng, chống dịch bệnh được nâng cao. Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi; tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã... Công tác thanh, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Việc thực hiện Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian qua cũng góp phần tạo nên nhiều chuyển biến về ý thức của BTC và người tham gia lễ hội.

Ngay từ đầu năm, hầu hết các địa đều ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Công văn của UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu thực hiện nghiêm quản lý nhà nước về lễ hội theo Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2028 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Nghiêm túc triển khai quy trình phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Yêu cầu bắt buộc đối với người dân đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động du lịch; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao tại nơi công cộng; tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tham gia lễ hội theo hướng dẫn của ngành y tế. Tổ chức các phương án về đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động, khách du lịch, người tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, khách tham quan bảo tàng và các di tích, người tham gia lễ hội. Điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức lễ hội để đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh. Trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng: Căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm dừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội.

Để tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện "mục tiêu kép", vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021 theo Công văn số 4323/BVHTTDL-VHCS ngày 19/11/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 7/12/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã ban hành công văn số 4366/UBND-VXNV về công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2021 phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19.

Các địa phương tích cực, chủ động vào cuộc, xây dựng phương án tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19; yêu cầu nhân dân thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế tại các di tích, địa điểm tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 đã tạo chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức của người dân tham gia hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao và du lịch tại địa phương./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ