(Tổ Quốc) - Bà Park Jeonghee, 64 tuổi, mặc một chiếc váy truyền thống của Hàn Quốc và ngồi trước một lớp học của các trẻ em mẫu giáo.
Các em bé vây quanh bà với những đôi mắt lấp lánh sự tò mò. Khi thu hút đủ sự chú ý của khán giả, bà bắt đầu kể một câu chuyện dân gian với tựa đề "Giá của mùi vị, giá của âm thanh."
Bà là một "bà cụ kể chuyện" được đào tạo chuyên nghiệp.
Để thúc đẩy giao tiếp giữa các thế hệ và tăng cường sự tham gia vào xã hội đối với người cao tuổi, Viện Nghiên cứu Hàn Quốc đã phát động chương trình "bà già kể chuyện" vào năm 2009 để đào tạo nữ cao niên kể chuyện cổ tích cho trẻ mẫu giáo.
"Tôi kể hơn 30 câu chuyện cho trẻ em trong một năm. Tôi hy vọng chúng lớn lên và nhớ được ít nhất một bài học từ những câu chuyện đó, Từ đó giúp chúng trưởng thành với sự sáng tạo và bản chất tốt", bà Park – người đã trở thành chuyên gia kể chuyện 5 năm trước - nói với ABC News.
Cho đến nay, 4.665 phụ nữ trên toàn Hàn Quốc đã được đào tạo chính thức để kể những câu chuyện dân gian truyền thống thông qua chương trình này. Số lượng vẫn đang tăng lên để đáp ứng nhu cầu của các trường mẫu giáo.
"Trẻ em có được nhiều thứ hơn là một câu chuyện cũ, chúng học được những trải nghiệm sống nhiều năm của các bà" và "lúc đầu, các em nhỏ từng khó tập trung vào một câu chuyện chỉ bằng lời nói, nhưng bây giờ chúng mong chờ những câu chuyện các bà kể", Park Chunhui, một giáo viên mẫu giáo với 15 năm kinh nghiệm, cho biết.
Những người kể chuyện được trả khoảng 30 USD/h cho hoạt động này, nhưng họ nói rằng trải nghiệm về việc gặp gỡ trẻ em và kể cho chúng những câu chuyện quan trọng hơn là kiếm thêm tiền.
"Đó là thời điểm quan trọng để trẻ xây dựng tính cách và tập thói quen đúng đắn", theo Shin Youngae, 66 tuổi, một nhà tư vấn tâm lý học trẻ em - người quyết định trở thành một "bà già kể chuyện" để hiểu rõ hơn về đối tượng mà bà đang hướng đến. "Tôi cảm thấy tự hào và được trân trọng khi trở thành một phần của chương trình này, vì đây là nền giáo dục tốt nhất có thể dành cho trẻ em", bà Shin cho hay.
Viện Nghiên cứu Hàn Quốc tuyển dụng những người kể chuyện mỗi năm thông qua sàng lọc sơ yếu lý lịch và các cuộc phỏng vấn. Phụ nữ từ 56 đến 70 tuổi yêu quý trẻ em có đủ điều kiện để đăng ký vai trò này.
Những người được chọn trải qua khóa đào tạo chuyên sâu kéo dài 60 giờ để có thể truyền đạt những câu chuyện lâu đời, ông Kim Sehee, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hàn Quốc, nói với ABC News. Các câu chuyện truyền thống của Hàn Quốc được các chuyên gia lựa chọn cẩn thận và viết kịch bản để truyền đạt giá trị đạo đức nhất quán cho trẻ em, bất kể chúng sống ở đâu".