(Tổ Quốc) - Một loạt các yếu tố, bao gồm tác động kinh tế bất lợi của đại dịch COVID-19, dân số già và sự di chuyển vốn, đang tạo ra một kịch bản khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách Nga. Trong khi nền kinh tế đã phục hồi trở lại vào năm 2021, tất cả những thách thức mà Nga phải đối mặt trong thập kỷ qua vẫn sẽ tồn tại trong năm 2022.
Triển vọng chính trị
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng mà Nga đạt được trong những năm 2000 sau khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đã chậm lại đáng kể trong thập kỷ qua. Năm 2021 cũng không phải là ngoại lệ, khi việc đóng cửa và các hạn chế khác liên quan đến đại dịch virus corona tiếp tục cản trở triển vọng của nền kinh tế Nga. Các nhà hoạch định chính sách rơi vào tình thế khó khăn khi phải đảm bảo các nhu cầu cạnh tranh giữa lúc nền kinh tế bị bao vây bởi nhiều thách thức.
Mô hình tăng trưởng kinh tế dầu mỏ của Nga đã mất đi động lực vào năm 2013 khi tăng trưởng giảm xuống 0 mặc dù giá dầu vẫn ở mức hơn 100 USD/ thùng vào thời điểm đó. Việc không kịp thực hiện các cải cách cơ cấu sâu sắc cần thiết để tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế đã khiến nước này rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nhận thức được vấn đề này, vào năm 2018, Điện Kremlin đã khởi động 12 dự án quốc gia được cho là sẽ giúp "chuyển đổi" nền kinh tế, nhưng một loạt cú sốc bên ngoài như sự sụp đổ của giá dầu vào năm 2020 và đại dịch Covid-19 đã khiến kế hoạch này bị trì hoãn.
Các nhà kinh tế nhất trí cho rằng đầu tư vào đổi mới công nghệ và cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực năng suất cao sẽ là một yếu tố thiết yếu thúc đẩy chính sách kinh tế thành công ở Nga. Các kế hoạch phát triển hiện tại như Các dự án ưu tiên quốc gia (được công bố lần đầu vào năm 2005) và Kế hoạch phát triển thống nhất đến năm 2030 (được phê duyệt gần đây nhưng chưa được công bố) đã được xây dựng với mục đích này và hy vọng sẽ nuôi dưỡng các lĩnh vực kinh tế có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất.
Khi nền kinh tế đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng, Nga đang ở vị trí tốt nhất trong nhiều năm để đạt được tiến bộ trên mặt trận cải cách vào năm 2022, tuy nhiên, vẫn cần phải xem liệu ý chí chính trị của nước này có thực sự mạnh mẽ hay không.
Triển vọng kinh tế vĩ mô
Nền kinh tế Nga đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào năm 2021 sau khi đà suy giảm diễn ra mạnh nhất trong 11 năm là 3% vào năm 2020. Nhưng giờ đây họ có thể phải đối mặt với những khó khăn do giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chính của nước này giảm và nhiều đợt tăng lãi suất.
Báo cáo mới nhất về Kinh tế Nga từ Ngân hàng Thế giới dự kiến tăng trưởng của Nga sẽ chậm lại vào năm 2022 và 2023 sau khi phục hồi mức tăng trưởng GDP 4,3% vào năm 2021. Ngân hàng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 từ 2,8% xuống 2,4% và giảm xuống 1,8% vào năm 2023.
Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) vào tháng 11/2021cũng cắt giảm triển vọng của Nga cho năm 2022 xuống còn 3%, viện dẫn rủi ro từ việc giá dầu có thể giảm vào năm 2022 và tác động của các biến thể virus corona.
Ngân hàng Thế giới cũng nêu tên 4 rủi ro chính đối với nền kinh tế Nga: đại dịch, lạm phát gia tăng bất ngờ, các lệnh trừng phạt quốc tế và về lâu dài là chuyển đổi năng lượng xanh. Tỷ lệ tiêm phòng thấp ở Nga khiến đại dịch trở thành mối đe dọa đặc biệt lớn đối với nền kinh tế.
Trong một báo cáo về triển vọng kinh tế khu vực, EBRD cho biết nền kinh tế Nga được thúc đẩy bởi các chương trình chi tiêu xã hội – vốn được lợi từ doanh thu hàng hóa cao hơn. Căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là nguy cơ bị trừng phạt thêm, liên quan đến căng thẳng quân sự ở biên giới Ukraine, cũng đè nặng lên triển vọng tăng trưởng.
Dự báo của EBRD phù hợp với dự báo của Ngân hàng trung ương Nga, dự kiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng 4,0-4,5% vào năm 2021 và 2,0-3,0%/năm vào năm 2022-2024.
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đang đi trước xu hướng thắt chặt tiền tệ. Họ là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên bắt đầu tăng lãi suất và là một trong những ngân hàng đầu tiên nhận ra rằng lạm phát không chỉ là một hiện tượng nhất thời. Đến thời điểm hiện tại, chu kỳ tăng lãi suất ở Nga gần như đã xong và các đợt tăng còn lại dường như đã được thị trường tài chính định giá đầy đủ.
Nga có thể sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc hỗ trợ tăng trưởng cao hơn hay ổn định tài khóa. Nếu lựa chọn thứ hai, Nga có thể phải tìm cách thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia. Sự phục hồi trong sản xuất dầu có thể là động lực chính vào năm 2022, đóng góp gần 1 điểm phần trăm.
Để khuyến khích các hộ gia đình gửi tiết kiệm, CBR có thể tăng lãi suất chính lên 9% vào quý 1 năm 2022 trước khi giảm xuống 8% vào cuối năm 2022. Giá hàng hóa cao hơn và sức hấp dẫn của giao dịch thực tế ở Nga so với các thị trường tiền tệ khác sẽ khiến đồng rúp trở thành điểm sáng vào năm 2022. Bất ổn địa chính trị và sức mạnh toàn cầu của đồng đô la Mỹ có khả năng cản trở sự tăng giá tiềm năng của đồng rúp, điều mà các nhà phân tích mong đợi dao động quanh tỷ giá RUB/USD là 71-72 trong năm 2022.