(Tổ Quốc) - Mặc dù chưa đáp ứng được cam kết sử dụng 2% GDP cho ngân sách quốc phòng nhưng chi tiêu quân sự của Na Uy vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới.
Tờ Klasselampen đưa tin, Đại sứ Mỹ Kenneth Braithwaite đã chuyển tới một số quan chức cấp cao của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Na Uy một thông điệp rằng, Tổng thống Donald Trump không hài lòng với cách Oslo chi tiêu vào phòng thủ.
"Ông ấy [Braithwaite] khẳng định rõ điều đó và ông ấy không thỏa mãn", Phó Ủy ban Christian Tybring-Gjedde chia sẻ với Klasslampen.
Là nước láng giềng chia sẻ đường biên giới dài gần 200km với Nga, Na Uy đang đứng trước sức ép từ Mỹ phải gia tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất 2% GDP. Năm 2018, chi phí quốc phòng của quốc gia này là 1,62% GDP.
"Mỹ chỉ ra, Na Uy là nước duy nhất trong NATO có biên giới với Nga mà không đạt được mục tiêu 2% GDP", ông Tybring-Gjedde giải thích. Theo ông, quan ngại trên đã được Mỹ đề cập tới từ lâu trước đây. Tuy nhiên, điều mới mẻ là Washington đang ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn về những hậu quả có thể xảy ra.
Ông Hårek Elvenes, một chính trị gia thuộc Đảng Bảo thủ cầm quyền xác nhận, ông và Đại sứ Braithwaite đã có cuộc gặp gỡ vào giữa tháng 8 vừa qua.
"Ngài Đại sứ nhấn mạnh sự nghiêm túc của tình huống chính sách an ninh và những giới hạn trong trách nhiệm của Mỹ đối với chính sách an ninh trên toàn thế giới", ông Elvenes kể lại.
Theo tờ Klassekampen, ông Braithwaite cũng đã gặp gỡ phát ngôn viên phụ trách quốc phòng của Đảng Trung dung Liv Signe Navarsete và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Anniken Huitfeldt của Đảng Lao động Na Uy.
"Na Uy vừa là một thành viên sáng lập NATO và là một thành viên chủ chốt của liên minh, đồng thời có khả năng tài chính đáp ứng các cam kết này. Tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Na Uy cần phải thể hiện sự lãnh đạo và đạt mục tiêu 2% trước năm 2024", ông Braithwaite nói.
Tuy nhiên, Na Uy luôn là một trong 10 nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới. Các nước NATO khác có biên giới với Nga (Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia) để có GDP thấp hơn Na Uy. Mặc dù dân số chỉ chưa đầy 5,5 triệu người nhưng Na Uy là một trong những quốc gia giàu có nhất châu Âu.
Oslo cũng là một trong những thành viên NATO đầu tiên tỏ ý muốn mua các phi cơ chiến đấu tàng hình thế hệ năm F-35 do Mỹ sản xuất.