• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tàu tấn công đổ bộ: "Người hùng" thầm lặng của hải quân

Thế giới 10/09/2022 13:15

(Tổ Quốc) - Thường bị tàu sân bay chiếm hết ánh hào quang, tàu tấn công đổ bộ vẫn là con tàu đa năng và có vai trò quan trọng trong mỗi chiến dịch.

Rất ít tàu chiến được chú ý nhiều như tàu sân bay. Với kích thước khổng lồ và sự kỳ công về kỹ thuật, đây là những chiến hạm thiết yếu để thể hiện sức mạnh và biểu tượng của địa vị quốc gia.

Ngày nay, tám quốc gia - Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc - đang vận hành các loại tàu sân bay khác nhau, nhưng danh sách đó sẽ tăng lên khi tính thêm các tàu tấn công đổ bộ và tàu sân bay trực thăng.

Tàu tấn công đổ bộ và tàu sân bay trực thăng được sinh ra từ các chiến dịch của Thế chiến II. Chúng cho phép triển khai đồng thời bộ binh hải quân và hỗ trợ trên không.

Là tàu đa năng, các con tàu có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ đa dạng - đặc biệt là tác chiến chống tàu ngầm.

Mặc dù không hoành tráng như tàu sân bay, nhưng tàu tấn công đổ bộ và tàu sân bay trực thăng cho phép hải quân quy mô nhỏ có thể sử dụng các khả năng thường thấy ở các cường quốc hàng hải lớn hơn. Dưới đây là một số tàu tấn công đổ bộ đáng chú ý

Lớp San Giorgio

Các tàu lớp San Giorgio của Ý đã được sửa đổi nhiều kể từ khi chiếc đầu tiên được đưa vào hoạt động năm 1988. Hai con tàu đầu tiên, San Giorgio và San Marco, dài 132m và có lượng choán nước khoảng 7.900 tấn. Tàu thứ ba, San Giusto, có sức chứa hơn 8.000 tấn.

Chúng có thể chở tới 350 binh sĩ và 36 xe bọc thép. Ban đầu các tàu còn được trang bị súng 76 mm gắn ở mũi tàu, nhưng nay chỉ có San Giusto vẫn giữ lại.

San Giorgio và San Marco đã được sửa đổi để boong tàu có thêm chiều dài cho bốn trực thăng - chủ yếu là AW101, AB-212 hoặc SH-90 - có thể hoạt động. Do đó, chúng chỉ có thể mang theo hai tàu đổ bộ để vận chuyển quân và thiết bị.

San Giusto chỉ có thể vận hành một trực thăng, nhưng nó có thể mang theo ba tàu đổ bộ.

Tàu 0891A và 075

Năm 1997, Trung Quốc đưa vào vận hành con tàu Type 0891A, còn được gọi là Shichang 82. Nó dài 136m và choán nước 9.500 tấn. Boong tàu có các điểm hạ cánh cho ít nhất hai trực thăng Harbin Z-9.

Không có vũ khí hoặc nhà chứa máy bay bên trong, tàu Shichang 82 hầu như chỉ được sử dụng để huấn luyện và vận tải, nhưng kinh nghiệm vận hành con tàu cùng sự nghiên cứu kỹ lưỡng về hải quân nước ngoài đã giúp Trung Quốc thiết kế chiếc tàu tấn công đổ bộ thực sự đầu tiên Type 075.

Có lượng giãn nước khoảng 36.000 tấn và dài 230m, Type 075 có thể chở 30 trực thăng, chủ yếu là Z-8, Z-9và Z-20, hoặc có thể là cả mẫu K-52K do Nga sản xuất. Type 075 có thể chở hàng chục xe bọc thép, khoảng 900 quân và nhiều thủy phi cơ.

Ba chiếc Type 075 đã được hoàn thành - hai chiếc được đưa vào hoạt động vào năm 2021 - và Trung Quốc dự kiến sẽ xuất xưởng tổng cộng tám chiếc. Ngoài ra còn có các báo cáo về khả năng phát triển tàu mới Type 076, có thể trang bị máy phóng điện từ có khả năng phóng máy bay không người lái cánh cố định.

Tàu tấn công đổ bộ: "Người hùng" thầm lặng của hải quân - Ảnh 1.

Ocean và Atlantico

Năm 1998, Hải quân Hoàng gia Anh đưa vào biên chế HMS Ocean, được thiết kế để chở 800 lính thủy đánh bộ và tối đa 40 phương tiện.

Sau 20 năm phục vụ trong Hải quân Hoàng gia, con tàu đã được bán cho Brazil vào năm 2018. Nó được đưa vào hoạt động trở lại cùng năm với chiếc Atlantico đã được nâng cấp. Vào năm 2020, Brazil công bố rằng Atlantico có thể vận hành máy bay không người lái cánh cố định và máy bay cánh quạt nghiêng.

Sàn tàu dài 220m có thể chứa ít nhất sáu máy bay trực thăng cùng một lúc, chủ yếu là sự kết hợp của EC725 Caracal, S-70B Seahawk và AS350 Ecureuil các phiên bản. Khoang chứa máy bay của tàu có thể chứa tổng cộng 18 máy bay trực thăng.

Lớp Hyuga, Izumo và Osumi

Không chịu thua kém, Nhật Bản năm 2009 đã đưa vào vận hành chiếc đầu tiên trong số hai chiếc khu trục trực thăng lớp Hyuga.

Chiều dài con tàu là 224m và choán nước khoảng 18.000 tấn, thường mang theo ba chiếc SH‐60K Seahawk và một chiếc MCH‐101.

Chúng cũng được trang bị 16 ô tên lửa phóng thẳng đứng Mk 41, hai hệ thống vũ khí tầm gần Phalanx và hai ống phóng ngư lôi ba nòng.

Ngoài hai tàu Hyuga, Nhật Bản đang chuyển đổi hai tàu sân bay trực thăng lớp Izumo trở thành tàu sân bay chính thức có thể vận hành máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng F-35B.

Nhật Bản cũng có ba tàu đổ bộ lớp Osumi chủ yếu có nhiệm vụ vận chuyển quân, phương tiện và tàu đổ bộ nhưng cũng có thể vận hành trực thăng trên boong.

Lớp Wasp và America

Hải quân Mỹ có hai loại tàu tấn công đổ bộ: lớp Wasp và lớp America.

USS Wasp đi vào hoạt động năm 1989. Con tàu dài 300m có thể chở 5 xe tăng M-1, khoảng 35 xe bọc thép hạng nhẹ và khoảng 1.800 lính thủy đánh bộ. Nó có lượng giãn nước là 40.500 tấn.

Tám tàu lớp Wasp đã được đóng, nhưng một trong số đó là chiếc USS Bonhomme Richard đã bị hư hại do hỏa hoạn vào năm 2020.

Tàu lớp America có chiếc đầu tiên đi vào hoạt động năm 2014, có chiều dài tương tự nhưng có choán nước hơn 44.000 tấn. USS America và tàu thứ hai USS Tripoli cũng có thể chở khoảng 1.800 lính thủy đánh bộ, nhưng các tàu này hướng về hoạt động trên không và không có boong phù hợp cho các hoạt động khác.

Mạnh Kiên

NỔI BẬT TRANG CHỦ