(Tổ Quốc) - Quân đội Nga đã triển khai tên lửa chống tàu tới khu vực Baltic, hãng tin Interfax ngày 21/11 cho biết - một động thái diễn ra giữa lúc căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga - phương Tây.
Interfax cho biết quân đội đã triển khai hệ thống tên lửa chống hạm Bastion tới vùng lãnh thổ Kaliningrad - giáp biên giới với hai thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết vào cuối tuần qua rằng Hạm đội Baltic cũng đã được tái vũ trang với bệ phóng tên lửa mới, tuy nhiên không cung cấp chi tiết cụ thể.
Một tên lửa được phóng từ bệ phóng Bastion tại Syria ngày 14/11. (Nguồn: AP) |
Bệ phóng Bastion có thể bắn tên lửa hành trình siêu thanh Oniks, có tầm bắn lên tới 450 km và có thể được sử dụng để chống tàu cũng như các mục tiêu mặt đất. Tuần trước, Oniks đã ra mắt trong trận chiến tại Syria.
Bên cạnh đó, Viktor Ozerov, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề quốc phòng ở thượng viện Nga cũng nói với hãng tin RIA Novosti ngày 21/11 rằng Nga cũng sẽ triển khai các tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander và hệ thống tên lửa phòng không S-400 đến Kaliningrad để đối phó với các kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ.
"Chúng tôi đang phải đối mặt với hai nhiệm vụ chính – đâm thủng hệ thống phòng không và đảm bảo sự bảo vệ khỏi các cuộc tấn công có thể xảy ra," Ozerov nói.
S-400, đã được Nga đã sử dụng để bảo vệ căn cứ không quân ở Syria, là một hệ thống phức tạp có thể đồng thời theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 400 km. Khi được triển khai tại Kaliningrad, S-400 sẽ có thể nhắm mục tiêu tới các máy bay và tên lửa NATO ở hầu khắp khu vực Baltic.
Còn Iskander, có tầm bắn lên tới 500 km với độ chính xác cao, cho phép nhắm mục tiêu tới các căn cứ của một số quốc gia thành viên NATO láng giềng Nga với tính chính xác tuyệt đối. Tên lửa Iskander có thể được trang bị một đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân.
Tháng trước, việc triển khai tên lửa Iskander của Nga tới khu vực Kaliningrad đã dấy lên sự lo ngại từ các nước láng giềng. Quân đội Nga cho biết động thái này là một phần của chương trình diễn tập thường xuyên, nhưng không nói rõ các tên lửa này được sử dụng tạm thời trong tập luyện hay chính thức được triển khai trên cơ sở lâu dài.
Điện Kremlin từ lâu đã cảnh báo rằng sự phát triển của hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ dẫn đầu của NATO đặt ra một mối nguy hiểm cho an ninh của Nga và tuyên bố sẽ biện pháp đối phó. Moscow cũng đã quan ngại mạnh mẽ đối với việc triển khai các đơn vị quân sự của NATO tới gần biên giới Nga.
"Để chống lại những mối đe dọa, chúng tôi sẽ buộc phải tăng cường hệ thống phòng không và tên lửa của chúng tôi tại phía tây và triển khai các phương tiện bổ sung để bảo vệ cơ sở hạ tầng chỉ huy và kiểm soát có liên quan", Ozerov nói với RIA Novosti.
(Theo AP)