• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tàu thăm dò Sao Hỏa Perseverance: Giấc mơ khám phá của loài người chưa từng gần hiện thực hơn thế

Thế giới 22/02/2021 14:24

(Tổ Quốc) - Hôm thứ năm (18/2), tàu thăm dò Perseverance của NASA đã đáp xuống Sao Hỏa sau hành trình dài khoảng 475 triệu km từ Trái đất.

Ngay sau khi hạ cánh, "Percy" (tên gọi thân mật của tàu thăm dò) đã gửi về trung tâm điều hành những hình ảnh đầu tiên của Sao Hỏa. Kể từ khi rời Trái đất hơn 6 tháng trước, Perseverance đã trải qua quãng đường gần 500 triệu km. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, con tàu và đội ngũ hỗ trợ đã vượt qua rất nhiều khó khăn để hoàn tất các công đoạn chuẩn bị cất cánh cuối cùng.

"Việc đáp xuống Sao Hỏa là một trong những thời khắc quan trọng nhất cho NASA, nước Mỹ và khám phá vũ trụ toàn cầu", một lãnh đạo của NASA là Steve Jurczyk nói. "Bản thân nhiệm vụ Perseverance Sao hỏa 2020 đã nhân cách hóa quyết tâm của con người kiên gan hướng tới tương lai và sẽ giúp chúng ta chuẩn bị cho sứ mệnh khám phá của chính con người tới Hành tinh Đỏ vào năm những năm 2030", đại diện của NASA cho biết thêm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã điện thoại chúc mừng ông Jurrczyk và đội ngũ tham gia Perseverance Sao hỏa 2020.

"Chúc mừng NASA và những người đã làm việc chăm chỉ để hiện thực hóa cú hạ cánh lịch sử của Perseverance. Ngày hôm nay một lần nữa chứng minh rằng với sức mạnh khoa học và tài năng của nước Mỹ, không có gì là không thể xảy ra", ông Biden viết trên Twitter.

Tàu thăm dò Sao Hỏa Perseverance: Giấc mơ khám phá của loài người chưa từng gần hiện thực hơn thế - Ảnh 1.

"Xin chào. Cái nhìn đầu tiên của tôi về ngôi nhà vĩnh viễn của mình": Cập nhật trên Twitter đăng kèm với hình ảnh đầu tiên tàu Perseverance chụp Sao Hỏa sau khi hạ cánh (ảnh: NASA)

Tìm hiểu và khám phá Sao Hỏa luôn là một trong những ước vọng lớn nhất của loài người. Perseverance mang theo kỳ vọng sẽ phát hiện được các chứng cứ trả lời cho những bí ẩn xung quanh hành tinh láng giềng của Trái đất. Con tàu là tập hợp của những cái "đầu tiên"; Cuộc tìm kiếm về dấu hiệu cuộc sống cổ đại trên Sao Hỏa; Chuyến bay bằng trực thăng đầu tiên trên một hành tinh khác; Những ghi âm đầu tiên về âm thanh trên Hành tinh Đỏ.

Trong vòng vài năm tới, Perseverance – con tàu thăm dò hiện đại nhất từ trước tới nay của NASA, sẽ có rất nhiều việc phải làm.

"Percy" sẽ tìm hiểu về nơi mình hạ cánh - Hồ Jezero. Đây từng là một chiếc hồ lớn có niên đại 3,9 tỷ năm. Con tàu cũng sẽ tìm kiếm các mẫu hóa thạch siêu nhỏ (microfossil) trong đất và đá tại Jezero. Sứ mệnh tiếp theo vào những năm 2030 sẽ là đem những vật mẫu mà Perseverance thu được quay trở về Trái đất.

Cùng với Perseverance, lần đầu tiên NASA sẽ thử nghiệm bay trực thăng trên một hành tinh khác ngoài trái đất với chiếc trực thăng  có tên gọi là Ingenuity.

Tàu thăm dò Sao Hỏa Perseverance: Giấc mơ khám phá của loài người chưa từng gần hiện thực hơn thế - Ảnh 2.

Hình ảnh cho thấy Perseverance hạ cánh xuống điểm an toàn (màu đỏ là các chướng ngại vật) (ảnh: NASA)

"Perseverance là bước đầu tiên để đưa đất, đá từ Sao Hỏa về lại Trái đất. Chúng tôi vẫn chưa biết biết những vật mẫu đó sẽ chứa đựng điều gì. Nhưng rất có thể đó sẽ là một điều phi thường – bao gồm cả việc sự sống từng tồn tại bên ngoài Trái đất.

Vì các quy định trong mùa dịch bệnh COVID-19, nhiều nhân viên trong đội ngũ Perseverance đã không thể trực tiếp có mặt tại trung tâm điều hành của NASA. Tuy nhiên đây cũng là lần đầu tiên những người còn lại có thể ở cùng nhau tại trung tâm điều hành trong một thời gian lâu đến như vậy.

Tàu thăm dò Sao Hỏa Perseverance: Giấc mơ khám phá của loài người chưa từng gần hiện thực hơn thế - Ảnh 3.

Các nhân viên tại trung tâm điều hành của NASA vui mừng khi tàu Perseverance hạ cánh thành công trên Sao Hỏa (ảnh: NASA)

Hạ cánh xuống Sao Hỏa: "7 phút kinh hoàng"

Perseverance là vụ hạ cánh thứ 9 mà NASA thực hiện trên Sao Hỏa, đồng thời là tàu thăm dò thứ 5. Để đáp xuống an toàn, nó phải trả qua "7 phút kinh hoàng" nổi tiếng.

Thời gian để tín hiệu radio một chiều từ Trái đất đến Sao Hỏa mất khoảng 11 phút, điều này có nghĩa là quá trình con tàu đáp xuống Sao Hỏa mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ đội ngũ NASA tại Trái đất – kéo dài đến 7 phút.

Nặng hơn 1.000 tấn, "Percy" cũng là tàu thăm dò có trọng lượng lớn nhất từng được NASA phóng lên Sao Hỏa. Con tàu tiến vào tầng khí quyển Sao Hỏa với tốc độ hơn 19.300 km/h và 7 phút sau đó, nó phải giảm tốc xuống còn gần 3 km/h khi đáp nhẹ nhàng xuống bề mặt Hành tinh Đỏ.

Mục tiêu hạ cánh của Perseverance là một nền hồ và châu thổ sông cổ đại rộng khoảng 45 km – thách thức "khó nhằn" nhất trong số các vụ hạ cánh từ trước tới nay của NASA. Bề mặt nơi đây không bằng phẳng mà có những đụn cát, vách cao, nhiều hố nhỏ và mấp mô. Hai chức năng cải tiến là Định vị Địa hình và Xác định nhanh khoảng cách – cho phép Perseverance thực hiện được cú đáp hoàn hảo nhất có thể.

Tàu thăm dò Sao Hỏa Perseverance: Giấc mơ khám phá của loài người chưa từng gần hiện thực hơn thế - Ảnh 4.

Tàu thăm dò Sao Hỏa Perseverance: Giấc mơ khám phá của loài người chưa từng gần hiện thực hơn thế - Ảnh 5.

Một số hình ảnh khác Perseverance gửi về Trái đất (ảnh: NASA)

Sứ mệnh: Tàu thăm dò sẽ làm gì?

Sau khi đáp xuống, sứ mệnh hai năm của Perseverance đã bắt đầu ngay lập tức. Con tàu sử dụng một bản đồ tương tác trong suốt hành trình của mình. Những hình ảnh thô sơ do tàu gửi về sẽ được NASA đăng tải công khai trên trang web.

Đầu tiên, Perseverance phải trải qua thời kỳ "kiểm tra". Con tàu sẽ chụp lại hình ảnh môi trường xung quanh và gửi về Trái đất. Đội ngũ tại NASA sẽ có khoảng 1 tháng tiến hành kiểm tra các động cơ, cập nhật phần mềm chuẩn bị cho giai đoạn thăm dò. Cùng lúc, đội ngũ trực thăng sẽ đảm bảo trực thăng Ingenuity được an toàn, sẵn sàng hoạt động khi thời điểm đến.

Theo một quy trình khoảng 10 ngày, Perseverance sẽ thả trực thăng trên bề mặt Sao Hỏa và tránh xa khỏi nó. Trực thăng nhỏ nặng khoảng 1,8 kg sẽ phải "vượt qua" những đêm giá lạnh trên Hành tinh Đỏ và tự sạc bằng năng lượng Mặt trời trước khi bắt đầu chuyến bay đầu tiên – chỉ kéo dài 20 giây.

Perseverance sẽ tìm kiếm chứng tích của cuộc sống cổ đại cũng như nghiên cứu khí hậu, địa chất và thu thập các mẫu thử (sẽ được đem trở lại Trái đất trong một nhiệm vụ khác vào năm 2030).

Tàu thăm dò Sao Hỏa Perseverance: Giấc mơ khám phá của loài người chưa từng gần hiện thực hơn thế - Ảnh 6.

Một máy ảnh gắn phía trên ghi lại hình ảnh Perseverance lơ lửng trong không khí, hạ dần độ cao trước khi đáp xuống bề mặt Hành tinh Đỏ (ảnh: NASA)

"Các chức năng và chi tiết tối tân của Perseverance không chỉ giúp săn tìm vi khuẩn bị hóa thạch mà còn mở rộng kiến thức cho chúng ta về địa chất học cũng như quá khứ, hiện tại và tương lai của Sao Hỏa", Ken Farley – một thành viên của dự án Sao Hỏa 2020 chỉ ra. Theo ông, quãng đường khoảng 24 km mà Perseverance dự định di chuyển, sẽ mất hàng năm. Tuy nhiên, những gì giới khoa học có thể biết thêm về Sao Hỏa chắc chắn sẽ rất đáng giá. Để hoàn thành mục tiêu của mình, "Percy" sẽ đi với tốc độ chưa đầy 160 m/giờ - nhưng vẫn nhanh hơn gấp 3 lần so với các tàu thăm dò trước đây.

Perseverance cũng đem theo các thiết bị chuẩn bị cho những lần khám phá tiếp theo trên Hành tinh đó như MOXIE – một thiết bị thử nghiệm có kích thước như pin xe ô tô có chức năng biến đổi khí CO2 thành oxy. MOXIE được kỳ vọng giúp các nhà khoa học NASA tìm hiểm về cách chế tạo nhiên liệu tên lửa trên Sao Hỏa cũng như khí oxy phục vụ cho những con người sẽ trực tiếp hiện diện tại đây trong thập kỷ tới.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ