• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tên lửa Triều Tiên đẩy quân sự Mỹ, Trung rẽ ngoặt đột phá

Thế giới 16/08/2017 20:46

(Tổ Quốc) - Một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn bao trùm về Triều Tiên đã đẩy quân sự Mỹ và Trung Quốc thiết lập mối quan hệ mới.

Quan chức quân sự hàng đầu của Lầu Năm Góc ngày 16/8 đã lên kế hoạch cho chuyến thăm hiếm hoi tới cơ quan chỉ huy lực lượng vũ trang Trung Quốc – nơi chịu trách nhiệm giám sát vùng đất giáp biên giới với Triều Tiên. Wall Street Journal (WSJ) Theo nhiều chuyên gia, động thái này cho thấy Bắc Kinh không hài lòng với Bình Nhưỡng.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Joe Dunford đến Bắc Kinh sau khi rời Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, vào tối 14/8, vài giờ trước khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố chưa quyết định về vụ phóng tên lửa đạn đạo tới Guam.

Tướng Dunford dự kiến sẽ xem xét các lực lượng Trung Quốc huấn luyện và thể hiện một số khả năng của họ tại Trụ sở Chỉ huy ở thành phố Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc ngày 16/8, các quan chức Trung Quốc và Hoa Kỳ cho hay.

Tướng Joe Dunford và các quan chức trong chính quyền Mỹ. (Nguồn: AFP)

Trong chuyến đi này, Tướng Dunford cũng đã ký một thỏa thuận với đối tác Trung Quốc ngày 15/8 về việc chính thức hóa và tăng cường liên lạc giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc.

Quan ngại gia tăng về Triều Tiên

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm của Tướng Dunford đã được lên kế hoạch trước khi Triều Tiên lên tiếng đe dọa sẽ tấn công Guam. Tuy nhiên, cả hai diễn biến trên đều phản ánh mối quan ngại song phương rằng cuộc khủng hoảng về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên có thể dẫn tới những hiểu lầm quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Trump đã thúc giục Trung Quốc phải làm nhiều hơn để kiềm chế Triều Tiên, dẫn đến sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với các lệnh trừng phạt mới của LHQ trong tháng này.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã thách thức áp lực của Trung Quốc, thử nghiệm hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới vào tháng trước – điều các chuyên gia cho biết có khả năng vươn đến lục địa Hoa Kỳ.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp phòng thủ biên giới, hiện đại hóa và tăng cường huấn luyện đối với quân đội thuộc Bộ Tư lệnh Bắc Bộ nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn ở Triều Tiên, bao gồm khả năng xảy ra một cuộc không kích quân sự của Mỹ, các chuyên gia quân sự cho hay.

Trung Quốc từ lâu đã e ngại sự sụp đổ chính quyền ở Bình Nhưỡng có thể dấy lên dòng người tị nạn Triều Tiên quy mô lớn vào Đông Bắc Trung Quốc và cuối cùng tạo ra một Hàn Quốc thống nhất và gần gũi với Mỹ - điều mở cửa cho quân đội Hoa Kỳ được triển khai tới gần biên giới Trung Quốc.

Các kế hoạch dự phòng của Trung Quốc bao gồm việc thiết lập các trại tị nạn xuyên biên giới để kiểm soát các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, và triển khai lực lượng để ngăn chặn quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc vượt qua Hành lang 38.

Phía Mỹ đã cho biết, Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ những yêu cầu của Mỹ để thảo luận về kế hoạch dự phòng đối với các sự kiện bất ngờ của Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã có dấu hiệu sẵn sàng thiết lập những cơ chế tốt hơn để liên lạc với quân đội Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Bước tiến về quan hệ quân sự

Cuối ngày 15/8, tướng Dunford đã ký kết Cơ chế Đối thoại cấp tham mưu với người đồng cấp Trung Quốc, ông Phòng Phong Huy, tại trụ sở của Quân đội Trung Quốc (PLA). Thỏa thuận này hướng đến một cuộc đối thoại chính thức bắt đầu ở Washington vào tháng 11 tới, các quan chức quân sự Hoa Kỳ cho biết.

"Diễn biến một vài tháng trước đây đã khuyến khích cả hai bên thực hiện bước đi này ", một quan chức quân sự Mỹ cho biết.

Các quan chức nhấn mạnh rằng thỏa thuận mới là một "bước đi đầu tiên đầy hy vọng" trong việc đưa hai quân đội xích gần nhau hơn để họ có thể phối hợp tốt hơn. Tuy nhiên, các nguồn tin này cũng cảnh báo rằng nó sẽ chỉ có giá trị nếu tiến trình này dẫn đến cuộc thảo luận thực sự giữa Lầu năm góc và PLA.

"Chúng tôi hy vọng động thái trên sẽ giúp giảm nguy cơ hiểu lầm, nhưng nó chỉ hữu ích nếu hướng đến việc liên lạc để có hiệu quả trên thực địa," quan chức quân sự Mỹ nói.

Trao đổi quân sự giữa hai bên đã bị hạn chế bởi luật pháp Hoa Kỳ và các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng hai bên sẽ chưa bắt đầu hợp tác theo thỏa thuận trên, nhưng ít nhất cũng có thể ngăn chặn sự hiểu lầm về hành động của nhau.

Mối nguy hiểm của việc tiếp cận thông tin sai lệch đã tăng lên nhiều do mối đe dọa của Triều Tiên và các biện pháp đáp trả của Tổng thống Mỹ Donald Trump – điều đã tạo ra một cuộc khủng hoảng trong khu vực.

"Các mối quan hệ quân sự sẽ làm giảm nguy cơ tính toán sai lầm, và đảm bảo rằng chúng ta duy trì liên lạc trong một cuộc khủng hoảng", tướng Dunford nói vào đầu tuần này với một lập trường rõ ràng về Triều Tiên.

Nhận xét về vấn đề trên, Kelly Magsamen, cựu quan chức chính phủ cao cấp của Lầu năm góc về châu Á dưới thời chính quyền Obama nói "Tôi nghĩ rằng Bắc Kinh chắc chắn đang mất kiên nhẫn với ông Kim Jong Un và đã có trải nghiệm như vậy trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, vẫn chưa đến mức họ muốn hoàn toàn phá vỡ quan hệ".

Bà Magsamen cũng đánh giá cao ý tưởng về một kênh quân sự mạnh mẽ hơn nhưng lưu ý rằng điều quan trọng là phải đưa bước tiến này lên mức cao hơn nữa.

Lầu Năm Góc từ lâu đã tìm cách tiếp cận có cấu trúc hơn để đối thoại với PLA. Một đường dây nóng được thành lập năm 2007 đã là một kênh liên lạc trực tiếp giữa hai bộ quốc phòng, tuy nhiên chỉ thỉnh thoảng mới được sử dụng.

Các quan chức Mỹ hy vọng thỏa thuận mới sẽ dẫn đến nhiều kênh liên lạc hơn giữa các chỉ huy hoạt động hai bên ở nhiều cấp, với các giao thức tốt hơn để liên lạc với nhau và cuối cùng dẫn việc thay thế đường dây điện thoại trên.

Các quan chức quân đội Mỹ cũng cho hay một thỏa thuận tương tự giữa Hoa Kỳ và Nga đã trở thành hình mẫu mới để xây dựng thỏa thuận trên giữa quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc. Năm 2015, Hoa Kỳ và Nga đã đồng ý thiết lập liên lạc thường xuyên với các hoạt động "giảm xung đột" ở Syria.

(Theo WSJ)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ