• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tập trận tại Biển Bắc hé lộ "thế khó" của Mỹ trước sức mạnh tàu ngầm Nga trỗi dậy

Thế giới 31/07/2020 10:57

(Tổ Quốc) - Hải quân Mỹ đang gia tăng đầu tư gia tăng năng lực chiến tranh chống tàu ngầm trước sự trỗi dậy của các hạm đội tàu ngầm Nga và Trung Quốc.

Trang Business Insider nhận định, việc các lực lượng hải quân NATO tiến hành cuộc tập trận chiến tranh chống tàu ngầm Dynamic Mongoose hồi cuối tháng 6 ở Biển Bắc, cho thấy mối quan tâm ngày càng gia tăng của liên minh quân sự về đối phó với tàu ngầm đối thủ trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc với Nga và Trung Quốc.

Tại cuộc tập trận, tàu khu trục Hải quân Mỹ USS Roosevelt và 4 tàu chiến trên mặt biển khác đã lần lượt đảm nhận vai trò săn đuổi và bị săn đuổi bởi tàu ngầm tấn công nhanh USS Indiana cùng 4 tàu khác trên vũng lãnh hải ngoài Iceland.

"Thật tuyệt vì chúng tôi có được một khu vực nhỏ, hạn chế như vậy, buộc các tàu ngầm và tàu mặt nước tương tác với nhau", Tư lệnh Ryan Kendall của tàu Roosevelt nói.

Roosevelt và các tàu Mỹ đem theo trực thăng được trang bị ngư lôi và hệ thống phát hiện tàu ngầm. Ngoải ra, 5 máy bay tuần dương bao gồm cả một chiếc Poseidon P-8 của Hải quân Mỹ cũng tham gia tập trận.

"Chúng tôi lần lượt điều khiển máy bay và trực thăng trên không trung. Vì vậy, phi cơ P-8 sẽ xuất hiện, thả một số phao định vị xuống biển và giúp xác định vị trí tàu ngầm", ông Kendall cho hay. "Các tàu mặt nước sẽ tới gần hơn để xem liệu chúng tôi có thể dàn trận hoặc định vị hoàn toàn các tàu ngầm hay không".

Các tàu ngầm như Indiana "kết hợp với các thành phần khác trong đội ngũ có thể cung cấp phản ứng nhanh và trên quy mô rộng", Chỉ huy David Grogan của tàu USS Indiana giải thích. "Chúng tôi là một thực thể kiên trì có thể sử dụng hiệu quả môi trường dưới nước để tối đa hóa khả năng phát hiện và theo dõi tàu ngầm đối thủ".

"Thông thường khi họ tiến hành một kịch bản tập trận, nó có thể là bất kì nơi nào từ 2 tới 3 giờ", ông Kendall chỉ ra. "Trong trường hợp này, chúng tôi tập trận liên tục trong 12 hoặc 22 giờ và bạn có các đội ngũ quan sát lần lượt lẫn nhau".

Phối hợp tàu chiến và phi cơ "có thể rất phức tạp vì một số lí do", ông Grogan nói. Để đôi ngũ của tôi làm quen với điều đó cũng như học cách vận dụng tốt nhất cho mỗi tàu ngầm và phi cơ… là yếu tố không thể thiếu để nâng cao năng lực chiến đấu".

Theo ông Kendal, tàu Roosevelt sẽ phân tích tình hình nước biển "theo từng giờ, từng ngày" bởi vì các thay đổi đồng nghĩ "chúng tôi sẽ có các giới hạn khác nhau trong hệ thống định vị".

"Anh không thể tiến hành huấn luyện nhân tạo với một hình mẫu do máy tính tạo ra để theo dấu tàu ngầm thực sự", ông bổ sung. "Anh cần những người thật đưa ra các quyết định thực sự và phải gánh chịu hậu quả từ những quyết định đó".

Chiến tranh chống tàu ngầm theo quy mô khác nhau

Hạm đội tàu ngầm của Nga và Trung Quốc ngày càng phát triển về cả lượng và chất đã khiến Hải quân Mỹ phải dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn cho chiến tranh chống tàu ngầm.

"Họ [Hải quân Mỹ] hoàn tất đưa P-8 bay thực địa, trang bị hệ thống định vị tàu ngầm mới AN/SQQ 89 lên tất cả các tàu khu trục và họ đã đầu từ vào một số hệ thống không người lái cho chiến tranh chống tàu ngầm", học giả Bryan Clark từ Viện Hudson đánh giá. "Họ cũng tập luyện nhiều hơn."

"Sứ mệnh quan trọng nhất của những động thái trên là chiến tranh chống tàu ngầm – về cơ bản nhằm vào các tàu ngầm Nga được triển khai tại căn cứ ở Bán đảo Peninsula nơi Hạm đội Bắc hùng mạnh đang đóng quân", ông Clark phân tích.

Trong Chiến tranh lạnh Khe hở Greenland-Iceland-Anh (GIUK Gap) là một khu vực có vị trí án ngữ hải quân trọng điểm giữa hạm đội của Nga và  Đại Tây Dương. "Chúng tôi vẫn phụ thuộc vào các vị trí án ngữ này như các đường giới hạn", chuyên gia của viên Hudson cho hay.

Còn theo Tư lệnh Kendall, các tàu ngầm Nga đi qua khu vực khe hở GIUK có thể đe dọa tới các liên kết của châu Âu với Bắc Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

"Phía Mỹ quan ngại sâu sắc về khả năng một số tàu ngầm hạt nhân Nga đi qua khe hở GIUK bởi vì các tàu đó có thể hoạt động xung quanh Đại Tây Dương cho tới khi phát hiện ra một tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ hoặc đe dọa an ninh bờ biển Mỹ", ông Clark giải thích.

Sau Chiến tranh lạnh, các tàu ngầm và phi cơ đảm nhận phần lớn trọng trách trong các sứ mệnh chiến tranh chống tàu ngầm. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ cũng đầu tư nhiều hơn vào các tàu mặt nước  bởi vì chúng giờ đây còn có nhiều nhiệm vụ khác. Các tàu mặt nước hiện cũng là một nền tảng phòng thủ tên lửa chủ chốt và chịu trách nhiệm cho các chiến dịch an ninh hàng hải. Điều này có nghĩa, chiến tranh chống tàu ngầm là "một sứ mệnh khác hàng đầu trong các sứ mệnh mà các tàu mặt nước phải làm".

Cuộc tập trận Dynamic Mongoose phản ánh một sự "không tương xứng". Ông Clark nói: "Mỗi lần Nga triển khai một tàu ngầm hạt nhân đi qua Khe GIUK, chúng tôi lại triển khai hơn chục phi cơ và tàu chiến tới đó và theo vết. Vì vậy Hải quân không được thiết kế để tiến hành chiến tranh chống tàu ngầm ở mọi quy mô".

Kịch bản của Dynamic Mongoose gồm 5 tàu ngầm nhưng Nga có thể triển khai nhiều hơn. Hồi tháng 10, Hạm đội Bắc của Nga đã cử 10 tàu ngầm tới Đại Tây Dương nhằm… kiểm tra năng lực phát hiện của NATO, đồng thời thể hiện Nga có thể là một nguy cơ cho Mỹ.

Theo Clark, cần phải đưa vào sử dụng các thiết bị không người lái để ngăn cản một vài tàu ngầm trong khi sử dụng các thiết bị người điều khiển để truy kích các tàu ngầm cần bị tiêu diệt.

"Anh phải quyết định tàu ngầm nào cần phải đánh chìm và tàu nào chỉ cần ngăn cản và quấy rối bởi vì anh không có đủ tàu ngầm để theo vết và tiêu diệt mọi tàu ngầm của đối thủ", chuyên gia này kết luận.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ